Bộ sưu tầm cổ vật hàng ngàn món nổi tiếng TP HCM

(PLO) -Suốt 45 năm, ông Hoàng Văn Cường (69 tuổi, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đã sưu tập được hơn 2.000 cổ vật trong đó có nhiều món được cho là “độc nhất vô nhị”.  
Ông Cường bên một góc nhỏ bộ sưu tập cổ vật
Ông Cường bên một góc nhỏ bộ sưu tập cổ vật

Đến đường Đông Du (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) không khó để nhận ra căn nhà nơi ông “vua đồ cổ” sinh sống. Bởi khác với những căn nhà xung quanh, căn nhà 3 tầng của gia đình ông được thiết kế khá đặc biệt. Tường nhà được dựng bằng lớp kính trong suốt. Từ bên ngoài, người đi đường có thể nhìn thấy rõ được một phần trong những bộ sưu tập đồ cổ mà chủ nhân ưu ái sắp đặt ở bên hông cửa. 

Trong nhà, trái ngược với thiết kế khá hiện đại là phong cách bài trí theo lối cổ điển truyền thống. Ngay phía mặt tiền ở ban công tầng hai là tấm biển sơn son thiếp vàng đề rõ tên chủ nhân ngôi nhà khiến người ta sẽ ngay lập tức liên tưởng đến cách bài trí của những căn nhà dòng dõi “danh gia vọng tộc” ngày xưa. 

Bộ tẩu thuốc được cho là của của những quan lại dưới triều Nguyễn
Bộ tẩu thuốc được cho là của của những quan lại dưới triều Nguyễn

Ông Cường kể vốn gốc gác ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, gia tộc đã 4 đời gắn bó với việc sưu tầm đồ cổ, tính từ đời ông nội cho đến con trai ông bây giờ. “Từ đời ông nội và người cha thân sinh ra tôi đã rất sành về mua bán  đồ cổ, tên tuổi có tiếng cả một vùng”. Ông Cường là con trai duy nhất trong năm chị em. 

Chiến tranh loạn lạc, gia đình ông dần sa sút, chật vật lo cái ăn cái mặc qua ngày: “Thấy cha mẹ quá khổ cực, tui ôm quần áo bỏ xứ ra đi. Lúc đó cứ nghĩ rằng đi để tìm việc làm, mong kiếm được chút đỉnh sẽ gửi về quê nhà đỡ đần cha mẹ”. 

Đứa trẻ đường phố lang bạt nay đây mai đó, mưu sinh bằng nghề đánh giày, bán báo dạo, ăn ngủ ở lề đường, cửa chợ, gầm cầu. Hơn 3 năm lưu lạc, ông dạt vào Đà Nẵng kiếm cơm, rồi theo nghề tái chế thép, mua phế liệu chiến tranh, sau đó mở ra các trạm cung cấp xăng dầu. Rồi ông rẽ ngang, trở thành phóng viên chiến trường của một hãng thông tấn quốc tế.

Bảo kiếm cổ
Bảo kiếm cổ

Từ năm 1968 đến năm 1978, đi nhiều nơi, ngoài việc viết bài, ông còn có dịp tiếp xúc nhiều món đồ cổ quý hiếm. Sẵn “máu gia truyền” về niềm yêu thích sưu tầm cổ vật, từ đó ông đã bắt đầu tìm tòi, học hỏi và trực tiếp sưu tầm những món đồ cổ.

Ông kể, những năm tháng chiến tranh, việc di chuyển khá khó khăn và nguy hiểm nên số lượng cổ vật ông sưu tầm được không nhiều. Mãi đến khi hòa bình lập lại, thống nhất hai miền, ông mới có điều kiện dốc toàn tâm toàn lực vào việc sưu tầm. “Nghe ở đâu có đồ cổ; đồ ngự dụng của nhà vua, hoàng hậu hay quan lại cung đình tôi cũng phải trực tiếp lặn lội tìm đến”. 

Hơn 45 năm nay, chưa một ngày ông Cường ngừng sưu tầm. Ông nói không thể nhớ được số lần vất vả ra Bắc vào Nam, lặn lội khắp miền Trung, ra cả nước ngoài. “Tôi thích sưu tầm cổ vật nên cũng quen biết nhiều đồng nghiệp trong nghề. Nhiều lần nghe những đồng nghiệp loan báo ở Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản... có đấu giá cổ vật của Việt Nam hoặc những cổ vật của thế giới tôi đều cố gắng tìm đến”.  

Chiếc sập được cho là có tuổi thọ trên 300 năm
Chiếc sập được cho là có tuổi thọ trên 300 năm

Cho đến nay, số đồ cổ ông Cường sở hữu ước lượng đã trên 2.000 món đồ, gồm hàng trăm bộ sưu tập từ chất liệu sành, sứ, ngọc ngà, đồng, đá, gỗ,... Những món đồ có niên đại cả ngàn năm (thuộc văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo) đến trăm năm (thuộc dòng ngự dụng thời nhà Nguyễn). Tất cả số cổ vật trên được ông chia đều trưng bày ở 4 địa điểm: Căn nhà ở phường Bến Nghé (quận 1), căn nhà thứ hai ở quận 9, hai nơi còn lại ở quận Thủ Đức và quận 7.  

Tại căn nhà 3 tầng ở đường Đông Du (phường Bến Nghé, quận 1), nơi mà cả gia đình ông vẫn đang sinh sống, trong mọi không gian đều được bài trí cổ vật kín mít, không khác gì một bảo tàng cổ vật.

Ông Cường sẵn sàng đưa khách đi tham quan, giới thiệu từ bộ sưu tập gốm Việt (gồm hàng trăm chén, dĩa, ly, tách, độc bình gốm Bát Tràng; Gốm sứ ngự dụng trong cung đình thường được dùng trong những dịp trọng đại) đến chiếc bàn thờ bằng gỗ hoàng hoa lý (gỗ sưa - PV) được chạm khắc tinh xảo với nhiều hình rồng uốn lượn. Theo ông Cường, bàn thờ này có từ thời vua Khải Định, được vua dùng để cúng, tế trời, cầu an mưa thuận gió hòa. 

Ông Cường bên chiếc bát “khủng” được cho là làm từ chất liệu sứ Nhật từ thế kỷ 19
Ông Cường bên chiếc bát “khủng” được cho là làm từ chất liệu sứ Nhật từ thế kỷ 19

Chỉ tay vào bộ bàn ghế bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, ông cho rằng chất liệu của bộ bàn ghế là gỗ trắc được đóng từ thế kỷ XVI, hay chiếc giường được cho là long sàng (giường của vua - PV) có tuổi đời trên 300 năm.

Ông Cường cho hay thêm, trong bộ sưu tập long sàng, ông sở hữu đến 9 chiếc giá trị như: chiếc long sàng vua Chiêm Thành tặng vua Gia Long, chiếc dành cho ấu chúa thời Vua Tự Đức thế kỷ XVIII, chiếc của bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ... Bên cạnh đó là các món đồ gốm sứ men màu lam, những chỉ dụ của vua hay những cây đèn được chạm khắc cầu kỳ. Chưa kể ông còn sở hữu bộ sưu tập 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600, báng súng làm bằng ngà voi.

Một điều đặc biệt khác, ông cho rằng sẵn sàng “đổ” tiền để sưu tầm cổ vật mà chưa hề bán ra một món đồ nào, cho dù được trả giá rất cao. Dù cho ai có ra giá và tìm đủ mọi cách để thuyết phục nhưng ông chưa bao giờ xiêu lòng trước bất cứ lời gạ mua nào.

Chiếc ghế nằm được cho là của công tử Bạc Liêu từng sử dụng
Chiếc ghế nằm được cho là của công tử Bạc Liêu từng sử dụng

Ông nói: “Đối với tôi tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, chết rồi không thể đem theo được. Còn những món đồ cổ này là vô giá”. Ông cho hay đã chuẩn bị sẵn di chúc ghi rõ sau khi ông mất, toàn bộ số cổ vật ông hiện có sẽ được gộp về chung một nơi, thành lập một bảo tàng cổ vật mang tên ông, mong muốn là nơi giúp những thế hệ trẻ hiểu và trân quý những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần của quê hương đất nước.

Đọc thêm