Chuyện vua Việt đầu tiên học theo phương Tây

(PLO) - Dân gian lâu nay vẫn có câu chê cười chuyện vua Khải Định “nịnh Tây”, thế nhưng chuyện vua cha của Khải Định là Đồng Khánh “học Tây” thì không mấy người biết. Ông vua này đã học những gì, dưới đây là một vài điều học hỏi ấy.
Vua Đồng Khánh du xuân
Vua Đồng Khánh du xuân

Ban hành quy định đầu tiên về huân chương

Vua Đồng Khánh (1885-1888) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Kỷ. Trong thời gian trị vì, vua lấy niên hiệu Đồng Khánh. Ưng Kỷ được người Pháp dựng lê làm vua đối phó với việc vua Hàm Nghi xuất bôn khởi xướng phong trào Cần Vương.

Huân chương là một trong những hình thức dành tưởng thưởng cho các cá nhân hoặc tổ chức có những cống hiến lớn lao hay có thành tích xuất sắc trong công cuộc trị quốc an dân, giữ gìn bờ. Huân chương là vinh dự cao quý nhất. 

Tại Việt Nam, ít người biết rằng học hỏi theo và dựa vào cách thức, quy chế về huân chương của Pháp, vua Đồng Khánh nhà Nguyễn đã ban hành những quy định đầu tiên về huy chương.

Có lẽ việc đặt luật lệ làm huân chương ban thưởng này xuất phát từ việc vua Đồng Khánh được Pháp tặng huân chương. Theo đó, để “khuyến dụ, vuốt ve” ông hoàng này, chính phủ Pháp quyết định tặng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, huân chương cao quý nhất của Pháp tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp.

Huân chương dưới thời vua Đồng Khánh
Huân chương dưới thời vua Đồng Khánh

Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết, vào đúng ngày mồng một tháng Giêng, ngày tết và trao Bắc Đẩu bội tinh cho vua. Sách ghi rằng “Mùa xuân, tháng Giêng. Ngày tết nguyên đán, phó Đô thống Ba Duy Đam đích thân dẫn các quý quan vào bái yết, chúc mừng. Chuẩn sai quan Viện Cơ mật ra đáp lễ”.

Đến tháng 2 cùng năm, vua Đồng Khánh đã cho áp dụng kiểu cách về huân chương, sách “Đồng Khánh chính yếu” viết như sau: “Về phẩm cấp có cao có thấp, công trạng có lớn có nhỏ, nên phân biệt ra hạng văn hạng võ, mỗi hạng lại phân biệt ra hàng ngũ đẳng khác nhau. Về văn: Hạng nhất là “khôi kỳ long tinh”; hạng nhì là “Chương hiền long tinh; hạng ba là “biểu đức long tinh; hạng tư là “Minh nghĩa long tinh; hạng năm là “Gia thiện long tinh”.

Về võ, hạng nhất là “trác dị long tinh”; hạng nhì là “Thù huân long tinh”; hạng ba là “tinh năng long tinh”; hạng tư là “Tưởng trung long tinh”; hạng năm là Khuyến công long tinh”. Các loại huân chương này được gọi chung trong hệ thống Đại Nam Long tinh Viện hay Nam Việt Long bội tinh và là những kiểu huân chương đầu tiên ở nước ta.

Cho phát hành công báo đầu tiên

Công báo được hiểu là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước, có chức năng đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật do người đứng đầu Nhà nước; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban và các văn bản pháp luật khác.

Nhiều người nghĩ rằng công báo xuất hiện ở nước ta trong mấy chục năm gần đây, nhưng thực ra tờ công báo đầu tiên ra đời vào tháng 3 năm Bính Tuất (1886) đời Đồng Khánh, theo vua đó là “muốn nước nhà bỏ thói quen cũ, học theo người để mưu cầu đổi mới”.

Trong sách Đồng Khánh chính yếu cho biết vua đồng ý với đề xuất của bề tôi về việc ra công báo, ông này còn lập cả một cơ quan phụ trách hoạt động này: “Quan Viện Cơ mật tâu xin phỏng theo cách làm nhật báo của các nước, thành lập ra Cục Đại Nam công báo, trao cho Sử quán kiêm quản công việc này. Cứ 10 ngày ra chung thành một tờ. Viện Cơ mật cùng với các bộ, nha tập hợp, ghi lại những công việc đã thực hiện để giao cho Cục ấy, cứ 10 ngày một lần Cục tổng hợp kiểm tra, đối chiếu với văn thư trực ban của từng ngày rồi giao cho thợ khắc in truyền bá ra ngoài. Việc bắt đầu làm từ mồng 1 tháng này”.

Sách Đại Nam thực lục cũng cho biết như sau: “Viện Cơ mật tâu nói: Tục lệ các nước đều có nhật báo tân văn, việc lớn thì chính sự triều đình, sau đến tình trạng hương lý, cùng là giá hàng cao hạ, truyền bá với nhau, tuy việc hình như viển vông, nhưng lấy đó mà khen chê công cộng, tình hình trong ngoài, động có điều gì lầm lỗi, tức thì bị mọi người nghị luận, đó là một việc, mà ý khuyên răn được ngụ ở trong. Nước ta từ trước đến giờ chưa từng làm việc ấy, cho nên tình hình bên trong không thể thấu đến bên ngoài; tình hình ở trong không thể thấu được, thì dân tình ở dưới thông với trên sao được”.

“Hiện nay, việc giao thiệp nhiều, nhật báo là cần hơn cả, nhưng xem xét nhật báo ở các nước đều đặt ra Cục, người trông coi Cục ấy phần nhiều là nhàn nhân, ẩn sĩ, cho nên nghị luận thường nhiều ý kiến cao rộng, và bản in đều riêng từng chữ, xếp in dễ dàng, cho nên ngày nào cũng có, xin bắt chước phương pháp các nước, lập Cục Đại Nam công báo nhưng do Sử quan kiêm giữ việc ấy, cứ 10 ngày hợp làm 1 tờ”. Và tờ công báo đầu tiên phát hành ngày 1 tháng 3 năm Bính Tuất (tức ngày 4/4/1886).

Mở trường chuyên dạy ngoại ngữ

Ngoài ra vua Đồng Khánh còn có công trong việc chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho thế hệ trẻ dân tộc. Bởi vua mang tư tưởng thân Pháp, cho rằng cần phải gắn kết hơn mối quan hệ này, trước tiên là phải phổ biến cho dân chúng ngôn ngữ của người Pháp. Điều này vừa khiến người Pháp hài lòng lại có thể sử dụng được những người giỏi thứ tiếng ấy phục vụ cho mối quan hệ giữa triều đình Đại Nam với chính quyền bảo hộ.

Chính vì thế vào tháng 4 năm Đinh Hợi (1887) nhà vua đã cho mở trường dạy tiếng Pháp, có thể nói đây là trường ngoại ngữ đầu tiên ở nước ta. Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết: “Mở trường nói tiếng Đại Pháp, lấy Kiêm đốc Hành nhân ty Diệp Văn Cường, kiêm sung Chưởng giáo; Hành nhân tư vụ Nguyễn Hữu Mẫn sung làm Trợ giáo”.

Bấy giờ trường dạy tiếng Pháp chủ yếu dành cho con em của quan lại, binh lính. Rất ít con em nhà dân thường được nộp tiền vào trường nhập học. Cứ đến cuối năm, Viện Cơ mật sẽ tổ chức hội đồng sát hạch một lần, những người có biết tiếng Pháp một chút cho sung vào làm Hành nhân, chiểu cấp lương cho vào học tập theo lệ học việc. Rõ ràng việc chú trọng đào tạo ngoại ngữ của vua Đồng Khánh ít nhiều có ý ngha đến tận bây giờ.

(Còn nữa)

Đọc thêm