Điều ít biết về các vụ mưu sát Hồ Qúy Ly (Kỳ cuối): Vua Hồ khâm phục thích khách

(PLO) -Từ mối quan hệ ngoại thích gần gũi với các vua nhà Trần, ban đầu là cháu vợ vua, sau trở thành con rể, anh em rể, tiếp đó là bố vợ rồi là ông ngoại vua, cộng với tài năng bản thân, Qúy Ly đã đoạt được ngai vàng về mình. 
Thích khách ẩn núp chờ cơ hội ra tay ám toán (Hình minh họa)
Thích khách ẩn núp chờ cơ hội ra tay ám toán (Hình minh họa)

Những cuộc thanh trừng, trấn áp của tân triều

Việc Qúy Ly lập Trần Thiếu Đế làm vua được sử sách coi là đoạn chót trong việc thực hiện nội dung lời thề của ông với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vào tháng 4 năm Giáp Tuất (1394), lời thề rằng: “Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sử chép: “Canh Thìn, năm thứ 3 (1400)… Tháng 2, mùa xuân. Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng hoàng đế. Quý Ly nói thác ra rằng nhà vua truyền ngôi cho. Bầy tôi khuyên mời lên ngôi vua. Quý Ly giả vờ thoái thác nói: “- Ta sắp đến ngày xuống lỗ rồi, nếu làm như thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất được?” Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời, xưng là hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu và đổi họ mình là họ Hồ, truất Thiếu Đế làm Bảo Ninh đại vương, vì Thiếu Đế là cháu ngoại nên không giết chết” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Hồ Quý Ly ở ngôi khoảng gần một năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương rồi lên làm Thái Thượng hoàng. Khi mới lên ngôi, để củng cố địa vị, Hồ Qúy Ly thực hiện các biện pháp cứng rắn với những mưu đồ chống đối, sau vụ án Đốn Sơn tháng 4 năm Mậu Dần (1398), những thành phần bị coi là dư đảng, thân thích của những người trong vụ án đó bị truy lùng gắt gao. Sử chép: “Lùng bắt dư đảng đến mấy năm không thôi. Người quen biết nhau chỉ nhìn nhau bằng mắt, không dám nói chuyện với nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư). Không khí và tình xã hội lúc đó hết sức căng thẳng, ngột ngạt, lòng dân còn nhiều tiếc nuối nhà Trần, một câu ca dao lưu truyền trong dân gian phản ánh tâm trạng đó:

Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ,

Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.

Câu ca ngụ ý trách những người theo nhà Hồ (Hồ Hán chỉ vua Hồ Hán Thương, con của Hồ Qúy Ly) và đề cao những người “về Hồ Tây” (Hồ Tây thuộc kinh thành Thăng Long, kinh đô nhà Trần).

Vua Hồ Qúy Ly (Hình minh họa)
Vua Hồ Qúy Ly (Hình minh họa)

Hồ Qúy Ly còn tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nhà Trần bằng các hình thức khác nhau, đặc biệt là diệt trừ lúc ngấm ngầm, khi công khai các nhân vật thuộc hoàng thất nhà Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bấy giờ bọn sĩ đại phu tham phú quý, mong được lòng của họ Hồ, dâng thư khuyên giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt số ruộng và nô để nén bớt thế lực của họ, như bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu, Đồng Thức, còn lại thì nhiều vô kể”. Dù thực thi nhiều chính sách cải cách tiến bộ, nhưng do những nguyên nhân khác nhau mà các chính sách đó chưa phát huy được tác dụng thì vương triều Hồ sụp đổ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại đó là để mất lòng dân. 

Công thần khai quốc triều Hậu Lê là Nguyễn Trãi – người từng làm quan dưới triều Hồ đã nhận xét: “Nhà Hồ mất nước vì mất dân”. Trong Nguyễn Trãi toàn tập cũng có ghi lời phê phán sâu sắc như sau: “Họ Hồ dùng gian trí để cướp nước, lại lấy gian trí để hiếp lòng dân. Lệnh “bảo sao” ban bố mà mọi người oán nỗi thương sinh, việc di dân thi hành mà mọi người kêu bề thất sở. Gia dĩ thuế má phiền, giao dịch nặng, pháp luật ngặt, hình phạt nghiêm… Người trung thực phải khóa miệng, kẻ lương thiện thì ngậm oan, thế mà cứ kiêu ngạo tự tôn; không sợ mệnh trời gieo họa… Bấy giờ họ Hồ thoán đoạt, người cả nước xem tự kẻ thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly”.

Câu chuyện ngoài chính sử về một vụ mưu sát

Ngoài những vụ mưu sát được nhắc đến trong chính sử, có một vụ mưu sát nhằm vào Hồ Qúy Ly không được chính sử nhắc đến, tuy nhiên theo truyền tụng dân gian và sau này được ghi lại trong sách Cổ nhân đàm luận thì vụ việc xảy ra khi Hồ Qúy Ly đã lên ngôi hoàng đế.

Chuyện dã sử kể, khi mới cướp ngôi, Hồ Qúy Ly thường mượn cớ đi tuần thú để truy tìm, dò xét con cháu nhà Trần để bắt giết. Bấy giờ nhiều hoàng thân, quốc thích họ Trần đã thay tên đổi họ nhằm tránh họa sát thân, trong đó có Trần Kiểu là cháu vua Trần Anh Tông. Trần Kiểu khi ấy đang trốn tại nhà một người quen là Phan Thế Thúc, ở trại An Giang, huyện Đại An, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định). Nghe tin Hồ Qúy Ly đang tầm nã con cháu nhà Trần, Trần Kiểu sai người đi mời Vũ Duy Dương – một người bạn ở gần đó đến để bàn việc.

Khi Vũ Duy Dương đến, Trần Kiểu kể lại thảm cảnh của con cháu họ Trần rồi khóc ầm lên, nhờ bạn tìm cách báo thù. Cảm thông số phận một ông hoàng thân trong cảnh cùng cực, Vũ Duy Dương nói: “- Ngựa gặp Bá Nhạc mới gầm hét khoe tài, người gặp tri kỷ mới liều thân báo đáp, nay ngài ngỏ lời, vậy tôi xin tận trung, dẫu chết cũng cam lòng”. 

Nói rồi Vũ Duy Dương ra về, ngày đêm miệt mài tập luyện võ nghệ và để ý mọi thông tin về Hồ Qúy Ly. Một hôm dò biết được vua Hồ về tuần thú ở phủ Thiên Trường và sắp lên núi Thôi Ngôi để vãn cảnh chùa, Dương liền mang theo một ngọn giáo dài, lên núi trước nấp trong bụi rậm chờ, tìm cơ hội mưu sát “tên nghịch tặc cướp ngôi”. 

Lúc Hồ Quý Ly xuống kiệu đi lên núi cùng đoàn tùy tùng, đợi vua Hồ đến gần bụi cây, Vũ Duy Dương bất ngờ nhảy ra đâm một nhát vào mặt. Tuy giật mình nhưng Hồ Qúy Ly cũng nhanh nhẹn né được, mũi giáo đâm trượt qua mũ; vua Hồ bị mất đà ngã xuống đất nhưng đám võ sĩ, ngự lâm theo hầu nhanh chóng vực dậy, số khác lao vào bắt được Vũ Duy Dương. 

Nổi giận đùng đùng, Hồ Qúy Ly sai trói nghiến lại tra khảo, bắt Vũ Duy Dương khai ra kẻ chủ mưu, xui khiến nhưng ông mắng lại rồi nói: “- Ta cốt báo thù cho con cháu nhà Trần, tiếc là trời không giúp giết được ngươi, thật đáng tức biết bao!”  

Hồ Qúy Ly vẫn hỏi: “- Ngươi nói trả thù, vậy kẻ xưng là con cháu nhà Trần là ai?”

Vũ Duy Dương đáp: “- Trăm họ nước Nam đều là con cháu nhà Trần cả, sao còn phải hỏi!”

Vua Hồ tức giận sai đánh tơi da, nát thịt nhưng Vũ Duy Dương nhất quyết không khai, còn trợn mắt nói rằng: “- Trời sai ta giết đứa vô đạo như ngươi, chứ không có ai sai khiến việc này. Muốn chém, muốn giết thì cứ làm, đừng hỏi nhiều nữa!”

Hồ Qúy Ly sai lấy kìm sắt bẻ hết răng để tra khảo nhưng Dương quyết không nói. Vua Hồ lại sai chặt hết chân tay, Dương ngất đi, một hồi tỉnh dậy bảo rằng: “- Nếu ngươi tha ta ra, ta sẽ nói hết những điều ngươi muốn biết”. 

Hồ Qúy Ly đồng ý, sai người cởi dây, tháo gông cùm ra. Vũ Duy Dương dù bàn chân, bàn tay đã bị chặt hết, sức lực đã kiệt vì mất máu nhưng vẫn cố gượng ngoảnh mặt về hướng làng Tức Mặc, đất hương ấp của họ Trần mà lạy hai lạy và nói khấn rằng: “- Thần thề sống không giết được giặc Hồ thì chết đi cũng xin làm quỷ dữ mà ăn thịt tên nghịch thần tặc tử!”

Đóng cũi áp giải phạm nhân (Hình minh họa)
Đóng cũi áp giải phạm nhân (Hình minh họa)

Khấn xong liền đập đầu vào đá, vỡ óc mà chết. Dù rất giận nhưng cũng khâm phục khí phách và lòng trung nghĩa của Vũ Duy Dương, Hồ Qúy Ly sai người an táng ông tử tế. Còn Trần Kiểu nghe tin việc mưu sát không thành, bạn thì chết vì nghĩa, lăn khóc thảm thương, rồi trốn sang nước Lão Qua (thuộc nước Lào ngày nay). 

Xét theo chính sử có thấy nhắc đến một người tên là Trần Cảo, tự xưng là con cháu vua Trần, vì tránh sự truy sát của họ Hồ mà phải trốn vào châu Ngọc Ma, giáp với nước Lão Qua, được thổ quan ở đây che giấu. Về sau lấy danh nghĩa tìm lập con cháu họ Trần để thực hiện chính sách ngoại giao với nhà Minh nên Trần Cảo được bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đón về lập làm vua một thời gian. Phải chăng Trần Kiểu trong dã sử chính là Trần Cảo được nhắc đến trong chính sử?

Về những vụ mưu sát Hồ Qúy Ly, dù được ghi chép thuật lại dài ngắn khác nhau nhưng qua đó phần nào cho thấy tâm lý và thái độ của các tầng lớp nhân dân đối với nhà Hồ nói chung và cá nhân Hồ Qúy Ly nói riêng. Nhìn trên phương diện tổng quát, thời gian tồn tại ngắn ngủi và sự thất bại của vương triều Hồ chứa đựng nhiều vấn đề mà hậu thế cần soi xét, phân tích để rút ra bài học có giá trị sâu sắc.

Đọc thêm