Hồi ức chiến trường của một chiến sỹ biệt động Huế

(PLO) - Nghe cụ Hồ Thanh Hồng (ngụ thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) say sưa kể lại những trận đánh năm xưa với chất giọng hào sảng, khó mà đoán được người chiến sĩ năm nào nay đã bước qua tuổi 94. Ông bảo mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, khi có thể bình an bước ra từ khói lửa chiến tranh, dù thân thể chẳng còn vẹn nguyên. 
Cựu binh, thương binh Hồ Thanh Hồng
Cựu binh, thương binh Hồ Thanh Hồng

Một bên mắt và một cánh tay của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, trong chiến dịch mùa xuân 1968.

Tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946, ông Hồ Thanh Hồng lúc bấy giờ làm liên lạc cho huyện Hương Trà. Những báo cáo, những tài liệu mật, cứ thế theo bước chân băng rừng, xẻ núi của chàng trai trẻ. Những ngày tháng làm liên lạc, điều mà người thiếu niên sợ nhất không phải bom rơi, đạn lạc, mà là nguy cơ phải một mình đối mặt với hổ báo trong rừng. “Lúc đó mới lớn, nên gan vẫn còn non lắm. Nhiều lúc một mình băng rừng giữa đêm, bất chợt nghe tiếng hổ gầm bên tai mà giật cả mình. Hồi ấy, trong rừng, hổ còn nhiều lắm. Đêm đêm, chúng mò về làng bắt heo bắt bò là chuyện thường. Khi ấy người đi rừng giữa đêm bị hổ vồ chết là chuyện thường”, ông Hồng nhớ lại.

Năm 1950, ông Hồng được điều về địa phương, làm du kích thôn Hải Bình (nay là thôn Hải Cát, xã Hương Thọ), mảnh đất nơi ông sinh ra lớn lên. Sau hai năm hoạt động ở địa phương, ông Hồng lên đường vào chiến khu, đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông trở lại Quân khu Trị Thiên, sau đó được biệt phái về công tác tại đội biệt động tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hồi đó, thôn Hải Bình có một đồn địch mang tên Gà Lôi. Quân địch cho một đại đội chiếm đóng ở đây, trong khi cơ quan Thành ủy của ta lại đóng ở núi Kim Phụng. Mỗi lần cán bộ của ta về phố, đều phải di chuyển ngang qua đồn địch, nguy hiểm vô cùng. Cấp trên quyết định bằng mọi giá phải xóa sổ bằng được đồn Gà Lôi.

Ông Hồng nhớ lại, đó là một đêm cuối năm năm 1965, ông cùng đồng đội hành quân từ Khe Sanh về dưới chân núi Kim Phụng. Trời mưa lâm thâm, rét cắt da cắt thịt. Người nào người nấy ướt lem nhem, nhưng ai nấy vẫn bừng bừng khí thế. Đồng hồ nhích dần sang số 12, ta bắt đầu nổ súng. Quân ta chia thành ba mũi, hai mũi kẹp thế gọng kìm đánh vào hai bên, một mũi đánh trực diện vào đồn do ông Hồng dẫn đầu. Với phương châm đánh nhanh diệt gọn, chỉ chưa đầy nửa giờ đồng hồ, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ một đại đội địch đang chiếm đóng tại đây, đồng thời thu được nhiều quân trang quân dụng.

Vốn là địa điểm quân sự lợi hại, sau lần bị quân ta tập kích, địch tăng cường lực lượng tái chiếm. Bên cạnh đó, chúng ngày đêm điên cuồng đi càn quét, lùng sục bắt bớ. Nhà cửa tan hoang, khói lửa nghi ngút, tiếng than khóc dậy làng dậy xóm. Mỗi lần biết địch lại vào làng càn, ruột gan ông Hồng lại rối bời. Nhìn mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên bị giày xéo dưới gót giày của địch, cảm giác chẳng dễ chịu chút nào.

Trước tình hình nhiều cơ sở ngầm của ta bị địch lùng sục tìm kiếm, tổn thất vô cùng nghiêm trọng, cấp trên lần nữa quyết địch lên kế hoạch đánh đồn. Và thời cơ tới. Đó là một buổi trưa mùa hè năm 1966, trinh sát của ta nắm được thông tin quân địch sẽ kéo một lúc 3 - 4 đại đội càn qua làng. Tuy nhiên, bọn lính đang dừng chân ở quận Nam Hòa bên kia sông, bận bịu dựng trại thổi cơm trưa. Trong khi đó, một tiểu đội chỉ huy đã di chuyển trước, đóng ở đồn Gà Lôi. “Nhận thấy địch lơ là cảnh giác, trong khi quân đóng cách đó khá xa, không thể yểm trợ kịp. Ta táo bạo tấn công vào đồn giữa trưa, tiêu diệt gọn tiểu đội chỉ huy của địch”, ông Hồng nhớ lại.

Những ngày tháng hoạt động tại đội biệt động tỉnh, ông Hồng cùng đồng đội của mình tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, nhưng một trận đánh đáng nhớ khác, là trận tiêu diệt đồn Nam Hòa (thuộc quận Nam Hòa, nay là thị xã Hương Thủy). Chính trong trận đánh này, ba đồng đội của ông đã hy sinh, ông cũng bị thương nặng, suýt phải nằm lại trên chiến trường. 

Ông Hồng nhớ lại, đó là năm 1968, hòa trong không khí của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đơn vị biệt động của ông được lệnh phối hợp với cánh quân chủ lực, tấn công vào đồn Nam Hòa, tiêu diệt tiểu đoàn địch đang đóng quân tại đây. Quân ta chia thành nhiều tổ, tổ ông Hồng chịu trách nhiệm đánh vào hậu cứ. Trước trận đánh có yếu tố bất ngờ, tốc chiến tốc thắng, quân địch không kịp trở tay. Quân ta đã hoàn toàn xóa sổ một tiểu đoàn địch ở đây. Quân ta bảo toàn lực lượng, rút về hậu cứ. 

Điều đáng tiếc đã xảy ra khi trong quá trình rút lui, địch đã đưa phi đội B52 điên cuồng thả bom. Ba chiến sĩ của ta trúng bom, hy sinh trên đường rút về hậu cứ. Trong trận này, ông Hồng cũng dính đạn, bị thương nặng. Một cánh tay ông gãy nát, một bên mắt bị thương, nhiều mảnh đạn găm nát thân thể ông. Ông Hồng sau đó được đưa ra Bắc điều trị. Mãi đến năm 1971, ông mới về Ninh Bình nhận nhiệm vụ mới, chịu trách nhiệm huấn luyện quân để bổ sung cho chiến trường miền Nam.

Trên bức tường đượm màu thời gian nơi gian phòng khách, người lính già treo đầy những bằng khen, những huân chương, huy chương ghi dấu lại một thời vào sinh ra tử. Đó là Huy chương chiến thắng chống Pháp; Huân chương vẻ vang 1, 2, 3 do cụ Tôn Đức Thắng trao tặng; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ Hồng trở về công tác tại địa phương, làm trưởng ban kiểm soát của hợp tác xã; chủ tịch hội cựu chiến binh của xã liên tục nhiều nhiệm kỳ… 

Bây giờ tuổi đã cao, việc nhớ nhớ quên quên như là một lẽ thường của đời người, nhưng với người chiến sĩ năm nào, kỷ niệm hào hùng một thưở đã in dấu vào tâm khảm chẳng thể nào quên. Vậy nên, mỗi lần kể lại chuyện xưa là một lần ông sống lại với tuổi trẻ, và gương mặt chi chít nếp thời gian dường như cũng trẻ lại so với cái tuổi xưa nay hiếm. 

Đọc thêm