Kỳ Ngoại hầu Cường Để - Một đời lưu lạc (Kỳ 3): Đối mặt những hiểm nguy

(PLO) - Ra công gắng sức cho công cuộc Đông Du, những mong thu được thành quả, nhờ nơi đất Nhật mà đào tạo nên những trụ cột sau này cho công cuộc giành độc lập nước nhà, mà hiềm nỗi, Pháp – Nhật bắt tay nhau. Cơ đồ đang đang xây chưa thành đã đổ nhãn tiền. 
Hong Kong đầu thế kỷ XX, nơi Cường Để lưu trú, hoạt động
Hong Kong đầu thế kỷ XX, nơi Cường Để lưu trú, hoạt động

Và từ năm 1908, Kỳ ngoại hầu Cường Để, phải dịch chuyển khắp nơi khi biết bao nguy hiểm rình rập. 

Dạo mới đến đất Phù Tang, theo “Việt Nam danh nhân từ điển”, vị hoàng thân họ Nguyễn nơi đất Tokyo, vào học tại trường Chấn Võ Lục Quân (Shimbu Gakko). Sau vì bị bệnh mà phải thôi. Đến năm 1908, ông còn theo học tại Đại học Waseda với tên Lý Cánh Thành, quốc tịch Trung Hoa. 

Người Pháp truy lùng

Cái chí mong đem sức vóc của bản thân mà phụng sự cho nghiệp lớn một mai, nhưng sang đất Nhật, có xông pha vào thực tế, mới thấy được những khó khăn, vất vả. Mà trước hết, là cái kế hoạch bồi dưỡng nhân tài nơi đất Viễn Đông này.

Thế rồi thấy công việc cũng chưa được tiến triển lắm, Cường Để nghĩ đến đất Xiêm, nơi đức Gia Long xưa đã dựa vào để lập thành đại nghiệp. Nghĩ là làm, theo lời tâm sự của ông trong “Cuộc đời cách mạng Cường Để”, thì tháng 11/1908, Kỳ ngoại hầu sang Xiêm. 

Trong hai tháng trời nơi đất Xiêm, cái lợi là bà con Việt kiều có gốc từ thời Gia Long bôn ba sang đây, cho đến dân Việt mới nhập cư chưa lâu, khá là đông đảo. Nhưng khí hậu, đồ ăn lại không hợp, và cũng không trông mong gì được nơi chính phủ Xiêm, nên chẳng bao lâu sau, Cường Để lại phải quay về Nhật.

Khi qua đất Hong Kong, ông bị bệnh, phải vào nhà thương Hoàng Gia Y viện hai tháng rồi mới về đất Tokyo, vào học nơi Đại học Tảo đạo điền Waseda như đã nói ở trên.

Không lâu sau, tình hình nơi đất Nhật đổi khác. Ghi chép trong “Người hùng nước Việt” cho biết “Chính phủ Pháp đã dùng thủ đoạn ngoại giao với nước Nhật buộc chính phủ Nhật phải dẫn độ ông về cho chúng”.

Kỳ ngoại hầu Cường Để lúc trung niên
Kỳ ngoại hầu Cường Để lúc trung niên

Cái cớ để người Pháp làm vậy, ấy là theo tinh thần Hiệp ước Nhật – Pháp được ký năm 1907, thì “Nhật với Pháp có nghĩa vụ phải tôn trọng lãnh thổ và quyền lợi lẫn nhau”. Từ đó, người Pháp lấy làm căn cứ để yêu cầu chính phủ Nhật dẫn độ nhà yêu nước họ Nguyễn, cũng như giải tán học sinh Việt Nam ở Nhật. 

Sự thể ấy, đưa chính phủ Nhật vào thế khó, không thể cự tuyệt hẳn yêu cầu của Pháp, mà cũng không muốn giao nhà yêu nước đất Việt cho người Pháp. Thế nên, chính phủ Nhật lấy cớ rằng quốc tế công pháp không có lệ dẫn độ chính trị phạm để không giao Cường Để cho Pháp, nhưng cũng nhận lời với Pháp sẽ không cho vị hoàng thân cư trú đất Nhật.

Lúc này, hành tung của Cường Để nhà cầm quyền không nắm được, nên tung chhh sát đi tìm, khuyên ông đi khỏi đất Nhật. Để an toàn, Cường Để rời Tokyo đi Kobé. Và rồi, đến vài lượt nào mật thám, nào cảnh sát theo dõi, quấy rầy, để rồi sau đó khi quay về lại Tokyo, Kỳ ngoại hầu “được” cảnh sát Nhật mời đến Cảnh thị sảnh nói chuyện. Mạng nhà yêu nước chí nguy. May sao… 

Bôn ba khắp chốn

Vốn trước đó, Kỳ ngoại hầu quen với Bá Nguyên Văn Thái Tang (Kashiwara Bun Taro), đứng đầu Thương nghiệp học hiệu có du học sinh Việt Nam, bèn nhờ Bá Nguyên giúp đỡ. Biết hiện trạng tình cảnh của nhà yêu nước Việt Nam, Bá Nguyên dự đoán rằng “việc cưỡng bách xuất cảnh nầy nếu chưa đến tai cảnh sát, còn có thể cứu vãn được, chứ Cảnh thị Sảnh đã phụng lệnh chấp hành, thì không sao được nữa”.

Biết rằng không chóng thì chầy cũng sẽ bị trục xuất, Cường Để xin hoãn cho ba ngày, nhưng không được toại ý, Ngoại vụ tỉnh chỉ cho đến 14 giờ hôm sau. Vậy là đến lúc Nhật xuất. 

Trước lúc ra đi, Kỳ ngoại hầu vẫn còn nhớ rằng, Bá Nguyên mua ba khẩu súng giao cho ông và hai người đi cùng là Nguyễn Siêu, Trần Hữu Lục, mà dặn rằng “khi đi khỏi đất Nhật nếu không may bị người Pháp bắt thì súng này sẽ liệu với thân sau này, chứ không chịu nhục”.

May thay sau này, dẫu bao phen gặp nguy đến thân, mà khẩu súng ấy, chưa một lần phải lên đạn. Theo “Người hùng nước Việt”, ngày 26/10/1909, Kỳ ngoại hầu Cường Để đáp tàu Jiomaru rời đất Phù Tang sau ba năm rưỡi hoạt động. Tàu thẳng hướng Thượng Hải mà tiến. 

Vị hội chủ của Duy Tân hội đã ra khỏi nước Nhật, phần nào đúng thâm ý của người Pháp rồi vậy. Và, vẫn muốn bắt ông, nên người Pháp chủ động đón lõng Kỳ ngoại hầu, chỉ chờ tàu đến bến là đưa nhà yêu nước vào cái cảnh “cá nằm trên thớt”. Khi tàu tới Hồng khẩu thuộc tô giới Mỹ, họ liên lạc với cảnh sát tô giới Mỹ cấm không cho chiếc thuyền nào bén mảng tới gần tàu có Kỳ ngoại hầu, và phái 60 mật thám xuống tàu lùng bắt.

Nhưng “hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”, chính phủ Nhật dù không thể dung Kỳ ngoại hầu, mà vẫn tìm cách che chở cho ông. Biết chuyện ấy, thuyền trưởng của tàu cùng nhân viên ra sức che chở cho Kỳ ngoại hầu, giấu ông vào buồng than. Còn lãnh sự Nhật thì phái người xuống tàu để bí mật đưa ông lên, nhưng không thành.

Sau, nhờ đóng giả làm bồi tàu mà lên bờ, Kỳ ngoại hầu mới thoát được. Ấy là một phen sự tự do thật mong manh. Đến Thượng Hải rồi, để lừa tai mắt của kẻ thù, Kỳ ngoại hầu lại bất đắc dĩ cải trang thành người Hoa cho dễ trà trộn. 

Thượng Hải đầu thế kỷ XX, nơi Cường Để từng đặt chân đến
Thượng Hải đầu thế kỷ XX, nơi Cường Để từng đặt chân đến

Nghĩ đất Thượng Hải còn nguy hiểm, vị hội chủ lại đáp tàu đi Hong Kong, rồi Macau, Quảng Châu, sau lại về Hong Kong mà trú ẩn, tiện cho sự hoạt động. Thật là mấy phen dịch chuyển, chạy giặc vậy. Lúc ấy, là năm 1910. 

Viện Trung bất thành

Nơi mảnh đất nhượng địa của người Anh, được mệnh danh là “cảng thơm” này, Cường Để ra sức hoạt động. Nhờ nguồn tiền vận động ủng hộ trong nước gửi sang, mà mua hàng trăm khẩu súng để chuyển về nước mưu sự.

Hiềm nỗi, đường vận chuyển không thông, kế hoạch chuyển súng về trong nước bất thành. Cũng ở đất Hong Kong, để tiện cho việc giao thiệp sau này, ông học thêm tiếng Anh. 

Nhân có tin Phan Bội Châu từ Quảng Châu sắp sang Xiêm, Kỳ ngoại hầu liền sang đất Thái “để xem anh em làm ăn thế nào, có thể thì cùng nhau gây dựng cơ sở ở bên ấy lại”. Dẫu vậy, tình hình chính trị dù có tiến bộ, mà thế lực người Pháp nơi đâu còn mạnh, cũng là một bất lợi.

Nơi “Cuộc đời cách mạng Cường Để”, ông cho hay, bởi thấy anh em làm ăn, hoạt động khó khăn, Cường Để liền liên lạc với vua Xiêm để xin giúp lập một cơ sở. Danh vị hoàng thân, quốc thích đất Nam, rõ là tương xứng để mà giao thiệp. Nhưng ngặt nỗi, người Pháp đã biết tin vị hầu tước có mặt ở Xiêm, nên yêu cầu chính phủ Xiêm dẫn độ cho họ. Thế là bao nhiêu dự định, lại tan thành mây khói.

Để tránh nanh vuốt kẻ thù, Kỳ ngoại hầu phải rời Xiêm về Hong Kong, lúc ấy, là đầu năm 1911. Đến cuối năm này, cách mạng Tân Hợi diễn ra nơi Trung Hoa, lập nên chính phủ mới với Hoàng Hưng làm Đại nguyên soái, Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống.

Vốn trước đây, Kỳ ngoại hầu cùng cụ Phan Sào Nam đã quen biết với hai người ấy, nay nhân cách mạng Tân Hợi thành công, thì việc vận động nhờ giúp đỡ, có thể thành lắm. Tháng 1/1912, Cường Để liền đến Thượng Hải, cùng với cụ Phan bắt đầu cuộc vận động. Thế nhưng, trời lại chẳng chiều người.

Ít lâu sau, Tôn Trung Sơn từ chức Tổng thống, Viên Thế Khải lên thay thế. Gió đổi chiều quá nhanh, việc nhờ cậy vì vậy, không thực hiện được. Hai người sau lại nhờ đến Hồ Hán Dân đương là Đô đốc Quảng Đông, nhưng rốt cục cũng không cậy được gì thêm.

Dự định cậy đến người láng giềng không thành. Đó cũng là nguồn cơn để không lâu sau đó, Việt Nam quang phục hội được lập ra...

Đọc thêm