'Luật làng' thời phong kiến Việt Nam (Bài 1): Đội ngũ 'dân quan'

(PLO) - Mô hình quản lý làng xã dưới thời phong kiến được tổ chức theo một cơ chế kép, chính quyền ở làng xã vừa do nhà nước tổ chức, quản lý theo quy định, nhà nước lại cho phép làng xã có quyền tự quản, nhà nước dùng pháp luật để quản lý, lại cho phép làng xã sử dụng những quy ước “lệ làng” làm công cụ điều hành ở làng...
Trong tấm hình chụp năm 1915 này, dường như các viên Lý trưởng, Cai tổng đến huyện đường thăm quan huyện
Trong tấm hình chụp năm 1915 này, dường như các viên Lý trưởng, Cai tổng đến huyện đường thăm quan huyện

Bức tranh toàn cảnh phản ánh vấn đề thú vị này được nhóm tác giả Phạm Thị Ngọc Thu, Nguyễn Duy Bính, Huỳnh Bá Lộc phản ánh lại trong một tài liệu, PL4P xin lược trích giới thiệu.

Trăm dâu đổ đầu Lý trưởng

Đầu thế kỷ 19, vua Gia Long xác định rất rõ vị trí, vai trò của làng xã trong “Chiếu định điều lệ hương đảng”: “Nước là hợp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm nước”.  

Từ năm 1831 đến 1945, triều Nguyễn đã bắt tay vào việc tổ chức, củng cố quyền lực của mình trong cả nước, đặc biệt có những chính sách cụ thể với việc quản lý làng xã. Năm 1831, vua Minh Mạng cho cải cách hành chính toàn diện từ trung ương đến địa phương.

Từ sau cuộc cải cách hệ thống cơ quan hành chính và quan lại các cấp được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, bao gốm các cấp: cấp tỉnh, dưới tỉnh có phủ và huyện, dưới huyện có tổng và xã. Xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước, có vai trò tương đối độc lập với trung ương.

Về bộ máy quan lại, ở các cấp hành chính địa phương từ tri huyện trở lên do triều đình bổ nhiệm, từ Cai tổng trở xuống đến Lý trưởng do dân bầu ra và được nhà nước phê duyệt. Vì lý do đó, đội ngũ Cai tổng, Lý trưởng là đội ngũ “dân quan”. Tức là đội ngũ quan lại nhưng rất gần với nhân dân, được chính những người dân lựa chọn và được triều đình thừa nhận.

Cách thức tổ chức này về mặt nào đó có thể xem là một biểu hiện của hình thức dân chủ, không phải dân chủ cá nhân cho người dân mà như là dân chủ tự trị cộng đồng của làng với nước, cơ chế được tổ chức cho thấy một sự thống nhất quyền lực giữa triều đình trung ương và bộ máy quản lý làng xã ở địa phương.

Dưới thời vua Minh Mạng, đối với cơ sở bỏ chức Xã trưởng, thay bằng Lý trưởng và tùy quy mô sẽ có Lý phó và Lý dịch đi kèm. Vua Minh Mạng quy định rõ tiêu chuẩn chọn Lý trưởng và phải do dân bầu: “Lý trưởng, Lý phó phải là những người vật lực, mẫn cán, phải do dân làng đồng tình bầu cử, phủ huyện xem kỹ lại rồi báo lên trên để cấp văn bằng, mộc triện. Làm việc được ba năm xét ra giỏi giang thì tâu xin khen thưởng, người nào hèn kém tham ô thì cách đi”.

Nhà nước quy định chặt chẽ việc bầu Lý trưởng và các phụ việc cho Lý trưởng trong xã dựa trên số dân. Lý trưởng nhất quyết phải có một tài sản nhất định và mẫn cán, nhanh nhẹn. Ngoài điều kiện trên, Lý trưởng phải được chính viên Cai tổng cùng dân chúng sở tại đồng thời bầu cử.

Mọi công việc trong làng xã, Lý trưởng phải chịu trách nhiệm từ việc binh, lương, thuế khóa, phu then tạp dịch, xét xử kiện tụng nhỏ... 

Một viên lý trưởng tại miền Bắc
Một viên lý trưởng tại miền Bắc

Nếu Lý trưởng sau 12 năm làm việc không tham nhũng và để lại điều tiếng xấu gì thì được làng xã thưởng từ 1-5 sào ruộng. Việc miễn tạp dịch chung thân cũng là phẩn thưởng xứng đáng đối với Lý trưởng. Điều này cũng được ghi trong các hương ước của một số làng.

Quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, các viên Lý trưởng phải chịu trách nhiệm rất cao, sẽ bị xử tội nặng trong những trường hợp làm thất thoát quyền lợi của nhà nước hoặc xâm phạm quyền lợi của dân bị phát hiện như ẩu lậu suất đinh, thu lương thực trái kỳ hạn, hoặc để cho dân đinh trốn sưu dịch.

Trong Hoàng Việt luật lệ, điều “Đào tị sai dịch” mục hộ dịch, chương Hộ Luật quy định: “Phàm thường dân trốn sang cư ngụ ấp gần phủ, châu, huyện để né tránh sai dịch thì bị phạt 100 trượng, đưa về làng cũ bắt làm việc. Nhưng chính xã trưởng, quan lại cố dung túng và người ở gần đó để ẩn núp gây tệ nạn cho mình thì cùng tội với phạm nhân. Nếu gửi thơ văn báo đầu mà ti quan sở lại ích kỷ làm ngơ, phạt mỗi người 60 trượng”.  

Một người gây tội, cả làng vạ lây  

Thời vua Tự Đức, qua nhiều lần chỉnh sửa, triều đình đã ban hành “Minh điều Hương ước” (1852). Theo đó, các làng tùy theo lớn nhỏ được tùy nghi công cử các chức vụ để quản lý làng xã, gồm: Hội đồng kỳ mục và các dịch mục chuyên trách những công việc nhất định, số lượng có thể lên đến vài ba chục người làm công việc làng xã.

Theo Minh điều Hương ước, triều Nguyễn quy định có các nhóm hương chức: Một nhóm hương chức phải dựa vào lý lịch, đạo đức để làm nhiệm vụ giữ gìn truyền thống văn hóa; Một nhóm hương chức phải dựa vào học lực, đạo đức để làm nhiệm vụ giữ gìn truyền thống văn hóa; Một nhóm hương chức phải dựa vào học lực, đạo đức để làm nhiệm vụ thu xuất, sổ sách, công văn hành chánh; Một nhóm hương chức phải dựa vào học lực, đạo đức để sai phái phục dịch.

Nhà nước dùng biện pháp liên đới trách nhiệm để bắt làng xã phải đảm bảo nghĩa vụ của từng người dân với nhà nước, từ việc lấy lính, bắt phu dịch, đóng thuế... Nếu có một người dân trong làng trốn không thực hiện nghĩa vụ với nhà nước thì làng phải bù.

Có những xã, có những người dân phạm các tội lớn như trộm cướp hoặc làm giặc, nhà nước thường bắt tội Cai tổng, Phó tổng, Lý trưởng hoặc trị tội cả làng, thậm chí nếu bị quy tội làm giặc, có khi cả làng đó phải cùng chịu chung tội với người có tội, bị thi hành những hình phạt hà khắc. 

Một viên cai tổng ở Nam Kỳ
Một viên cai tổng ở Nam Kỳ

Hay như việc quản lý ruộng đất công làng xã là một trong những việc quan trọng, các xã phải thường xuyên làm việc này theo yêu cầu của nhà nước. Minh Mạng năm 1837 có quy định “mỗi sổ địa bạ phải ghi rõ ranh giới của làng tại bốn bề (đông nam tây bắc), tổng số ruộng đất (gồm cả đất ở, ao hồ, đầm gọi chung là thổ trạch, viên trì).

Về ruộng, phải ghi rõ số ruộng công và ruộng tư. Số ruộng công phải ghi rõ diện tích rừng hạng ruộng (tốt, xấu), loại ruộng theo mục đích sử dụng (thờ cúng, cấp cho dân đinh, cấp cho những người đi lính và các đối tượng khác...)…

Cuối bản địa bạ, Lý trưởng và chưởng bạ (người giữ giấy tờ về ruộng đất) phải cam kết các số liệu được ghi là hoàn toàn chính xác đến từng phân, tấc, nếu quan trên phát hiện gian lận thì phải chịu tội”.

Triều Nguyễn đã áp dụng chính sách mềm dẻo trong quản lý với cấp xã, không phải dùng nhiều biện pháp cưỡng chế của quản lý nhà nước, trật tự ở địa phương vẫn được duy trì , các chính sách quản lý làng xã dần được hình thành ngày càng rõ nét và nhất quán.

Nhà nước tuy không trực tiếp nhúng tay vào quản lý làng xã nhưng lại quản lý cấp cở sở bằng một hệ thống “quan dân” và cho phép họ sử dụng các lệ làng được ghi trong các hương ước, khoán ước... để quản lý, điều hành làng xã. 

Nhà Nguyễn quản lý xã hội bằng luật thông qua bộ máy chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, các vua nhà Nguyễn cũng nhận thức rất rõ đối với làng xã, hương ước, lệ làng thật sự có vai trò quan trọng, bởi dân gian có câu rằng: “phép vua thua lệ làng”.

Lệ làng là những phong tục, tập quán trong sinh hoạt, sản xuất...được dân làng lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác, thực hiện theo thói quen và phương thức chuyển giao thường bằng truyền khẩu, còn hương ước là lệ làng được văn bản hóa ghi trên giấy, khắc vào bia đá, gỗ...

Những lệ làng quy định trong những hương ước những đúc kết có sự bàn bạc, phản ánh dân trí, tập trung quy định cụ thể từng mặt trong đời sống của dân cư trong làng xã, chúng là những quy tắc xử sự được mọi thành viên trong cộng đồng tự giác thực hiện. Nhà nước đã tìm biện pháp để thâm nhập, sử dụng và thông qua hương ước để cụ thể hóa pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội. 

Điều này kiến tạo nên mối quan hệ giữa pháp luật của nhà nước với hương ước. “Luật làng”, một mối quan hệ có tính chất vừa hợp tác, vừa mâu thuẫn, xung đột với nhau diễn ra khá sôi nổi dưới thời Nguyễn.

(Còn tiếp)

Đọc thêm