Nạn nhân Chất độc da cam thế hệ thứ 3: Không để khoảng trống chính sách kéo dài

(PLO) -  Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, những di họa đớn đau đối với các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) thế hệ thứ 3 đặt ra vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết về việc cần phải có một chính sách ở tầm vĩ mô có đủ khả năng chia sẻ với các nạn nhân mới, dù biết rằng chẳng chế độ, chính sách nào có thể bù đắp hết được nỗi đau da cam. Không thể để các nạn nhân thế hệ thứ 3 đơn độc trong nỗi đau ám ảnh cả nhân loại.
Nạn nhân Chất độc da cam thế hệ thứ 3: Không để khoảng trống chính sách kéo dài

Vẫn đang nghiên cứu, đề xuất 

Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Ban Bí thư Trung ương và Thủ tướng Chính phủ về việc “nghiên cứu chính sách đối với nạn nhân bị nhiễm CĐDC thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi CĐHH” (gọi chung là nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3), các bộ, ngành chức năng cũng đã bắt tay vào cuộc.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Kiều Liên, Trưởng phòng Chính sách 2, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH), hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức cũng như tiêu chí đánh giá về mức độ ảnh hưởng của CĐHH đối với thế hệ thứ 3. Bởi vậy, đối với nhóm đối tượng này, nếu bị khuyết tật họ sẽ được giải quyết chế độ trợ cấp theo chính sách bảo trợ xã hội hiện hành. Nhưng, nói như ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì đây không phải là chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Dù chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách để áp dụng cho các nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3 nhưng bà Ngô Kiều Liên cũng khẳng định, sau khi có Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành tiêu chí xác định thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi CĐHH. 

“Trên cơ sở tiêu chí do Bộ Y tế ban hành, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam tiến hành điều tra khảo sát, thống kê số liệu thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi CĐHH. Trước mắt, khi chưa xác định được tiêu chí theo khoa học, Bộ LĐTB&XH cùng với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát trên cơ sở thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật để xác định sơ bộ số lượng  khảo sát”- bà Liên cho biết, đồng thời cũng khẳng định: hiện Bộ LĐTB&XH đang nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với thế hệ thứ 3 phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và các nhóm đối tượng.

Đừng bắt em phải chờ đợi

Nhận định “chính sách đối với nạn nhân di chứng CĐDC là chính sách an sinh nhân văn”, nhưng ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cũng cho rằng: “Việc xác định khuyết tật do nguyên nhân CĐHH đối với các thế hệ càng ngày càng xa cuộc chiến tranh khá khó khăn và phức tạp”. 

Nhưng không phải vì khó khăn và phức tạp mà chúng ta được phép chần chừ, chính bởi vậy, tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14- CT/TW của Ban Bí thư và tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ diễn ra vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng còn rất nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn, làm với tâm thế mới, với tình cảm, trách nhiệm cao hơn. Theo Phó Thủ tướng, ngành LĐTBXH bên cạnh việc tập trung giải quyết những hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ… cũng cần “nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng CĐHH thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi CĐHH”.

Khẳng định quyết tâm trên, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong văn bản trình Ban Bí thư, Bộ này cũng đã kiến nghị các chế độ cho những đối tượng là đời thứ 3 bị nhiễm di chứng CĐHH. “Khi được Ban Bí thư ủng hộ, chính sách sẽ được xây dựng và ban hành”- ông Dung thông tin. 

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Ring - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, mặc dù các nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3 không phải là người có công nhưng lại do người có công sinh ra, bởi vậy họ cần được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. “Ông bà và bố mẹ các em nếu bị nhiễm CĐDC thì sẽ không có khả năng nuôi con, nuôi cháu. Thế thì xã hội phải có trách nhiệm nuôi các em?”- ông đặt vấn đề.

Và, thời gian qua các em đã nhận được nhiều sự ủng hộ bằng tiền, hiện vật của các tổ chức xã hội và những nhà hảo tâm, nhưng đó cũng chỉ là sự ủng hộ nhất thời trên tinh thần của sự đồng cảm và sẻ chia trong cộng đồng. Các em có quyền được nhận nhiều hơn thế - ngoài tình thương yêu, sự đồng cảm còn có cả trách nhiệm và sự bảo vệ đến cùng - nhiệm vụ đó phải do Nhà nước đảm đương. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể, nhấn mạnh việc cần thiết phải nghiên cứu chính sách đối với nạn nhân bị nhiễm CĐDC thế hệ thứ 3. Vậy còn lý do gì để các bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng không khẩn trương thực hiện. Bởi chỉ chậm một ngày thôi cũng có thể khiến nhiều nạn nhân không được biết đến chính sách nhân văn ấy, vì lúc đó bệnh tật do di chứng CĐDC đã cướp các em ra khỏi cuộc đời này. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Chính sách phải theo đuổi đến tận cùng của hậu quả

“Tôi đã nhiều lần nói với anh Rinh (Thượng tướng Nguyễn Văn Ring- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam- PV) rằng chính sách đối với nạn nhân CĐDC  chưa tương xứng với chính sách đối với thương binh. Người thương binh có thể chịu một phần gánh nặng của bản thân, nhưng nạn nhân CĐDC thì hậu quả không biết đến khi nào mới kết thúc. Cho nên theo tôi, chính sách đối với nạn nhân CĐDC nói chung phải cao hơn người thương binh. Vì sao? vì thương binh thì anh chỉ chịu đựng một mình…, nhưng sau đó con cái anh có điều kiện đi lên, nghĩa là nó kết thúc hậu quả chỉ một thế hệ. Nhưng CĐDC có thể kéo dài sang nhiều thế hệ sau, nên tôi nghĩ rằng chính sách về CĐDC vẫn chưa tương xứng, chưa công bằng đối với thương binh bị nhiễm CĐHH, đặc biệt đối với con cái của họ. 

Theo tôi, chính sách phải theo đuổi đến tận cùng của hậu quả đó, để thỏa đáng không phải chỉ cho những người lính bị nhiễm CĐHH mà cho cả thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí là thế hệ thứ 4. Tôi đề nghị Nhà nước nên xem xét lại chính sách đối với nạn nhân CĐDC. Tôi đã từng nói với anh Rinh, khi nào còn nạn nhân CĐDC thì con người đó phải được hưởng chính sách, đặc biệt là các thế hệ sau của những chiến sĩ đã từng đổ máu nơi chiến trường”.

Thượng tướng Nguyễn Văn Ring - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam: Trước sau gì cũng nghiên cứu được thôi.Thực tại của nước ta hiện nay đã có nhiều nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3, và cũng có nơi báo lên là có thế hệ thứ 4 (chắt) bị ảnh hưởng bởi chất độc này. 

Sau khi Ban Bí thư Trung ương có các Chỉ thị 43 và 14, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin đã đề nghị với Nhà nước nghiên cứu để luật hóa Chỉ thị của Đảng và quyết định của Chính phủ đối với thế hệ thứ 3 của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH. Đối với mức trợ cấp, chúng tôi đề nghị cho các cháu được hưởng chế độ như con (thế hệ thứ 2) của những người tham gia kháng chiến.

Ngoài ra, Hội cũng có đề xuất với Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế về vấn đề trên, nhưng họ nói rằng hiện tại chưa nghiên cứu để kết luận được các đối tượng này (thế hệ thứ 3) có phải bị biến đổi gen do ảnh hưởng của CĐDC truyền từ đời ông sang hay không. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, chúng tôi kết luận rằng: trong gia đình 3 thế hệ thì thế hệ ông/bà truyền sang đời con và truyền tiếp sang đời cháu là có xảy ra… Dù các Bộ trên trả lời là chưa nghiên cứu được nhưng tôi tin chắc là trước sau gì cũng nghiên cứu được thôi.

Cục trưởng Cục Trẻ em
Cục trưởng Cục Trẻ em

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH): Nên có chế độ cho nạn nhân thế hệ thứ 3 

“Hiện nay, đối với trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng của CĐHH, Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi và chế độ đãi ngộ. Nhưng khả năng của chúng ta cũng mới chỉ hỗ trợ được những trẻ em có khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Theo Luật Trẻ em năm 2016, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em khuyết tật do di chứng CĐDC sẽ được mở rộng về đối tượng và mức hưởng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội.

Tôi đồng ý với quan điểm nên có chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3, bởi các em cũng gặp rất nhiều thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống. Tôi tin là khi nguồn thu của chúng ta tăng lên, mức độ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn thì các cơ quan như Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh… sẽ  có những quyết định phù hợp để phân bổ ngân sách hàng năm nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em”.

Đọc thêm