Nữ phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa

(PLO) - Tôi đã từng trải qua cảm giác phải nín thở khi đi trên những cung đèo cheo leo miền Tây Bắc Tổ quốc, nhưng cảm xúc mãnh liệt nhất, khó quên nhất chính là cảm xúc khi được tác nghiệp ở Trường Sa. Khó khăn là thế nhưng hấp dẫn đến kỳ lạ. Để rồi, Trường Sa đã và sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho chúng tôi trong mỗi trang viết về người lính hải quân của Tổ quốc.
Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa
Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, tàu HQ571 đưa đoàn công tác chúng tôi ra khơi, tới thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến đi Trường Sa hôm ấy, tôi là nữ phóng viên duy nhất và ít tuổi nhất đoàn, nên hầu như đều phải căng mình ra mà theo kịp lịch tác nghiệp dày đặc của các anh, các chị - những người kỳ cựu trong làng báo.

Tác nghiệp ở Trường Sa là làm việc trong một điều kiện đặc biệt. Cái khó không chỉ là những cơn say sóng đến lả người. Cả khi thuận buồm, xuôi gió thì phóng viên cũng phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Chỉ có hơn hai giờ đồng hồ tàu dừng trên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thì quay đi quay lại, vèo một cái đã đến lúc trở lại tàu. Vả lại, khi mà cán bộ bận đón đoàn, chiến sĩ thì mê mải với những tiết mục trong chương trình giao lưu văn nghệ, phóng viên phải khéo lắm mới lựa lấy được thông tin... Mọi kinh nghiệm làm báo, lúc ấy phải được phát huy một cách tối đa mới mong có được một lưng vốn kha khá để về đất liền “rút ruột“ dùng dần. 

Tác giả với chiến sỹ trên Trường Sa Đông
Tác giả với chiến sỹ trên Trường Sa Đông

Tôi nhớ mãi về anh Mai Xuân Hiếu - cán bộ đảo Đá Tây B. Khi đoàn vừa bước chân lên đảo, biết được ở đây có đồng hương, tôi đã lao tới, tay bắt mặt mừng, rồi giữ lấy anh trò chuyện, nào là câu chuyện trồng rau xanh, tăng gia sản xuất tại đảo, nào là câu chuyện về những mẻ lưới đánh cá cấp đông dự trữ cho ngày hết lương thực, về những ngày làm nhiệm vụ trên biển gặp sóng dữ... rồi câu chuyện về người vợ yêu thương nơi quê nhà, sở thích của các con anh và những dự định của anh cho gia đình khi trở lại đất liền... Anh hỏi tôi về những thức quà vỉa hè tại Hà Nội nơi tôi đang công tác có món chè bưởi và cốm làng Vòng mà cô con gái đầu lòng của anh “rất khoái” và lời hứa khi nào anh trở lại đất liền, có dịp ghé chân Hà Nội, tôi sẽ dẫn anh và gia đình tới thưởng thức.

Cho tới phút cuối khi chào tạm biệt đảo, lúc bước chân xuống xuồng. Anh vội vã chạy lên lầu, đem theo cục lương khô dúi vào tay tôi: “Em ăn đi, sáng nay anh nghe nói, em phải làm bản tin và đọc phát thanh trên tàu lúc sáng sớm, chưa kịp ăn gì? Chắc em đói lắm. Cầm lương khô của bộ đội các anh ăn cho đỡ đói nhé, đây cũng là tình cảm nơi đảo xa gửi cho em đó. Về đất liền gắng ăn nhiều, mập hơn em nghen”.

Cầm phong lương khô trong tay mà tôi nghẹn lòng, nước mắt tràn ra tự khi nào… Chưa bao giờ tôi cảm thấy “ấm lòng” đến thế. Tạm biệt anh, tôi chỉ cầu mong anh và mọi người luôn bình an, khỏe mạnh.

Phút chia tay bịn rịn với cán bộ, chiến sỹ đảo Thuyền Chài C
Phút chia tay bịn rịn với cán bộ, chiến sỹ đảo Thuyền Chài C

Đi qua 5 điểm đảo, khi đặt chân tới Sinh Tồn, hình ảnh hiện lên rõ nét nhất trong tôi là những “mầm non” trên đảo Sinh Tồn, chúng ngây thơ, trong veo như những trang giấy trắng. Đón chúng tôi ở cánh cổng dẫn vào trung tâm đảo, ngoài các chiến sỹ còn có các em nhỏ là con của các hộ gia đình sinh sống ở đây. Các em thoăn thoắt dẫn đường cho chúng tôi về nơi nghỉ ngơi, rồi kể chuyện đủ kiểu: bé Nguyễn Bình Minh Thủy (6 tuổi) khoe với tôi đồ chơi là hai con búp bê với tên gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Khi hỏi em vì sao lại đặt tên cho chúng như vậy? Em nói, Trường Sa là nhà của tụi con còn Hoàng Sa là tên bố mẹ con đặt cho đó… Sau đó, em khoe về những bộ váy mà các cô, các chị trong những đoàn ra thăm trước đã tự tay may cho Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số những đảo ở Trường Sa mà tôi đã qua, An Bang được biết đến là đảo có điều kiện khí hậu và chế độ thủy văn phức tạp nhất. Hôm đó, khi vào đảo, gió nam nổi lên, sóng đánh cao hàng mét. Xuồng cập mạn tàu cũng dập dềnh lên xuống. Phải mất mấy lần dập dềnh, chúng tôi mới xuống xuồng ổn định vào đảo. Khó khăn nhất là đối với anh chị phóng viên truyền hình, đồ nghề nặng, phải bọc kỹ máy móc. 

Anh Thông Thiện - phóng viên ảnh của TTXVN thoáng cái đã leo lên điểm cao nhất của đảo để bấm máy. Còn anh Hiển - Báo Đại biểu nhân dân hay anh Mạnh Hùng - Báo tỉnh Hòa Bình thì cứ tận dụng thời gian, sau khi phục vụ đoàn công tác xong là lập tức xoay qua trò chyện với những người lính trẻ để lấy tư liệu viết bài... Ghi lại hình ảnh của đồng nghiệp khi tác nghiệp ở Trường Sa, tôi chợt nhận ra quần áo mọi người hoặc ướt nhèm vì vừa chịu sóng táp khi xuống xuồng vào đảo hoặc lưng áo ướt đẫm bởi mồ hôi do tác nghiệp dưới cái nắng gay gắt của Trường Sa.

Chuyện những nhà báo xông pha nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, có thật nhiều câu chuyện đã được kể. Đó là tình cảm của đất liền với những người lính đảo. Là cảm xúc thiêng liêng khi đứng chào cờ trên đảo lớn Trường Sa, là phút giây gặp gỡ vỡ òa trong cái bắt tay thật chặt, là những cơn sóng dữ vượt mạn tàu chuếnh choáng, là cái nắng cháy da, gió hút trong vị mặn mòi của biển... Để rồi, Trường Sa đã và sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho chúng tôi trong mỗi trang viết về người lính hải quân của Tổ quốc.

Đọc thêm