Tấm lòng nhân hậu của gia đình nghèo với đứa trẻ tật nguyền bị bỏ rơi

(PLO) - Trước khi “đến” với gia đình nông dân ở Nghệ An, cháu bé bị đa dị tật bẩm sinh, không lưỡi, từng bị chính mẹ ruột và một gia đình hiếm muộn khước từ. Vợ chồng ông Vĩnh dù đã có 7 người con, với một cháu không may bị bại não đi viện như cơm bữa, nhưng vẫn dang rộng cánh tay ra nhận nuôi đứa trẻ tội nghiệp. 
Bà Xuân hạnh phúc bên cậu con nuôi đặc biệt
Bà Xuân hạnh phúc bên cậu con nuôi đặc biệt

3 lần “chết đi sống lại”

Ở tuổi 60, đáng ra vợ chồng ông Nguyễn Trọng Vĩnh (trú xóm Hưng Thịnh 2, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) được nghỉ ngơi an nhàn bên con cháu, nhưng hàng ngày, họ vẫn ân cần đút cháo, sữa cho cậu con út đặc biệt. Cháu bé là Nguyễn Bảo Cung (7 tuổi), bị đa dị tật bẩm sinh, không lưỡi. Bảo Cung là con nuôi của vợ chồng ông Vĩnh và bà Nguyễn Thị Xuân (55 tuổi). Tấm lòng nhân hậu của đôi vợ chồng nông dân khiến nhiều người từ cười chê chuyển sang cảm phục.

Cháu bé đặc biệt này “đến” với gia đình ông Vĩnh trong một cơ duyên cũng rất đặc biệt. Đó là một ngày cuối tháng 7/2011, bà Xuân đang trên đường đi thu mua lươn thì nghe tin có một bé trai 3 ngày tuổi bị bỏ rơi tại bệnh viện. Tất tưởi đạp xe về hỏi ý kiến chồng, ông Vĩnh liền nói: “Nhận nó làm con đi em! Mình nuôi được ngày nào, hay ngày đó!”.

Hai vợ chồng cuống quýt đèo nhau xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Giữa hun hút hành lang, trên chiếc nôi, một hài nhi bé bỏng đang thoi thóp. Nó quờ tay tìm mẹ, khóc ré lên. Bà cúi xuống xoa đầu, cưng nựng, vỗ về.

Chỉ đến lúc này, đôi vợ chồng ấy mới biết được gốc gác của đứa trẻ bị bỏ rơi. Một người mẹ ở tỉnh Phú Yên sau khi sinh đã bỏ đứa con đỏ hỏn chỏng chơ trên hè phố. Một gia đình hiếm muộn ở Nghệ An nghe tin đã xin nhận nuôi. Thế nhưng, sau khi đưa xuống bệnh viện kiểm tra, phát hiện cháu bé bị đa dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, tắc hai dây thanh quản, nhiễm trùng nặng và không có lưỡi, họ từ bỏ. Không ai nhận nuôi đứa trẻ. 

Nhưng với vợ chồng ông Vĩnh, bà Xuân, họ vui vẻ đón nhận đứa con nuôi bệnh tật. Điều đáng nói, thời điểm đó vợ chồng ông Vĩnh đã có 7 đứa con. Trong đó, cô con gái út sinh năm 1997 lại bị bại não, thường xuyên lên cơn co giật, động kinh, đi viện như cơm bữa. Do vậy, khi biết vợ chồng ông nhận nuôi đứa bé bệnh tật, nhiều người góp ý: “nhà đã đông con, thôi đừng nhận nữa, thà nhận nuôi một đứa bình thường, đằng này lại ôm một đứa mắc đủ chứng bệnh về nhà”. Nhưng, bỏ qua tất cả, họ vẫn vui vẻ chăm sóc đứa bé như con ruột.

Trong những ngày tháng gian khổ ấy động lực giúp vợ chồng ông vượt qua là sự đoàn kết, đồng lòng của các con. “Dù gia đình vất vả, phải chạy ăn từng bữa nhưng khi thấy chúng tôi nhận nuôi đứa trẻ đỏ hỏn bị đa dị tật thì các con hoàn ủng hộ. Mấy chị em nó còn phân chia thời gian, đứa thì chăm sóc em út bị bại não ở nhà, đứa cùng với bố mẹ túc trực ở bệnh viện để chữa trị cho Bảo Cung”, bà Xuân nhớ lại.

Lại nói về đứa trẻ tội nghiệp, vì mang nhiều chứng bệnh nên em phải thở bằng máy. Đến ngày thứ 28, các bác sỹ quyết định tiến hành phẫu thuật mở khí quản, tìm đường thở cho cháu. Đây được đánh giá là ca mổ mở khí quản đầu tiên và thực hiện thành công trên bệnh nhi đặc biệt nhất tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Nhưng ngay cả khi đã phẫu thuật mở được khí quản, thì sự sống của em vẫn rất mong manh. Bởi ngoài căn bệnh hiểm nghèo, em còn bị nhiễm khuẩn nặng, khiến cơ thể vốn đã yếu ớt càng trở nên suy kiệt. 

Nhiều lần, đứa trẻ ấy bỗng khó thở khiến toàn thân tím tái, mềm nhũn. Các bác sỹ thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Đau đớn, vợ chồng ông Vĩnh đành báo tin cho người thân ở nhà chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng rồi, phép màu đã đến. Đứa trẻ ấy lại cựa quậy, hồi sinh. Bao nhiêu ngày sóng gió bên đứa con là bấy nhiêu ngày vợ chồng bà Xuân sống trong nơm nớp lo âu, trong chợt đến của nụ cười, nước mắt.

Ông Vĩnh tâm sự, trong khoảng 3 năm đầu, nếu tính ngày thì cháu nó nằm viện mất một nửa thời gian ấy. Trong đó, 3 lần gia đình được thông báo chuẩn bị tinh thần để đưa cháu về lo hậu sự. Thế nhưng, ông trời đã thương cháu và gia đình chúng tôi.

Nghị lực sống

Từ khi nhận nuôi cháu bé, cuộc sống của gia đình ông Vĩnh bị đảo lộn, chưa kể đến chuyện tốn kém về tiền bạc. Ông Vĩnh kể, trong vòng 3 tháng đầu, vì chưa làm được giấy khai sinh nên Bảo Cung không được hưởng các chế độ bảo hiểm mỗi khi đến viện. Quãng thời gian đó đã tiêu tốn hết của vợ chồng ông 45 triệu đồng tiện viện phí, thuốc men. Sau mấy lần lên trình bày hoàn cảnh, chính quyền mới “linh động” để làm các giấy tờ tùy thân cho bé.

Vì không có lưỡi nên việc ăn uống của cháu bé gặp rất nhiều khó khăn. Trong khoảng 3 năm đầu, Bảo Cung hoàn toàn sống bằng sữa. Bà Xuân nhẩm tính, trung bình mỗi tháng tiêu tốn hết 5 triệu tiền mua sữa cho con. “Vợ chồng tôi làm nông, thu mua thêm con lươn kiếm ít đồng tiền lời, nhà lại đông con nên cứ đầu tháng lại lo chuyện tiền sữa cho đứa út. Do vậy, chúng tôi lại phải cày cuốc, làm việc nhiều hơn. Trời thương nên cho hai vợ chồng tôi sức khỏe để làm việc”, lời bà Xuân.

Năm lên 5 tuổi, Bảo Cung được tiến hành phẫu thuật nâng hàm tại Bệnh viện Trung ương Huế. Cháu bé bắt đầu tập làm quen với những món ăn mềm như cháo. Nhờ thế vợ chồng ông Vĩnh giảm bớt được chi phí mua sữa. Tuy vậy, để nuôi hai đứa con bệnh tật, ốm yếu, hàng ngày đôi vợ chồng ấy vẫn phải lao lực làm việc. 

Cách đây không lâu, một bác sỹ Việt Nam hiện đang làm việc ở Mỹ đã hứa sẽ tìm chuyên gia để tiến hành ghép lưỡi cho Bảo Cung. Theo lịch trình khoảng cuối tháng 10 này hoặc đến cuối năm nay, họ sẽ liên hệ với gia đình để tiến hành ca phẫu thuật đó. “Vợ chồng tôi hy vọng ca phẫu thuật thành công, như vậy cháu có thể nói và ăn uống dễ dàng hơn”, ông Vĩnh hy vọng.

Hiện nay, vì bệnh tình nên Bảo Cung vẫn đang phải ở nhà, mặc dù cháu rất thích được đến trường. Trước đó hai năm, vợ chồng ông đã từng cho con đi học. Tuy nhiên, vì chế độ ăn của cháu đặc biệt hơn các bạn và việc cháu phải treo ống trợ thở ở cổ khiến một số bạn vô tình lấy ra, ảnh hưởng đến đường thở, nên sau một tháng đến trường cháu phải nhập viện. Do vậy, vợ chồng ông Vĩnh đành chấp nhận để con ở nhà để tiện chăm sóc.

Bảy năm trôi qua, đứa trẻ đỏ hỏn ngày nào đã trở thành cậu bé khá lanh lợi. Dù còn nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng Bảo Cung khá hoạt bát, lém lỉnh. Thấy khách đến nhà, em lễ phép khoanh tay chào hỏi, rồi hồn nhiên chơi đùa cùng các cháu của mình. Nhìn con, ông Vĩnh bộc bạch: “Hiện nay, ngoài việc chữa bệnh thì vợ chồng tôi đang tập trung để dạy bảo cháu. Ngày trước, chúng tôi nhận nuôi cháu vì tình thương, giờ mình phải dạy bảo để cháu nên người, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Người con gái út 21 tuổi của ông Vĩnh, bà Xuân bị bại não. Bà kể: “Lúc sinh ra, cháu nó cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm lên 1 tuổi, sau một lần bị sốt cao không được can thiệp kịp thời, cháu nó bị di chứng bại não. Hiện nay, một nửa người bên trái của cháu có dấu hiệu tê liệt, nhiều hôm bưng bát cơm không được. Vợ chồng tôi chỉ lo sợ, một mai khi chúng tôi nằm xuống thì ai sẽ lo cho hai chị em nó”.

Đọc thêm