Thần chết “từ chối” bé gái 18 tháng tuổi rơi xuống hố sâu 7 mét

(PLO) - Jessica Morales là cái tên được nhiều người biết đến kể từ sau ngày định mệnh 14/10/1987, khi ấy cô mới 18 tháng tuổi nhưng bị rơi xuống giếng sâu và phải mất tới 58 giờ nỗ lực, cuộc giải cứu đã thành công với 1 sự thần kỳ ngoài tưởng tượng.
Jessica thời điểm mới 18 tháng tuổi được cứu lên từ giếng sâu.
Jessica thời điểm mới 18 tháng tuổi được cứu lên từ giếng sâu.

Jessica McClure Morales sinh ra tại thành phố dầu mỏ Midland, ở Texas, Mỹ vào ngày 26/3/1986, còn được gọi với cái tên dễ thương khác nữa là “Baby Jessica”. Sự kiện của cô đã thu hút sự quan tâm, chú ý trên toàn thế giới và sau đó trở thành chủ đề của bộ phim truyền hình ABC năm 1999 mang tên “Everybody's Baby: The Rescue of Jessica McClure”. 

Rơi xuống hố sâu 7 mét

18 tháng đầu tiên của cuộc đời Jessica McClure cũng giống như bao đứa trẻ bình thường khác và thế giới cũng chẳng ai biết đến cô nếu như không có sự kiện định mệnh ấy. 

Cụ thể, ngày 14/10/1987 khi đang chơi trong vườn nhà của người dì cùng với 4 đứa trẻ khác dưới sự giám sát của chính người mẹ là bà Cissy, Jessica bất ngờ bị trượt té rơi xuống một cái hố nhỏ chỉ rộng khoảng 20cm nhưng có độ sâu tới gần 7m, khi người mẹ vừa bước vào nhà nghe điện thoại. Vài phút sau bà nghe thấy lũ trẻ la hét, đến khi ra vườn bà đã thấy con gái mình rơi xuống hố.

“Lúc đó tôi không biết phải làm như thế nào, thực sự cảm giác lúc ấy là hoảng loạn, sợ hãi. Tôi ngay lập tức chạy vào nhà gọi cho cảnh sát đến cứu hộ, mỗi giây phút nhìn con dưới hố sâu tôi cảm thấy chưa bao giờ thời gian trôi chậm đến như thế”, bà Cissy nhớ lại. 

Còn cha của Jessica McClure giờ đây gần 50 tuổi xúc động nói rằng, “Thời điểm đó quả thực là một cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Nếu con gái không được cứu không biết chúng tôi sẽ sống những ngày tiếp theo như thế nào”. 

Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều phương tiện truyền thông đến theo dõi và đưa tin. Jessica McClure bị rơi sâu xuống lòng đất, bên dưới đó có lớp đá cứng, không những thế đường kính của giếng quá hẹp nên việc giải cứu cực kỳ khó khăn. Thậm chí, Jessica McClure nằm dưới giếng với tư thế gập ngược chân lên đầu vô cùng ngặt nghèo và đau đớn. 

Lực lượng cứu hộ, nhân viên y tế, các chuyên gia về khoan địa chất và các nhà thầu được huy động tối đa để chạy đua với thời gian khi Jessica mắc kẹt trong giếng mà không có thức ăn nước uống trong cả khoảng thời gian rất dài. Người dân nước Mỹ ai nấy đều nín thở ngóng chờ tin tức và cầu nguyện cho “Baby Jessica” được bình an vô sự.

Phương án cuối cùng để giải cứu Jessica đã được quyết định. Đội cứu hộ sẽ khoan một cái hố ngay cạnh hố Jessica đang bị mắc kẹt, sau đó đào một đường hầm bắt ngang qua để đưa cô bé ra ngoài. Trong khi đó, Jessica dũng cảm vẫn luôn miệng hát bài “Winnie The Pooh” khiến cho những người đứng bên ngoài theo dõi yên tâm phần nào khi biết rằng cô bé vẫn ổn.

Được cứu sống thần kỳ

Không phụ lòng mong đợi của bao người, ngày 16/10, cuộc giải cứu lịch sử của Jessica đã thành công ngoài sức tưởng tượng, đội cứu hộ cũng đưa được Jessica McClure lên mặt đất. Jessica được đưa lên từ giếng sâu trong tình trạng mất nước, mệt mỏi và mang một số tổn thương trên cơ thể. Toàn thân cô là bụi bẩn và vết bầm tím, tay phải bị thương không cử động được, đầu cô được băng bó. 

Đặc biệt, do bị kẹt ở tư thế đưa ngược chân lên đầu, máu không lưu thông được đến bàn chân phải của Jessica nên sau đó bác sĩ buộc phải cắt đi các ngón chân đang trong tình trạng hoại tử. Nhưng dường như bản thân cô bé mang một sức sống mạnh mẽ, bởi sống sót được qua tai nạn này quả thật là một điều kỳ diệu. 

Jessica và gia đình hiện tại của mình
Jessica và gia đình hiện tại của mình

Trong những năm tiếp theo, Jessica đã phải trải qua hơn 15 ca phẫu thuật khác nhau để tái tạo lại bàn chân và trị liệu tất cả các biến chứng khác. Cho đến hiện nay, bàn chân phải của Jessica vẫn nhỏ hơn so với bàn chân trái. Ngoài tình trạng ở bàn chân và một vết sẹo nhỏ trên trán, may mắn thay sức khỏe của Jessica hoàn toàn bình thường và cô bé đã phục hồi rất nhanh chóng.

Sau cuộc giải cứu thần kỳ, Jessica được mệnh danh là “đứa con của mọi người” vì nhịp tim của hàng triệu người xem từ trong nước lẫn nước ngoài luôn dõi theo từng giây phút cuộc giải cứu. Thậm chí mọi người còn gửi hoa, đồ chơi, tiền… Về sau số tiền lên tới hàng trăm ngàn USD được thành lập thành quỹ tín thác và cô được thừa kế vào năm 25 tuổi. 

Câu chuyện trở về từ cõi chết của Jessica thu hút sự chú ý của báo đài trên toàn thế giới và cô trở thành chủ đề của nhiều cuộc thảo luận trên truyền hình, phim tài liệu trong suốt nhiều năm trời, thậm chí cuộc giải cứu nghẹt thở của Jessica đã được dựng thành phim. Năm 1989, Jessica và gia đình được vinh dự mời đến Nhà Trắng để gặp gỡ tổng thống đương nhiệm thời đó George H.W. Bush.

Cuộc sống hiện tại

Hình ảnh thương tâm của một bé gái 18 tháng tuổi may mắn thoát chết khỏi hố sâu tử thần đã được ăn sâu trong hàng triệu ký ức của mọi người và giành được giải Pulitzer cho nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi Scott Shaw.

Ông Carroll Thomas, thị trưởng của Midland vào năm 1987, cho biết danh tiếng của thành phố được hưởng lợi từ việc giải cứu. Hầu hết mọi người trên khắp thế giới biết đến cái tên Midland kể từ đó. 

“Mọi người bắt đầu có cảm tình với Midland vì thông qua sự việc họ nhìn nhận thấy chúng tôi là những người như thế nào, chúng tôi làm việc chăm chỉ ra sao và đặc biệt là chúng tôi có tinh thần trách nhiệm, đầy tình người và nỗ lực hết sức để cứu sống người dân của mình”. 

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng bản thân Jessica không nhớ bất cứ điều gì về 3 ngày đen tối của cuộc đời cô. Cô thậm chí còn không biết gì về câu chuyện của mình cho tới năm 15 tuổi, khi bộ phim truyền hình năm 1999 mang tên “Everybody's Baby: The Rescue of Jessica McClure” ra đời, lấy cảm hứng từ cuộc giải cứu thần kỳ của cô. 

Jessica tốt nghiệp trường trung học Greenwood năm 2004. Năm 2006, ở tuổi 19, cô kết hôn với Daniel Morales và sinh được hai con là Simon và Sheyenn. Năm 25 tuổi, Jessica đã nhận được quỹ tín thác của mình do những người tốt bụng quyên góp từ thời điểm xảy ra sự cố lên đến 800.000 USD và cô dự định tiết kiệm số tiền cô các con đi học đại học sau này. 

Tuy nhiên, xung quanh sự kiện kỳ diệu của Jessica cũng kéo theo những điều bất hạnh. Bố mẹ Jessica đã ly hôn vài năm sau đó vì áp lực quá nặng nề từ sự quan tâm của truyền thông. 

Nhân viên y tế đã tham gia cứu hộ Jessica, O’Donnell, đã gặp phải tình trạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương từ cuộc giải cứu và cuối cùng ông tự tử vào năm 1995. Năm 2008, quỹ tín thác của Jessica chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế nên gần như mất sạch. Số tiền ít ỏi còn lại, Jessica cho biết đã dùng để mua một căn nhà nhỏ cho gia đình.

Hơn 30 năm sau sự kiện kinh hoàng đó, Jessica vẫn đang sống tại thành phố Midland, cô đang là trợ lý giáo viên đặc biệt trong một trường tiểu học và đã ly hôn với chồng. Tuy nhiên Jessica vẫn tự hào cho biết: “Cuộc sống của tôi là một điều kỳ diệu”. 

Giờ đây, những vết sẹo khi xưa vẫn còn hằn trên da thịt của Jessica McClure, nhưng cô nói rằng, “Tôi tự hào và hãnh diện với những vết sẹo này.  Mặc dù không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra với mình và chỉ biết được câu chuyện thông qua lời kể của cha mẹ và báo chí, nhưng tôi cảm nhận được tôi đã may mắn sống sót thần kỳ như thế nào khi mới 18 tháng tuổi”. 

Jessica cũng chia sẻ rằng cô không muốn câu chuyện của mình ảnh hưởng đến cuộc sống của các con nhưng cô sẽ dùng những gì đã xảy ra để dạy cho các con về sự tử tế, khiêm tốn và để nhắc nhở con rằng “Nếu chúng ta cố gắng nhìn kỹ sẽ thấy có rất nhiều người tốt trong thế giới này”.

Đọc thêm