Tháng 6 và cái lý của… chữ nghĩa

(PLO) - Chữ nghĩa ai cũng cần, nhưng sống bằng chữ nghĩa, sống bằng nghiệp viết thì nổi trội là dân văn chương và báo chí. Giờ nó cũng giao thoa nhiều, bởi nhiều người viết văn vẫn viết báo để sống và cũng có những nhà báo mon men tìm đến với thánh đường văn chương.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng dù gì, chữ nghĩa nó có sức mạnh ghê gớm của nó, sức mạnh thức tỉnh nhân tâm, sức mạnh phản biện và sức mạnh của biểu đạt trí tuệ. Cũng vậy mà ngôn ngữ mới được gắn với cái vỏ của tư duy và cảm xúc là thế. Vậy nên tùy mục đích khác nhau mà ngôn ngữ lại có sự biến hóa khôn lường để đạt được mục đích của người nói và người viết.

Với người viết báo, phải khẳng định lại là chỉ với người viết báo mà không phải đối tượng nào khác thì chữ nghĩa phải gắn với sự chính xác, tường minh, không nước đôi và cũng chẳng cần quá nhiều sự ẩn ý. Nếu muốn “ý tại ngôn ngoại” thì đi viết viết văn, hay viết một số thể tài có miền giao thoa giữa văn học và báo chí như phóng sự, tiểu phẩm…

Trong bài viết nhỏ này tôi xin dẫn hai trường hợp mà báo chí lẫn các trang mạng xã hội xôn xao bàn tán. Chuyện thứ nhất là tội danh của một kẻ phá hoại tài sản nhà báo khi tác nghiệp. Cụ thể là các đồng nghiệp bên Đài Truyền hình Việt Nam đang tác nghiệp về một vụ việc được cho là sai phạm ở Sóc Sơn.

Trong thông báo của Công an huyện Sóc Sơn gửi Đài Truyền hình Việt Nam về việc khởi tố vụ án này với tội danh Chống người thi hành công vụ và Hủy hoại tài sản. Hủy hoại tài sản thì tất nhiên, nhưng xưa nay tác nghiệp của nhà báo chưa hề được xem là công vụ. Ngoại trừ các nhà báo được “trưng dụng” vào trong các hoạt động công vụ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vậy nên nếu khởi tố theo tội danh này, các nhà báo sẽ thắc mắc chuyện chữ nghĩa và có quyền đặt câu hỏi:

Từ nay hoạt động tác nghiệp của nhà báo được xem là hoạt động công vụ? Sao bao nhiêu nhà báo trước đây bị đánh thì không khởi tố theo tội danh này? Hay các nhà báo ở VTV tác nghiệp mới được xem là công vụ, còn các nhà báo ở các cơ quan báo chí khác thì không? Đấy, chữ nghĩa dùng không chuẩn sẽ gây ra bao sự hiểu nhầm mà để giải thích được là cả một vấn đề, nếu như không muốn nói là phải sửa lại cho chuẩn chỉnh!

Ví dụ khác ở Đồng Tâm được gắn với văn bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Nhiều nơi “nhảy dựng” cho rằng Chủ tịch Chung bội ước. Ở đây người viết bài này không quan tâm đến đến “hậu trường” mà chỉ quan tâm đến câu chuyện chữ nghĩa. Chủ tịch Chung rõ ràng cam kết: “Không khởi tố nhân dân Đồng Tâm”. Mà nhân dân là danh từ chung, và nó không bao giờ là một chủ thể của tội phạm. Vậy nên ở đây rõ ràng việc khởi tố các phần tử có hành vi vi phạm pháp luật ở Đồng Tâm chứ không phải khởi tố nhân dân Đồng Tâm.

Danh chính ngôn thuận, rõ ràng hai cụm từ này hoàn toàn khác nhau về mặt nội hàm ngữ nghĩa lẫn câu từ sử dụng. Và chắc chắn với một người có tư duy thì việc sử dụng ngôn ngữ đều có cái lý riêng của nó.

Nhà báo, người sẽ tái hiện xã hội, phản ánh thực tế cuộc sống, phản biện xã hội và làm đẹp cuộc đời bằng chữ nghĩa, nên với họ chữ nghĩa là một thứ thuộc về đẳng cấp và trí tuệ. Mỗi con chữ viết ra là sự nâng niu, tính toán để nó minh bạch và sạch sẽ như chính cái nghề mình theo đuổi. Phản bội chữ nghĩa và xem thường giá trị biểu đạt của chữ nghĩa thì khó trở thành một nhà báo tử tế. Hành trình từ một “thợ viết” đến một nhà báo là cả một khoảng cách xa vời…

Đọc thêm