Cuộc thi dành cho người đẹp hay cho... bác sĩ thẩm mỹ?

(PLO) - Cần quy hoạch lại các cuộc thi sắc đẹp; "dẹp loạn" các danh hiệu “kêu như chuông”; có nên đồng ý cho người đẹp phẫu thuật thẩm mỹ đi thi sắc đẹp... là một số vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại Đà Nẵng.

Chóng mặt với các danh xưng “Nữ hoàng”, “Hoa hậu” 

Không phải ngẫu nhiên, nhà nhà thi hoa hậu, người người thi nữ hoàng. Nhiều cô gái cho rằng đi thi trước sau kiểu gì sẽ có một danh hiệu nào đó để bước vào showbiz hoặc với không ít người đẹp là thêm cơ hội gặp gỡ các đại gia. Có cầu ắt có cung, hàng loạt cuộc thi với tên mỹ miều “nổ” ra cùng với hàng loạt danh xưng “Nữ hoàng”, “Hoa hậu”, “Hoa khôi” được “tung” ra.

Còn nhớ, đêm chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam” diễn ra ngày 19/6/2016 tại TP Hồ Chí Minh với nhiều “bi hài”. Đêm thi chung kết có sự tham gia của 50 thí sinh mà có tới 33 doanh nhân “ẵm” 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi. Để hợp thức hóa các danh xưng ấy, Ban tổ chức “đẻ” ra rất nhiều danh hiệu như: Hoa khôi công sở, Hoa khôi có gương mặt khả ái, Hoa khôi triển vọng, Hoa khôi có mái tóc đẹp, Hoa khôi có làn da đẹp, Hoa khôi thể thao, Hoa khôi du lịch, Hoa khôi có nét đẹp qua ảnh, Hoa khôi tự tin, tỏa sáng, Hoa khôi có vẻ đẹp vượt thời gian…

Trong vòng 10 năm nay, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thi hoa hậu, nữ hoàng, người đẹp nhất thế giới. Các cuộc thi hoa hậu từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh liên tục diễn ra. Tên cuộc thi nào cũng oai, cũng kêu như chuông, cũng “lừng lẫy” quốc gia đủ thể loại trên trời dưới biển: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Mekong, Hoa hậu Đại dương, Nữ hoàng biển, Nữ hoàng trang sức, Hoa khôi xứ dừa, Người đẹp xứ trà, Nữ hoàng cà phê, Hoa khôi thể thao, Hoa hậu miền đất võ, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu các dân tộc, Người đẹp vùng Kinh Bắc, Hoa hậu Quốc tế Việt Nam, Hoa khôi sinh viên, Miss teen, Miss Ngôi Sao, Miss Sunplay... 

 “Tôi đã từng có lúc nghe bạn bè quốc tế đặt câu hỏi người đẹp ở mình tham gia nhiều cuộc thi thế, đạt giải cao thế đã làm được những gì cho cộng đồng, cho đất nước chưa?” - bà Võ Thị Xuân Trang- Hiệu trưởng Trường John Robert Power có chương trình đào tạo tài năng nghệ thuật trăn trở với câu hỏi này. Bà Trang thẳn thắn nhận định, hiện này gần như các thí sinh đi thi với tư cách cá nhân. Có cuộc thi đến 70% là các thí sinh tự túc đi thi với 30% là thắng cuộc ở các cuộc thi cấp thấp được giới thiệu lên. Như vậy, chất lượng thí sinh sẽ không được cao.

Cuộc thi của bác sĩ thẩm mỹ?

Các nhà quản lý không chỉ đau đầu việc loạn danh hiệu người đẹp, loạn các cuộc thi sắc đẹp mà họ còn đối mặt với việc người đẹp “lách luật” để đi thi sắc đẹp. Theo Thông tư 3/2013/TT- Bộ VHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu... quy định rõ thí sinh của các cuộc thi người đẹp trong nước phải có vẻ đẹp tự nhiên, không qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Tuy nhiên, với công nghệ làm đẹp phát triển như hiện nay thì nhiều khi việc thay đổi cấu trúc gương mặt trở nên đẹp hơn mà không cần đến việc phải mổ xẻ. Thay vào đó là khái niệm “can thiệp thẩm mỹ”. Điều này giúp cho tránh để lại dấu vết khi thi sắc đẹp mà vẫn đạt được hiệu quả. Các chuyên gia sẽ tiêm butox hoặc filler - một dạng chất lỏng vào vị trí cần chỉnh sửa, vừa không để lại dấu vết mà vẫn đạt được hiệu quả với thời gian nửa năm. 

Và rất nhiều người đẹp đã khôn khéo sử dụng “can thiệp thẩm mỹ”  để chỉnh nhan sắc tham gia đấu trường sắc đẹp. Chẳng lạ khi rất nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp xì xèo cô này độn cằm, cô kia sửa mũi nhưng không tìm ra vết tích dao kéo. Việc này gây đau đầu cho Ban tổ chức cũng như sự thiệt thòi cho các cô gái mộc mạc, có vẻ đẹp tự nhiên.

Ông Trần Ngọc Nhật - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàn Vũ Sài Gòn - đơn vị giữ bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cho rằng quy định thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên gây thiệt thòi cho người đẹp Việt. Vẻ đẹp tự nhiên là khái niệm tương đối rộng, không có quy định cụ thể, rõ ràng. Thế giới đã có những cuộc thi cho phép phẫu thuật thẩm mỹ. Chúng ta cũng không nên quy định cứng nhắc, mà tùy theo mỗi cuộc thi mà cho phép hoặc không cho phép giải phẫu thẩm mỹ”. Ví như, người đẹp Nguyễn Thị Thành từng liên tiếp gặp rắc rối ở các cuộc thi trong nước vì từng chỉnh sửa răng, nhưng cô lại đoạt Á hậu 3 ở cuộc thi Miss Eco tháng 4/2017.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL ông Vương Duy Biên nhận định, Nghị định sẽ không quy định tỉ mỉ “sửa răng thì được, nốt ruồi thì không”. Nhưng cũng cần xem xét  mức độ nào là giải phẫu thẩm mỹ, mức độ nào là chăm sóc sức khỏe, với tiêu chí chung là tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên. Thứ trưởng Biên còn cảnh báo: “Nếu cho phép thí sinh đi thi nhan sắc được thoải mái dao kéo, không cẩn thận sẽ biến thành sân chơi riêng của những người có tiền”. Còn ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Pháp chế, Bộ VH-TT&DL thẳng thắn: “Người có giải phẫu thẩm mỹ với người để tự nhiên đi thi chung với nhau là không công bằng. Còn nếu tất cả đều giải phẫu thẩm mỹ đi thi thì là cuộc thi… tay nghề của các bác sĩ thẩm mỹ chứ còn gì nữa!”.

Có nhiều ý kiến còn vênh nhau, có thể thấy, những vấn đề về xoay quanh các cuộc thi người đẹp chưa thể giải quyết rốt ráo một sớm một chiều. Và dĩ nhiên, Quy chế, Nghị định vẫn còn phải… “toát mồ hôi” chạy theo người đẹp.