Xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng: “Hữu danh vô thực” vì xung đột pháp luật

(PLO) - Khi cho vay, ngân hàng biết rằng mình có quyền hợp pháp để xử lý tài sản đảm bảo, còn khách hàng cũng chấp nhận ký vào hợp đồng có điều khoản cho phép ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo. Thế nhưng, đến khi thực tế thực hiện xử lý tài sản đảm bảo thì mới vỡ ra rằng, còn nhiều những quy định pháp luật khác không cho phép ngân hàng có thể xử lý được tài sản đó. 
Một hệ thống máy móc được ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm.
Một hệ thống máy móc được ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm.

Nghị định không thể vượt luật, Ngân hàng bó tay

Một trong những biện pháp mạnh và hiệu quả được pháp luật trao cho các tổ chức tín dụng để thu hồi và xử lý nợ xấu là quyền được tổ chức thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Quyền này thể hiện rõ trong quy định tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012).

Thế nhưng trên thực tế, hiện công tác tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng hầu như không tự thực hiện được bởi có xung đột pháp luật. Cụ thể, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, trong khi đó chủ tài sản lại được bảo vệ tại nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng… trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng…

Vì thế, dù khoản 4 Điều 58 về nguyên tắc xử lý tài sản đảm bảo của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: “Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”, nhưng trên thực tế, quy định này gần như vô nghĩa.

Ngân hàng chỉ trông cậy vào sự tự giác của người vay

Đại diện Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam kể trong một tọa đàm chuyên đề mới đây về vấn đề này, trong tháng 10/2016 vừa qua, Techcombank đã tiến hành thu giữ một tài sản bảo đảm tại Hà Nội của một khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ tài sản bảo đảm, bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, ngân hàng đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. 

Theo quy định tại khoản 5 Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, thì trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn và Cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Quy định là vậy nhưng trong thực tế, nhiều ngân hàng cho biết, trong hầu hết vụ việc, khi ngân hàng tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm thì chủ tài sản, khách hàng thường chống đối rất quyết liệt. Nếu không được sự hỗ trợ, phối hợp của Cơ quan Công an và chính quyền địa phương nơi có tài sản bảo đảm thì việc thu giữ hầu như không thực hiện được. Chưa kể, nếu  tổ chức tín dụng tiến hành không chặt chẽ về thủ tục, khéo léo trong quá trình thu giữ thì sẽ xảy ra nguy cơ có thể bị khép vào tội xâm phạm chỗ ở của công dân, cưỡng đoạt tài sản...

Mặt khác, theo quy định thì Cơ quan Công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bất hợp tác, chây ì, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm. Vì vậy, trên thực tế tổ chức tín dụng rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác. Vì thế, nhiều vụ việc phải hên – xui trông chờ vào sự hợp tác, tự giác của bên giữ tài sản.

Đọc thêm