20% số dược liệu bị trộn lẫn rác, cát, xi măng!

(PLO) - Việt Nam có nền Đông y phát triển với hơn 4.000 loại thảo dược. Nhưng điều đáng buồn, hiện chúng ta đang phải nhập khẩu tới 80% chủ yếu từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Khủng khiếp hơn, 20% số dược liệu bị kiểm tra còn bị trộn lẫn rác, cát, xi măng, dược liệu giả.
Bộ Y tế đã xây dựng mạng lưới bảo tồn dược liệu tại 7 vùng sinh thái
Bộ Y tế đã xây dựng mạng lưới bảo tồn dược liệu tại 7 vùng sinh thái

Mỗi tuần nhập khẩu khoảng 300 - 400 tấn dược liệu từ Trung Quốc

Việt Nam có nền Đông y phát triển với hơn 4.000 loại thảo dược. Nhưng điều đáng buồn, hiện chúng ta đang phải nhập khẩu tới 80% chủ yếu từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. 

Phần lớn số dược liệu này chỉ là “xác” dược liệu bởi các tinh chất có lợi cho sức khỏe đã bị “rút ruột” hết.  Thế nên thiếu vẫn hoàn thiếu. Thống kê cho thấy có tới 80% các loại nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu, rất nhiều trong số đó không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.

Điều đáng nói là, có tới 60% dược liệu trên thị trường không đạt chất lượng với hàm lượng hoạt chất không đủ tiêu chuẩn theo kiểm tra lấy mẫu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Khủng khiếp hơn, 20% số dược liệu bị kiểm tra còn bị trộn lẫn rác, cát, xi măng, dược liệu giả.

Ông Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết: Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300 - 400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.

Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc có giá rất rẻ (rẻ khoảng 5 lần) so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Chính vì thế, phần lớn các dược liệu nhập khẩu  là những dược liệu ở dạng nông sản, nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu trong nước.

Ông Khánh cho biết, vấn đề quản lý dược liệu nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác kiểm soát dược liệu tại các cửa khẩu còn nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói ở trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng; Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu....

Ông Khánh cho rằng, dược liệu rất khó định lượng về chất lượng, nó không giống như thuốc tân dược nên càng khó. Hơn nữa, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra được giấy tờ và các thủ tục liên quan. Đó là còn chưa kể đến nguồn dược liệu đông dược được nhập khẩu tiểu ngạch.

Bộ Y tế xây dựng mạng lưới bảo tồn dược liệu

Với phương châm một đồng phòng bệnh bằng vạn đồng chữa bệnh, con người đang có xu hướng quay về với tự nhiên. PGS TS Trần Thị Hồng Phương - Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng gia tăng, ít có những tác động có hại và phù hợp với sinh lý của cơ thể hơn. Theo bà Phương, một số địa phương đã bắt đầu với các chương trình, dự án trồng các loại cây thảo dược, cây làm vị thuốc.

Việt Nam hiện có khoảng 4.000 loại thực vật, nấm có công dụng làm thuốc, phổ biến như: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô, Hoa hòe, Sa nhân, Actiso, Tam thất… Trong đó, tới 70% là thuốc tự nhiên, còn lại là cây gieo trồng và chăm sóc. Riêng nguồn thảo dược tự nhiên, cung cấp khoảng 20.000 tấn mỗi năm. Khối lượng dược liệu trên thực tế mới chỉ khai thác và đưa vào thương mại từ khoảng 200 loài có tính phổ biến hiện nay.

Hiện nay, tại Việt Nam đã xây dựng và đang nuôi trồng được khoảng 50 vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO), tiêu chuẩn dược liệu siêu sạch và hoàn toàn hữu cơ (Organic) tại các vùng như: Bắc Hà (Lào Cai), Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Sapa, Phú Yên… và nhiều vùng khác trên toàn Việt Nam. Bộ Y tế đã xây dựng mạng lưới bảo tồn dược liệu tại 7 vùng sinh thái Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và đang phát triển rộng trên toàn Việt Nam. 

Với nguồn dược liệu, thảo dược phong phú như hiện nay, theo xu hướng mới, người Việt sẽ được sử dụng các loại thảo dược cho sinh hoạt gia đình thay thế hóa mỹ phẩm. Tuy nhiên, phát triển nguồn dược liệu như thế nào cần có các bước chiến lược. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, để phát triển được dược liệu tại Việt Nam nói chung, trước hết cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu phù hợp với từng địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng; phát triển các cơ sở thu mua kèm theo sơ chế, chế biến. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần đầu tư nghiên cứu cung ứng nguồn giống cho bà con, kèm theo việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại…

Đọc thêm