Cách xử trí khi trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin

(PLVN) - Sốc phản vệ là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà trẻ được tiếp xúc hay được tiêm vào người. Khi đó cơ thể trẻ sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine và các hóa chất khác với số lượng lớn chỉ trong vài phút khiến trẻ bị sốc. 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Hiện tượng này gồm nhiều triệu chứng và đôi khi đe dọa đến tính mạng trẻ. Các chuyên gia y tế nhận định rằng nguy cơ tử vong do sốc phản vệ là không cao song cha mẹ đặc biệt lưu ý cảnh giác bởi nếu trẻ bị nặng sẽ rất nguy hiểm. 

Nếu thấy trẻ có những biểu hiện của sốc phản vệ thì cần thực hiện đúng nguyên tắc kịp thời và tuân thủ đúng các trình tự cấp cứu. Gọi cấp cứu nếu thấy bé có dấu hiệu khó thở hoặc bất tỉnh. Để trẻ trong tư thế nằm, kê cao hai chân để tránh nguy cơ bị sốc, đặt nằm nghiêng sang bên trái nếu trẻ bị nôn để tránh chất nôn rơi vào đường thở. Nói chuyện liên tục để trẻ giữ nhịp thở và tránh bị kích thích. Và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các bậc phụ huynh cũng cần bỏ túi một vài lưu ý khi tiêm vắc xin cho trẻ. Không cho trẻ đang bị sốt, cảm cúm, trẻ vừa ốm dậy tiêm vắc xin. Cho trẻ ăn mặc đơn giản, tránh ủ ấm hay mặc nhiều lớp áo để việc thao tác tiêm được nhanh và chính xác. Không cho trẻ ăn hoặc bú quá no cũng như để trẻ quá đói khi tiêm. Thông báo cho bác sĩ nếu bé có tiền sử bị sốc phản vệ ở những lần tiêm trước đó để có hướng điều trị thích hợp. Cùng với đó theo dõi trẻ trong 30 phút sau khi tiêm, chườm mát vết tiêm cho bé.

Trên đây là các triệu chứng, cách xử trí khi trẻ bị sốc phản vệ mà mọi người nên biết, khi nhận thấy bé có những biểu hiện của sốc phản vệ, bố mẹ cần bình tĩnh, cố gắng duy trì nhịp thở của con đồng thời đưa trẻ đến bệnh viện một cách nhanh nhất để được chăm sóc và theo dõi. 

Đọc thêm