Cảm cúm “xoàng” cũng có thể dẫn đến tử vong

(PLO) - Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng cảm cúm là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo cảm cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng và tử vong…
Cảm cúm “xoàng” cũng có thể dẫn đến tử vong

Số trẻ nhập viện tăng cao 10% so với bình thường

Đang ở thời điểm giao mùa xuân - hạ, khí hậu biến đổi thất thường, có những ngày lạnh, mưa phùn, ẩm ướt nhưng đột nhiên lại nắng hanh, khó chịu. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người mắc các chứng bệnh về đường hô hấp mà thường gặp nhất là cảm cúm. Từ đó, khiến lượng người đến khám và nhập viện tăng vọt, nhất là trẻ nhỏ.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ nhập viện cao hơn nhiều lần so với các thời điểm trước. Ngoài hành lang, các bậc cha mẹ đứng ngồi la liệt chờ khám.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày các bác sĩ khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi, tăng 10% so với ngày thường. Chủ yếu là các cháu mắc bệnh cúm, các bệnh liên quan đến hô hấp, dị ứng.

Theo các bác sĩ, cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khoẻ. Tại Việt Nam, các virus gây nên bệnh cúm thường gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.

Thống kê của tổ chức y tế, một người có thể mắc 4-6 lần bệnh cúm/năm. Đây là bệnh lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng qua không khí, tần suất mắc bệnh ở người lớn là 15 – 20%, trong khi tỉ lệ này ở trẻ em là 20 – 42%.

TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, bệnh cúm gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính, và người làm việc cường độ cao. Nhóm bệnh nhân mắc cúm có diễn biến bệnh bất thường, gây nguy hiểm là những nhóm mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, suy tim, hoặc bệnh về phổi, tắc nghẽn mãn tính phổi, hen phế quản, giãn phế quản,... Những bệnh nhân đã có vấn đề về đường hô hấp khi nhiễm cúm, các triệu chứng bệnh mãn tính sẽ có cơ hội bùng phát và diễn biến nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong.

Cũng theo TS Dũng, ngoài ra còn có nhóm bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, sức đề kháng ở nhóm đối tượng này rất yếu và virus khi vào cơ thể có thể gây độc lực. Các đối tượng này phải có chế độ phòng tránh hết sức nghiêm ngặt nếu nhiễm cúm sẽ vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, điều đáng ngại đa phần người dân dễ nhầm bệnh cảm cúm với cảm lạnh thông thường. “Bệnh nhân bị cúm có diễn biến lành tính, có thể dùng các loại thuốc giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, việc dùng các chế phẩm thuốc cũng có thể gây nguy hiểm, bởi cơ thể bệnh nhân có thể bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm thuốc. Bệnh cảm cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi” - bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

 Có thể tử vong chỉ vì bị cúm “xoàng”

Bệnh cúm thông thường chỉ diễn ra từ 1-2 tuần nhưng gây ra cho bệnh nhân rất nhiều mệt mỏi cho cơ thể, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Khi mắc bệnh cúm, người bệnh có tâm lý không quan tâm đến điều trị dứt điểm và bệnh sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây là một tâm lý sai lầm vì bệnh cúm nếu không được điều trị, cộng với tình trạng sức khỏe không tốt, sẽ dễ dẫn tới những biến chứng sức khỏe.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có tiếp nhận bệnh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ sốt liên tiếp 5 ngày được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp nặng. Điều trị suốt một tháng, bệnh nhân không thể qua khỏi. Cùng với đó, không ít bệnh nhân tại Hà Nội dù chỉ bị cảm cúm thường nhưng khi nhập viện đều trong tình trạng viêm phổi nặng phải nằm máy thở.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), có một tỉ lệ nhất định virus cúm tấn công gây viêm phổi trầm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, virus cúm cũng có nguy cơ gây viêm cơ tim, nên ở các ca virus cúm tấn công phổi, tấn công cơ tim diễn biến bệnh nhân rất nặng. Trong 2 tuần qua, có 5 ca viêm phổi nghi ngờ cúm nhập viện thì có 2 ca được xác định nhiễm cúm A/H1N1 và đang trong tình trạng thở máy.

“Vì thế, khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... mọi người vẫn thường tự điều trị ở nhà, sau vài ba ngày là đỡ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường, bệnh nhân nên đến viện. Đặc biệt khi thấy cơ thể sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm” - bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, trường hợp bị bệnh cúm, bệnh nhân không nên vận động quá mức, với trẻ nhỏ sau khi bị sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, thiếu nước cần tiếp tục bổ sung dinh dưỡng và nước kịp thời, trường hợp cấp phải cho đến cơ sở y tế để có biện pháp bù dịch cho phù hợp. Để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh mũi, miệng, mắt. Đồng thời, người bệnh hạn chế đến các nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người khác và nên chủ động tiêm phòng vắc xin cúm để phòng ngừa căn bệnh này.

Đọc thêm