Có hiến tặng được mô, tạng khi gia đình người đồng ý, người không?

(PLVN) - Hiến tạng cứu người – giờ đây cụm từ đó không còn xa lạ. Thế nhưng, những vấn đề pháp lý xung quanh đó thì không phải ai cũng rõ. Nhất là khi mới đây xảy ra câu chuyện người  vợ đồng ý hiến tạng chồng chết trẻ để cứu 5 người khác, nhưng đã không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ chồng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Vợ hiến tạng chồng chết não cứu 5 bệnh nhân

Ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chuyện chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990) vợ anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989) hiến tạng người chồng chết não để cứu sống 5 bệnh nhân ai cũng biết. Hai vợ chồng trẻ mưu sinh với nghề bán thịt vịt.

Cô con gái đầu lòng chào đời và tin vui mang bầu đứa thứ hai càng khiến cho cuộc sống vợ chồng của họ thêm hạnh phúc với dự định cùng nhau gánh vác chia sẻ mọi việc lớn nhỏ trong nhà, nuôi các con trưởng thành.

Nhưng mọi dự định còn chưa kịp thực hiện thì anh Chính đã rời xa vợ con mãi mãi bởi một tai nạn giao thông thảm khốc. Vụ tai nạn giao thông đã khiến anh Chính bất tỉnh ngay tại chỗ. Mặc dù đã được gia đình và người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, Bệnh viện Hà Đông rồi Bệnh viện Việt Đức cấp cứu nhưng các bác sĩ đều kết luận anh đã bị chết não, cơ hội sống chỉ còn 1%.

Từ chỗ tìm đến Trung tâm ghép tạng để tìm cơ hội sống cho chồng mình, chị Nguyễn Phương Oanh đã hiểu rõ hơn về việc ghép tạng, để rồi đi đến quyết định hiến tạng của chồng để cứu sống 5 người khác. 

Ngày 9/3/2019, anh Nguyễn Văn Chính ra đi mãi mãi nhưng cũng từ ngày đó, một phần cơ thể anh đã cứu sống 5 bệnh nhân. Các bác sĩ nói với chị Oanh rằng lá gan của anh được chia ra để ghép cho một bé 8 tuổi và một người 49 tuổi; tim và hai quả thận của anh cũng đã kịp thời đến được với 3 bệnh nhân khác.

Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, lá gan của người hiến được chia làm đôi để ghép cho 2 người, trong đó có một bé gái 8 tuổi bị suy gan nặng. Tất cả 5 người nhận tạng từ anh Nguyễn Văn Chính đang phục hồi tốt.

Quay trở về ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm người chồng, chị Oanh nào ngờ mình tiếp tục phải đối mặt với sự phũ phàng của dư luận. “Có người nói tôi bán tạng chồng mình để nuôi con” - chị Oanh cho biết. Người phản đối việc hiến tạng nhiều nhất lại chính là bố và mẹ chồng chị.

“Đau khổ không muốn cho hiến tạng vì đang yên đang lành lại mổ xẻ chia cho người ta thế. Hiến tim hiến gan... bây giờ còn cái gì trong người nữa nào”, bố chồng chị Oanh nghẹn ngào. Còn mẹ chồng chị Oanh cũng nói: “Tôi không muốn để cho con tôi hiến tạng. Ở bệnh viện tôi bảo “cho về, cho về”. Thật sự lúc bấy giờ tôi nghĩ là con tôi nó đã khổ sở như thế rồi cho nên tôi không muốn hiến tạng”. 

Luật quy định thế nào?

Hiến tạng cứu người giờ đây không còn xa lạ. Thế nhưng, những vấn đề pháp lý xung quanh đó thì không phải ai cũng rõ. Đơn cử như ở trong gia đình anh Thắng - chị Oanh thì chị Oanh với tư cách pháp lý là vợ đã đồng ý hiến tạng chồng mình để cứu người, nhưng chị đã không nhận được sự ủng hộ của chính bố mẹ chồng, cũng là bố mẹ đẻ của người hiến tạng. 

Điểm C, Điều 21 của Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người hiến, lấy xác năm 2006 quy định: Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó. Như vậy, có thể hiểu, trong trường hợp người chết không có đơn đăng ký hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhưng nếu gia đình người hiến đồng ý thì cơ sở y tế có thẩm quyền vẫn được nhận. 

Như vậy, quyết định của chị Nguyễn Phương Oanh ở câu chuyện trên là hoàn toàn đúng luật vì chị với tư cách pháp lý là vợ có quyền đồng ý bằng văn bản để hiến bộ phận cơ thể người chồng đã chết của mình. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy, bằng chứng là chính quyết định của chị Oanh cũng vấp phải sự phản đối của bố mẹ chồng, sự dèm pha của làng xóm. 

Cách đây không lâu, khi nói về những khó khăn, rào cản của quá trình kêu gọi hiến tạng, PGS.TS Ngọc Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y từng cho biết, đã có những trường hợp, khi cá nhân một người đồng ý hiến mô, tạng, xác cho y học nhưng sau khi người ấy qua đời, người thân trong gia đình đã không đồng ý để cho bác sĩ tiến hành.

Đã có những ca, bản thân bác sĩ đã phải gọi đi gọi lại đến 37 cuộc điện thoại mới có thể có được sự thỏa hiệp của gia đình. Cũng có những trường hợp hiến xác, sau khi bộ phận kỹ thuật đã tiến hành đầy đủ các trình tự để bảo quản thì người nhà lại đến đòi về nên bệnh viện đành phải trả lại.

Tương tự, theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì “người dân hiện vẫn chưa hiểu nhiều về vấn đề hiến mô tạng và xác. Có trường hợp, dù bệnh nhân đã chuẩn bị lên bàn chờ ghép, ekip làm việc vất vả, tốn kém, thế nhưng chỉ một người thân vào bảo: “Tôi không đồng ý” là mọi việc khép lại. Chúng tôi đành ngậm ngùi, buồn tiếc thôi. Phải làm sao để gia đình người hiến tạng hiểu, đồng ý thì vẫn là chuyện khó”.

Từ đó có thể thấy, mặc dù Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển ngành kỹ thuật y học ghép mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, phục vụ cho chữa bệnh, cứu sống nhiều người hơn thì vẫn cần sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa. 

Đọc thêm