Giải quyết triệt để nạn bạo hành trong lĩnh vực y tế: Cải tiến môi trường bệnh viện, thay đổi thái độ cán bộ, nhân viên y tế

(PLO) - Hiện trạng bạo hành trong lĩnh vực y tế đã trở nên đáng báo động khi chỉ trong 1 tháng (tháng 4/2018) đã có tới 3 vụ bạo hành xảy ra trong bệnh viện (BV). Mặc dù Bộ chủ quản cũng như các cơ sở y tế đã có không ít giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, nhưng hiệu quả phòng, chống vẫn chưa được như mong muốn. 
PGS. TS Chung Á.
PGS. TS Chung Á.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Pháp luật Việt Nam, chuyên gia xã hội học -  PGS. TS. Chung Á, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS chia sẻ: Hiện nay vấn đề đạo đức, lối sống, nhận thức xã hội đã trở nên đáng báo động. Không chỉ ngành Y tế mà trong xã hội diễn ra khá phổ biến tình trạng này.

Người ta có thể cãi nhau, hành xử côn đồ, thậm chí giết nhau chỉ vì những lý do rất vụn vặt, trở thành nỗi ám ảnh rất lớn đối với xã hội. Là một người đã từng sống qua mấy thế hệ và cũng là một chuyên gia xã hội học, tôi cảm thấy rất buồn trước hiện trạng này!

Theo PGS, những nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến tình trạng bạo hành trong BV?

- Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên phải kể đến là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, dẫn đến sự thay đổi về thu nhập, phân hóa xã hội, rồi sự giáo dục trong gia đình, nhà trường dẫn đến thực trạng đáng buồn kể trên.

Đó là đặc điểm đầu tiên về mặt xã hội. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự xuất hiện của những bạo hành trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế vì ngành Y tế là một ngành rất dễ nảy sinh những bức xúc trong quá trình khám, chữa bệnh. 

Cụ thể, khi người ta đưa người nhà đến BV khám và điều trị, tâm lý người ta đã không bình thường. Trong một bối cảnh như thế, lại không được phục vụ chu đáo, điều trị không kịp thời, thái độ của y, bác sỹ, nhân viên y tế thì hách dịch, ban ơn, gắt gỏng…, ai có sẵn máu côn đồ trong người chắc chắn sẽ không kiềm chế được, dẫn đến hành vi chửi bới, đánh đập, hành hung, thậm chí truy sát cán bộ, nhân viên y tế.

Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, bất cứ vấn đề gì bức xúc, “chướng tai gai mắt” người ta đều tung hết lên mạng, qua facebook, zalo…, tạo lên bức xúc rất lớn trong xã hội. 

Thứ ba, do ngành Y tế của chúng ta vẫn còn tồn tại cung cách phục vụ từ thời bao cấp (chậm đổi mới, chậm cải tiến…), điển hình phải kể tình trạng 1 người bệnh nhưng cần tới 3-4 người phục vụ, cơ sở vật chất BV thì chưa cải thiện, nâng cao…, đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến thực trạng bạo hành trong ngành Y tế.

Một vấn đề nữa cũng phải kể đến là sự xuống cấp của y đức, thói quen “vòi vĩnh” của một số nhân viên y tế đã dẫn đến những xung đột không mong muốn đã diễn ra trong quá trình điều trị.

Hậu quả để lại của vấn nạn này là vô cùng nặng nề. Là một người gắn bó với ngành Y tế, PGS chia sẻ với nỗi đau của những người trong nghề khi bị bạo hành như thế nào?

- Trong thực tế, chắc chắn sẽ có những trường hợp y, bác sỹ bị bạo hành oan, dẫn đến những tổn thương vô cùng lớn về mặt tinh thần, thể xác... Có những bác sỹ đã phải bỏ công việc mình đang làm xin chuyển sang vị trí khác an toàn hơn; hoặc có những trường hợp bác sỹ bị trầm cảm, stress sau khi bị hành hung, nhục mạ…

Tuy nhiên, trước hết ngành Y tế phải đặt câu hỏi: Vì sao bạo hành lại xảy ra và có xu hướng ngày càng gia tăng như vậy? Tôi không tin một lương y, nhân viên y tế có chuyên môn giỏi, tận tình cứu chữa bệnh nhân, có thái độ ứng xử đúng mực lại bị đánh, bị lăng nhục, bạo hành.

Để hiểu tường tận nguyên nhân của tình trạng này, phải có một nghiên cứu chuyên sâu về hiện trạng, nguyên nhân của nạn bạo hành. Chỉ khi nào chúng ta tìm ra được cội nguồn dẫn đến thực trạng này thì mới giải quyết được triệt để vấn đề.

Từ những nguyên nhân mà PGS vừa phân tích, đâu là giải pháp để ngăn ngừa và giải quyết vấn nạn này?

- Như tôi đã phân tích ở trên, trong một bối cảnh xã hội như hiện nay, bạo hành trong xã hội nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng sẽ còn diễn ra dài dài. Do đó, bên cạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục…, phải có một nghiên cứu về vấn đề này để tìm giải pháp khắc phục. Thực tế, báo chí mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh vụ việc, chứ chưa phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến những hành xử đáng phê phán nói trên.

Cùng với các động thái đó, phải tổ chức lại và duy trì khâu đảm bảo an ninh trật tự tại các BV, theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Hiện nay, theo tôi thấy công tác này tại các cơ sở y tế còn bị xem nhẹ, tổ chức thiếu chuyên nghiệp, chỉ đề ra cho có; công tác phối kết hợp với cơ quan chức năng địa phương còn lơi lỏng, khi lực lượng công an đến giải quyết thì “mọi việc đã rồi”.

Về mặt pháp luật, các quy định trong Bộ luật Hình sự cũng phải sửa đổi, bổ sung theo hướng nên có quy định riêng xử lý các trường hợp bạo hành trong lĩnh vực y tế. VD: Đánh người bình thường thì xử lý theo quy định chung, nhưng đánh người trong trường hợp đang cứu người thì phải xử lý nặng hơn!

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, quan trọng nhất vẫn là phải cải tiến môi trường BV, thay đổi lối sống, thái độ hành xử của cán bộ, nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Trân trọng cảm ơn PGS. TS về cuộc trao đổi này