Hè đến, cẩn trọng với bệnh nguy hiểm trẻ nhỏ dễ mắc phải

(PLVN) - Mùa hè với nền nhiệt độ cao, độ ẩm cao khiến các bệnh có khả năng bùng phát thành dịch. Đặc biệt với trẻ nhỏ, nhiều loại bệnh nguy hiểm có biểu hiện gần giống với những căn bệnh thông thường dễ khiến trẻ mắc bệnh rơi vào nguy hiểm, cha, mẹ hãy chú ý!
Mùa hè với nền nhiệt độ và độ ẩm cao dễ khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh nguy hiểm
Mùa hè với nền nhiệt độ và độ ẩm cao dễ khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh nguy hiểm

Viêm màng não – nguyên nhân khiến trẻ tử vong nếu điều trị muộn

Những ngày qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành thuộc khu vực Bắc Bộ đã liên tiếp xuất hiện những đợt nắng nóng kỷ lục với mức nhiệt cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Chính sự thay đổi về thời tiết này khiến nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Đặc biệt, chỉ mới đầu hè tại Trung tâm Y học các bệnh nhiệt đới trẻ em BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho khoảng 30 trẻ bị mắc viêm não, viêm màng não.

Không chỉ vậy, theo PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 300-500 ca mắc viêm não màng não. Hiện tại, khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện cũng đang điều trị cho gần 30 bệnh nhi mắc viêm não màng não với nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và có biến chứng thần kinh. Điều đáng nói, phần lớn các cháu đều chưa được tiêm phòng vắc-xin”, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo các chuyên gia, viêm não, viêm màng não là bệnh do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương (nhu mô não và màng não). Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h – 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và hành động nhanh là rất quan trọng.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm màng não, vì vậy để phòng tránh bệnh, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian. Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. 

Viêm não virus – để lại di chứng thần kinh và có nguy cơ tử vong cao

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 130 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút với 4 trường hợp tử vong; 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu. 

Các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo - trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, các virus đường ruột, sởi, quai bị và các virus khác. Do triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, dễ biến chứng và tử vong.

Đặc biệt, với bệnh viêm não do virus, tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động. Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.

Ngoài hai căn bệnh viêm màng não, viêm màng não mủ, viêm não virus, vào thời điểm mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ bị “đe dọa” bởi nhiều loại bệnh khác: viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban dạng sởi, ngộ độc thực phẩm… 

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê trong tháng 4/2019, cả nước có 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 9,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 67 trường hợp mắc bệnh thương hàn, 46 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu và 413 người bị ngộ độc thực phẩm. Đáng lưu ý là bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng vào thời điểm giao mùa đông xuân, trong tháng 4/2019 (từ 19/3 đến 18/4/2019), cả nước đã phát hiện 5,9 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 942 trường hợp mắc sởi dương tính. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 16,1 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2,2 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (2 trường hợp tử vong).

Do vậy, để phòng tránh bệnh, viêm màng não, viêm não virus Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần: 

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy. 

Đối với các virus arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc do muỗi, ve… đốt, quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời. Đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. 

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não, đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.