Vừa khỏe, vừa thoát ám ảnh ma tà nhờ trạm y tế quân dân y kết hợp

(PLVN) - Trong mười năm qua, dự án kết hợp quân dân y đã nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã, trong đó, 410 trạm thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc làm thiết thực đó vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân trong và ngoài  nước, vừa góp phần giữ bình yên khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, khu vực biên giới, góp phần tích cực trong việc giữ dân, giữ đất, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Trạm trưởng Nguyễn Việt Đức khám bệnh cho trẻ em Lào.
Trạm trưởng Nguyễn Việt Đức khám bệnh cho trẻ em Lào.

Kết hợp quân dân y - giải pháp hiệu quả

Miền núi, biên giới, hải đảo là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn... trong đó, công tác y tế cũng còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực của các cơ sở y tế vừa thiếu, vừa yếu; trang thiết bị không đầy đủ, đồng bộ; cơ sở hạ tầng xuống cấp... nhiều trạm y tế xã chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Nhằm khắc phục những khó khăn đó, cùng với cố gắng của ngành Y tế, chính quyền địa phương, chương trình kết hợp quân dân y đã tích cực tham gia củng cố y tế cơ sở, tạo nên mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội, tham gia xóa đói giảm nghèo và làm cơ sở cho việc xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong khu vực phòng thủ của tỉnh, thành phố.

Trong mười năm qua, dự án kết hợp quân dân y đã nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã, trong đó, 410 trạm thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nổi bật, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới. Các phòng khám thật sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào.

Ngoài công tác khám chữa bệnh, quân y BĐBP còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); tham gia vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình...

Kết hợp quân dân y đã góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững biên giới với nước bạn Lào và Campuchia. Các trạm y tế quân dân y tại khu vực biên giới không những bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, mà còn tham gia khám, chữa bệnh cho người dân nước bạn; tiêu biểu là phòng khám quân dân y khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), phòng khám quân dân y Ba Thu (Long An), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp).

Thọong Pẹ - Mô hình thành công trên đất bạn Lào

Khi Cầu Treo được xây dựng thành cửa khẩu quốc tế vào năm 1988, hơn 1.500 người Mông Lào Sủng từ các vùng lân cận di cư đến bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào), cách cửa khẩu Cầu Treo 15km để phá rừng trồng hoa... anh túc. Thời điểm đó, cả bản có 60 ha cây thuốc phiện. Hầu như cả bản sa vào nghiện ngập, kể cả người già và phụ nữ.

Rồi cũng do thiếu hiểu biết nên mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật, người dân lại sắm lễ, mời thầy mo đến cúng. Để giúp chính quyền và nhân dân nước bạn Lào xóa sạch tệ nạn ma túy, đói nghèo ở bản Thoọng Pẹ, đầu năm 2000, BĐBP Hà Tĩnh đầu tư san ủi, cải tạo toàn bộ sân bay Na Pei cũ thành cánh đồng, đắp đập thủy lợi, cử cán bộ Đồn BPCK quốc tế Cầu Treo sang hướng dẫn dân bản Thoọng Pẹ cách trồng lúa nước.

Có cơm ăn nhưng để giúp dân thoát nghèo thì không thể trông chờ vào cây lúa. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng cây gừng Thái Lan và cây dó trầm Hương Khê được lựa chọn. Từ gừng, cả bản giàu lên trông thấy. Có gia đình mỗi năm thu hoạch tới 10 tấn gừng. Đến năm 2003, những vùng đồi trồng cây thuốc phiện được thay thế bằng cây gừng và dó trầm.

Cuối năm 2007, Trạm xá Quân dân y kết hợp (QDYKH) Thoọng Pẹ do Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh xây dựng với tổng kinh phí  hơn 600 triệu được khánh thành. Đây là Trạm xá QDYKH đầu tiên của ta trên đất Bạn, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con Thoọng Pẹ và các khu vực lân cận.

Trạm xá xây xong, có nhiều giường bệnh, bếp ăn, công trình vệ sinh sạch sẽ khép kín, nhưng không bệnh nhân nào đến. Dân bản đã quen hủ tục cúng ma, khi đau ốm là nhờ cậy thầy mo, thầy cúng. Phải chờ tới lúc lão Choóng, thầy mo kỳ cựu nhất bản đành bó tay trước một bệnh lạ khiến cô con dâu lão trở thành bại liệt.

Sau khi BĐBP Việt Nam chữa khỏi bệnh cho con dâu ông, lão Choóng giúp BĐBP vận động bà con đến chữa bệnh tại trạm xá. Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân các bộ tộc Lào mỗi khi đau ốm.

Hiện trạm có 1 bác sĩ và 1 y sĩ, với 10 giường bệnh; được trang bị máy siêu âm đen trắng, máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy điện tim 2 cần, máy thở ô-xi, máy điện châm, máy khí dung, máy hút đờm dãi…

Ngoài việc khám chữa bệnh thông thường, Trạm có khả năng phát hiện nhiều ca bệnh nặng và chuyển tuyến kịp thời. Mỗi năm, có hàng chục trường hợp được các anh giới thiệu về Việt Nam điều trị. 

Năm 2015, qua thăm khám, bác sĩ Nguyễn Việt Đức - Trạm trưởng phát hiện và chuyển 4 phụ nữ Lào mắc bệnh bướu cổ về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh mổ thành công. Năm 2017, trạm cũng đã tổ chức cấp cứu kịp thời 50 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp do ngộ độc ăn cỗ cưới ở bản Na Pê. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các bản Na Pê, Na Hạt, Na Hương, Noọng Ó, thị trấn Lạc Sao…, thậm chí có người bệnh ở tận Viêng Thoong cũng vượt 200km đến chữa bệnh.

Đến nay, 38 bệnh xá quân y đóng quân ở vùng biên giới, biển, đảo được cơ quan chức năng đổi tên thành bệnh xá quân dân y, có chức năng khám, chữa bệnh cho quân và dân trong khu vực.
Hơn 60% số bệnh xá quân dân y được sửa chữa nâng cấp nhà trạm, bổ sung trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực nhằm nâng cao khả năng về chuyên môn trong khám, điều trị cho nhân dân. Nổi bật là các bệnh xá quân dân y của các đoàn kinh tế quốc phòng 338 (Quân khu 1), 379 và 313 (Quân khu 2), 337 và 92 (Quân khu 4), Trung đoàn 719 và 720 (Binh đoàn 16), Đoàn 959 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp); Bệnh xá quân dân y các đảo Thổ Chu, Bạch Long Vĩ...

Đọc thêm