Bảo kê và chống lưng

(PLO) - Có gì khác nhau giữa hai từ đang xuất hiện với tần suất lớn trên các phương tiện truyền thông này. Không khác nhau nhiều lắm, trong một số trường hợp cụ thể còn có thể là đồng nghĩa.
Nạn bảo kê tại chợ Long Biên
Nạn bảo kê tại chợ Long Biên

Bảo kê là hành vi bao che của một thế lực cho các hoạt động phi pháp, chống lưng cũng là một hình thức bảo kê nhưng chủ thể của nó chỉ có thể là cơ quan nhà nước, cán bộ có chức quyền, chủ thể của bảo kê rộng hơn, gồm cả thế lực đen, giới giang hồ, dân anh chị,...

Vụ bảo kê lớn nhất từng biết đến chính là sự chống lưng của các cựu tướng lĩnh công an với công ty tổ chức đánh bạc. Vụ bảo kê tai tiếng nhất, đang rất nóng hiện nay là vụ cưỡng đoạt tài sản ở chợ đầu mối Long Biên. Trước dư luận có những tầng nấc bao che cho hoạt động này, Bộ Công an lên tiếng nếu báo chí có thông tin xác đáng về sự dung túng của cơ quan chức năng thì cung cấp cho cơ quan điều tra. Dung túng - cũng là biểu hiện của bảo kê.

Mới đây, phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận “nóng” lên bởi ông Chánh án tỉnh này yêu cầu một đại biểu HĐND tỉnh phải xin lỗi công khai vì đã phát biểu cho rằng ông “bảo kê cho tín dụng đen”. Đại biểu phủ nhận điều này và vụ việc phải gác lại, cần thời gian xác minh, làm rõ. Câu chuyện này chứng tỏ bảo kê là một hành vi xấu xa, không một cán bộ nào muốn mang tiếng xấu này, còn hành động có hay không lại là chuyện khác.

Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng lên tiếng phủ nhận chuyện bảo kê cho các hoạt động mại dâm trên các bãi biển thuộc địa phương. Trước đó, báo chí đã phanh phui “thiên đường sung sướng” hoạt động công khai ở đây, có điểm rất gần với trụ sở một UBND xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng đề cập nạn bảo kê diễn ra ở các chợ đầu mối, bến xe diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý. Thực tế, các hoạt động mại dâm, đánh bạc, xe dù,... sẽ không còn “đất sống” nếu không có sự bảo kê; đồng thời, “bóng dáng” bảo kê hiện hình rất rõ trong việc lấn chiếm và sử dụng vỉa hè, đất đai, các bãi trông gửi xe, quán nhậu, bia hơi và đặc biệt trong các hoạt động kinh doanh có điều kiện như mát-xa, karaoke, cầm đồ,...

Đang rất “nóng” ở nhiều địa phương là hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Tính chất côn đồ, xử sự theo kiểu giang hồ, thủ đoạn lừa nạn nhân sập bẫy,... đã thể hiện sự bảo kê trong đó và nếu không có bảo kê thì sao chúng dám hoành hành đến vậy? Tiền cho vay có nguồn gốc từ đâu, làm rõ được điều này, đồng thời cũng làm rõ được việc ai bảo kê cho chúng.

Hành vi chống lưng của cán bộ hay bảo kê của “xã hội đen” đều có tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, cần loại trừ!