Chưa sáp nhập, đã lo chuyện “chạy”

(PLO) - Cuối tuần vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Vấn đề “chạy” lại được nêu ra. 
Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 9.8. Ảnh: VnEconomy
Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 9.8. Ảnh: VnEconomy

Có ông Bí thư Tỉnh ủy than trước hội nghị: “Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này, người kia điện thoại, đủ hết cả”.

Đấy mới là chuyện “cấp huyện, cấp xã thôi”. Mừng vì lắm người biết lo cho nước cho dân nên mới “chạy” để dấn thân, cống hiến? Chắc không phải vậy đâu! Chắc chắn làm “quan” dù là cấp xã để “dễ kiếm” nên mới có chuyện “chạy”. Tất nhiên để “chạy” phải có “đầu tư”.

Câu chuyện làm chúng ta nhớ đến khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá 12 sáng 7/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu” trong công tác cán bộ.

Ta nói mãi rồi không làm được, liệu lần này có làm được?

Gần đây, một vài địa phương đã nêu kinh nghiệm đáng chú ý: Ngay từ khi sáp nhập thôn, huyện đã có văn bản hướng dẫn mỗi đơn vị thống nhất 3 chức danh: bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; phó bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận; phó trưởng thôn kiêm công an viên. Khi một thôn nào đó gặp khó trong việc chọn cán bộ, thì huyện, xã cùng sáp vào.

Khó mức nào thì dân gỡ cũng xuôi. Tổ chức hội nghị toàn thôn, nêu yêu cầu, tiêu chuẩn để dân giới thiệu, phân tích, lựa chọn. Dân giới thiệu “chụm” rồi, đưa ra bầu, đều trúng với số phiếu cao. Hợp lòng dân, đúng ý Đảng lại mười phần dân chủ.

Ở cấp thôn - cấp thấp nhất, dễ làm. Trong thông xóm, không ai “dấu” và “qua mặt” được dân, càng dễ chọn cán bộ thôn. Thậm chí cán bộ thôn, chủ yếu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ có ít tiền phụ cấp/tháng, dễ không phát sinh tham lam cho lắm.

Từ cấp xã trở lên đã khó làm rồi, vì “không gian” rộng hơn thôn, xóm, nhiều dòng họ hơn. 

Nghị quyết lần thứ 6 Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” không chỉ là công việc của Đảng, đó còn là yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi của nhân dân. Phải làm nghiêm túc. Tuy nhiên, điều cần lưu ý phải biết “Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ cán bộ, phân công phân cấp với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người và “quyền lợi” từng cá nhân, do vậy không thể nóng vội, “một nhát ăn quan”. Tuy nhiên, không thể “lùi”, càng không thể “chạy” chức quyền “sống lại”.