Học sinh Hà Nội quá khổ!

(PLO) - Khảo sát gần đây của Ban Văn hóa-Xã Hội HĐND TP. Hà Nội cho thấy, gần 2 triệu học sinh từ cấp mầm non, phổ thông trên địa bàn thủ đô đang phải học tập trong điều kiện được đánh giá là quá tải, cùng với đó là cha mẹ học sinh đang phải chịu gánh nặng khi phải đóng góp quá nhiều khoản thu ngoài quy định cho con em theo học.    
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, năm học 2018-2019, Hà Nội có 2689 trường với gần 2 triệu học sinh mầm non và phổ thông. Trong đó công lập có 2182 trường, 1,7 triệu học sinh, có 507 trường tư thục cso 552 ngàn học sinh. So với năm học 2017-2018, số học sinh tăng tập trung ở cấp mầm non là 86% và cấp tiểu học là 49%.

Theo Ban Văn hóa-Xã Hội HĐND TP. Hà Nội, do tốc độ tăng dân số cơ học cao cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập, tỷ lệ học sinh trên lớp cao.

Đáng chú ý, khảo sát của cơ quan HĐND thành phố cho thấy, hiện nay trên toàn địa bàn thủ đô có 19/772 trường mầm non công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học (cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp, tập trung ở quận Cầu Giấy); có 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp (cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trng đó có 3 trường có sĩ số trên 60 học sinh/lớp; có 13/559 trường THCS công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên.   

Không chỉ hàng triệu học sinh Hà Nội đang phải học trong điều kiện quá tải, qua kiểm tra Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố còn phát hiện, rất nhiều trường đang thu thêm các khoản phí ngoài quy định. “Một số trường tự ý đặt ra những khoản thu không đúng quy định, thực hiện thu xã hội hóa không đúng quy định, quy trình như: thu tiền túi kiểm tra, phô tô tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền để mua bàn ghế, tiền trái tuyến, thu tiền xã hội hóa điều hòa và thiết bị giảng dạy, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh”- báo cáo của cơ quan HĐND thành phố nhấn mạnh.   

Cũng theo cơ quan này, Quyết định số 51 của UBND TP. Hà Nội quy định 10 khoản thu, ngoài các khoản thu theo quy định không được thu thêm khoản thu nào khác. Nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế vẫn đang xuất hiện khá nhiều khoản thu khác mà các trường đang thu đối với phụ huynh học sinh như: tiền học câu lạc bộ, kỹ năng sống, tiền lắp và tiền điện điều hòa, học ngoại ngữ chuyên gia, trông giữ trẻ, học sinh ngoài giờ và ngày thứ 7… chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể, vì vậy các đơn vị lúng túng trong triển khai thực hiện.   

Không chỉ chịu áp lực từ các loại phí, vấn đề đồng phục cho học sinh cũng đang là nỗi băn khoăn của nhiều cha mẹ học sinh. Thông tư số 26 ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức may hoặc mua đồng phục.

Khảo sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, thực tế ở một số trường ban Giám hiệu hợp tác với các nhà máy, công ty may để đặt cho học sinh. Trung bình mỗi bộ đồng phục có giá từ 150 đến 270 ngàn đồng và tối thiểu mỗi học sinh có 3 bộ đồng phục (mùa hè, mùa đông và đồng phục thể dục).

Không ít trường quy định học sinh mặc đồng phục trong cả tuần, do vậy thực tế phụ huynh phải mua số lượng đồng phục cho học sinh từ 5-6 bộ gây tốn kém về kinh phí cho phụ huynh học sinh.

Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu sớm sửa đổi Quyết định số 51 ngày 22/11/2013 ban hành về quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến với Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép nâng mật độ xây dựng, nâng tầng để xây dựng các trường học tại các quận nội thành, nơi có ít quỹ đất để đảm bảo sỹ số học sinh/lớp. Đồng thời ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư nhằm giảm sỹ số học sinh/lớp theo đúng quy định, đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp.