Trách nhiệm nêu gương: Thực hiện phải tự nguyện, không phải vì sức ép

(PLO) - “Tôi nghĩ rằng bản thân từng đồng chí phải coi quy định này là điều tự mình làm, phải tự nguyện, tự giác chấp hành. Đồng thời, cũng vì nhiệt huyết cách mạng mà khi đặt chân vào Đảng - mình đã thề để thực hiện, chứ không phải vì sức ép của tổ chức hay xã hội”.
Ông Nguyễn Túc
Ông Nguyễn Túc

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khi trao đổi với Pháp luật Việt Nam xung quanh nội dung tại “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng” (Quy định) mà Hội nghị TƯ 8, khóa XII vừa thông qua.

Không phải vì sức ép của tổ chức hay xã hội

Theo ông Nguyễn Túc, việc ban hành Quy định trên là hết sức cần thiết, vì tình hình diễn biến phức tạp của đội ngũ cán bộ của Đảng ta ngày càng trầm trọng. “Trước đây chỉ ở cấp cơ sở, rồi đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp TƯ, nhưng bây giờ không chỉ là Ủy viên TƯ nữa, mà đã đến Ủy viên Bộ Chính trị. Cụ thể là một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã bị xử lý hình sự. Tình hình này buộc BCHTƯ phải có những quy định cụ thể hơn, đặc biệt quy định trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ Đảng, với tinh thần “đầu xuôi thì đuôi lọt”, cấp trên gương mẫu thì cấp dưới làm theo”- ông Túc nhìn nhận.

Vẫn theo lời ông Túc: nếu thoái hóa biến chất xảy ra từ nóc thì rất nguy hiểm, cho nên phải làm sao cho cái nóc thật vững chãi thì cái nhà mới không bị dột. Vì vậy, Quy định này là để ngăn chặn và đẩy lùi thoái hóa biến chất, mà phải đẩy lùi từ TƯ. “Quy định làm tôi nhớ lại thời xưa, thời các đồng chí lãnh đạo của chúng ta thực sự là tấm gương sáng để mọi cán bộ, đảng viên noi theo. Nếu chúng ta làm tốt Quy định này thì chúng ta sẽ quay trở lại thời  kỳ mà những đồng chí lãnh đạo chính là những người mẫu mực, những gương sáng, qua đó chúng ta nhìn vào đấy để soi mình và làm theo”- ông Nguyễn Túc kỳ vọng.

Đánh giá về nội dung của dự thảo Quy định trên, ông Túc cho rằng rất ngắn gọn, rõ ràng và cụ thể; điều đó sẽ giúp các cơ quan giám sát của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là nhân dân có cách đánh giá và góp ý thuận lợi hơn. Bởi “giám sát của nhân dân, của Đảng chính là tạo điều kiện cho các đồng chí thực hiện tốt hơn những điều mình quyết tâm thực hiện”. Tuy nhiên, theo vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, muốn thực hiện được tốt những nội dung tại Quy định về trách nhiệm nêu gương thì điều đầu tiên là bản thân các cán bộ, đảng viên phải là những người tâm sáng, lòng trong, không vì sự thúc ép của xã hội hay bất kỳ ai.

“Thời xưa, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ bỏ danh vọng, tiền tài, chức vụ để đi theo cách mạng thì có ai thúc ép đâu. Bởi vậy, tôi nghĩ bây giờ để thực hiện hiện được thì chính bản thân các đồng chí phải tự nguyện, tự giác chấp hành và vì cái nhiệt huyết cách mạng mà khi đặt chân vào Đảng mình đã thề để làm chứ không phải vì sức ép của tổ chức hay xã hội”- ông Túc bày tỏ.

Từ chức cũng là để giữ uy tín cho Đảng

Cho rằng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vừa nâng cao uy tín của bản thân nhưng cũng tạo nên hình ảnh đẹp của Đảng, ông Nguyễn Túc phân tích: vì “anh” chỉ là một cá nhân trong một tập thể nên việc làm tốt của “anh” sẽ góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ngày càng đẹp hơn, nói như lời Bác Hồ thì Đảng ta “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”.

Đặc biệt, một khái niệm rất được xã hội quan tâm cũng được nêu ra tại dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương, đó là “chủ động từ chức”. Khái niệm này có thể nói là khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhưng dường như vẫn còn dè dặt - nếu không muốn nói là khá hiếm - ở nước ta. Tất nhiên, khi Quy định chính thức có hiệu lực thì mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện, nhưng BCH TƯ nhấn mạnh đến gần 200 Uỷ viên T.Ư- những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải dám làm, dám chịu trách nhiệm.

 “Tôi còn nhớ, khi chúng ta sai lầm trong cải cách ruộng đất, chính Bác Hồ là người đứng ra xin từ chức nhưng TƯ không đồng ý. Rồi đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng Bí thư cũng xin từ chức; đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng xin từ chức từ Ủy viên Bộ Chính trị xuống Ủy viên TƯ và nhiều đồng chí khác cũng xin từ chức ra khỏi Ủy viên TƯ…, tôi thấy đó là những hình ảnh đẹp.

Chính vì thế, việc quy định đồng chí nào mà uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ thì tự từ chức-đó là việc hết sức cần thiết. Chứ từ thời chúng ta đổi mới đến giờ, hầu như chẳng có đồng chí nào từ chức cả, duy có một trường hợp xin từ chức là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ. Còn các đồng chí khác, mặc dù khuyết điểm rất ghê gớm nhưng không xin từ chức, đến mức TƯ phải đưa ra kỷ luật, đưa ra khỏi Đảng…

Theo tôi, khi mình không còn uy tín với Đảng, với nhân dân mà cứ bám “ăn xôi” thì dân và Đảng sẽ coi thường. Từ chức cũng là để giữ uy tín cho Đảng”- ông Nguyễn Túc nói. 

Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng hình ảnh nêu gương phải hết sức cụ thể

Cá nhân tôi cho rằng, khi đã là đảng viên và là cán bộ lãnh đạo, nếu muốn nói cho những cán bộ cấp dưới của mình và những người chúng ta cần tập hợp, vận động làm theo thì bản thân chúng ta phải gương mẫu. Bên cạnh đó, bản thân mình cũng phải cố gắng rèn luyện, phấn đấu để thực sự là tấm gương cho người khác.

TƯ đã thống nhất rất cao về sự cần thiết ban hành quy định này. Nhưng khi xây dựng một hình ảnh hay một phong trào để nêu gương thì cần tập trung vào những tiêu chí, điều kiện phù hợp đối với từng con người cụ thể, từng chức danh và vị trí cụ thể. Tôi cho rằng, việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hay những cán bộ lãnh đạo chủ chốt chính là việc đang xây dựng hình ảnh và uy tín của Đảng chúng ta, vì vậy cần phải hết sức thận trọng để đề ra các tiêu chí cụ thể.

Tiêu chí đó vừa mang tính chất là một cam kết chính trị để từng đảng viên, từng cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu, hoàn thiện; đồng thời những chỉ tiêu phấn đấu đó cũng phải được công bố công khai rộng rãi cho nhân dân, cán bộ, đảng viên biết để theo dõi, giám sát… 

Là vấn đề khá nhạy cảm và cực kỳ phức tạp

TƯ thống nhất cao việc ban hành nhưng việc hoàn thiện nội dung, chúng tôi vẫn đang tiếp tục xin ý kiến một vòng nữa của các Ủy viên TƯ, bởi đây là một vấn đề khá nhạy cảm và cực kỳ phức tạp nên rất thận trọng trong nghiên cứu. 

Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã báo cáo Bộ Chính trị 2 lần, báo cáo Ban Bí thư 1 lần và vẫn tiếp tục xin ý kiến một lần nữa. Nói như vậy để thấy rằng quy định này đòi hỏi một sự rất cẩn trọng. Về nội dung cụ thể của Quy định, trong quá trình hoàn thiện chắc chắn sẽ có những điều chỉnh, nhưng nội dung chi tiết chưa thể công bố vì còn đang tiếp tục hoàn thiện và chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện sớm để ban hành. (Ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Ban Tổ chức TƯ).