Ngành Y cần có một chuẩn chung

(PLO) - Theo các bác sỹ đầu ngành, kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người, máy móc và hóa chất rất quan trọng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều trường hợp, phòng xét nghiệm được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn nhưng có thể sau một thời gian máy móc bị hỏng hoặc không được bảo dưỡng kịp thời thì kết quả xét nghiệm rất có thể sẽ sai lệch. Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xét nghiệm cần được thực hiện thường xuyên. Các phòng xét nghiệm cũng phải được nội kiểm, ngoại kiểm để kết quả xét nghiệm được chính xác.

“Trong xét nghiệm, chúng tôi phải thực hiện hết sức thận trọng và thẩm định kỹ càng. Đơn cử như kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với HIV thì không phải là cứ máy in kết quả ra là công bố ngay, mà chúng tôi phải thẩm định kỹ càng, sau đó lãnh đạo khoa, thậm chí là lãnh đạo BV mới được phép ký ban hành đảm bảo tính nhân văn và chính xác tuyệt đối”, TS Dương Đức Hùng nhấn mạnh. 

Việc thực hiện liên thông xét nghiệm có thể giúp ngăn ngừa việc lạm dụng xét nghiệm, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh nhưng nếu sử dụng liên thông như một cách thức để khống chế các bác sĩ chỉ định xét nghiệm có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực chất lượng khám chữa bệnh. Bác sĩ điều trị là người quyết định việc công nhận sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông hay cần thiết chỉ định xét nghiệm lại, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.

Bác sĩ là người có khả năng đánh giá được chất lượng xét nghiệm, vừa đại diện cho người bệnh “thụ hưởng” chất lượng đó, tuy nhiên chính bác sĩ cũng có thể không đánh giá được chất lượng xét nghiệm nếu thiếu kiến thức. Đối với những xét nghiệm của BV tuyến dưới, thậm chí từ BV tư nhân, việc công nhận kết quả xét nghiệm hay không phụ thuộc vào cả yếu tố uy tín của BV, của phòng xét nghiệm thậm chí uy tín của bác sĩ làm xét nghiệm và đọc kết quả xét nghiệm.

Theo đó, muốn liên thông kết quả xét nghiệm đạt hiệu quả, trong đó cần phải cải thiện cả chất lượng đội ngũ y, bác sĩ cũng như cải thiện “cơ chế làm việc” của họ. 

Chất lượng xét nghiệm giữa các BV và giữa các tuyến điều trị nhìn chung chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn ở các BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh và còn hạn chế ở các BV tuyến dưới. Theo lộ trình, đến năm 2025, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ được thực hiện ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Để đạt được kết quả theo đúng lộ trình, điều quan trọng phải làm sao để các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau một cách tự nguyện. Điều đó đòi hỏi phải có một chuẩn chung, đó là việc chuẩn hóa nhân sự, chuẩn hóa trang thiết bị máy móc từ trên xuống dưới,…

Đọc thêm