Trăn trở sau những vụ án xâm hại trẻ em

(PLO) - Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính thức trên toàn tỉnh Bắc Kạn, tuy nhiên thông qua hoạt động tham gia tố tụng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, thấy rằng trong thời gian qua đã xảy ra không ít các vụ án xâm hại trẻ em. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ tính riêng năm 2015, Trung tâm thụ lý 11 vụ việc, năm 2016 thụ lý 10 vụ việc. Nạn nhân là các bé gái tuổi còn rất nhỏ, cá biệt có trường hợp có cháu mới 6, 7 tuổi.  Điều đó gióng lên hồi chuông về sự suy đồi đạo đức, là nỗi kinh hoàng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân, hoàn cảnh đưa đẩy đến hành vi phạm tội thì có nhiều. Qua theo dõi, các vụ án đa số đều xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, do nhận thức am hiểu pháp luật của người dân rất thấp. Có đối tượng phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ, đương dậy thì, tò mò muốn khám phá mọi thứ. Dưới tác động dễ dàng từ sách, báo, truyện, mạng internet có nội dung không lành mạnh sẽ càng khiến các đối tượng bị kích động và khơi dậy bản năng nhiều hơn. 

Và trong số những vụ án này, khá nhiều trường hợp nạn nhân rơi vào gia đình có hoàn cảnh tương đối éo le, phức tạp hoặc bố mẹ không hòa thuận, hạnh phúc. Cuộc sống hiện đại làm cho thời gian gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít, chỉ còn giao tiếp thông thường mà thiếu dần đi sự sẻ chia, tâm sự, cập nhật kiến thức, kỹ năng sống cho các cháu. 

Có một thực tế đau lòng người phạm tội nhiều khi là người quen, thậm chí chính là người thân trong gia đình gây ra, như vụ án do anh con bác ruột hoặc bố đẻ thực hiện hành vi. Hoặc có trường hợp là hàng xóm, người quen được bố mẹ vì mải công việc mà tin tưởng, gửi gắm nhờ trông nom giúp.

Còn hậu quả xảy ra đối với bé gái là rất nghiêm trọng, cả về thể chất và tinh thần, thậm chí cả danh dự, nhân phẩm sau này, nhiều khi đó là biến cố ảnh hưởng cả cuộc đời các cháu.

Những vụ án xâm hại đến các trẻ em gái đã được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm. Đơn vị đã chủ động nắm bắt các trường hợp trẻ em nữ bị xâm hại tình dục thông qua báo chí, sự giới thiệu của các các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác có được.

Từ đó, Trung tâm đã chủ động tìm gặp nạn nhân và gia đình để tìm hiểu sự việc, ổn định về tinh thần và tâm lý cho các em. Đồng thời cử Trợ giúp viên pháp lý phù hợp tính chất vụ việc tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử xong để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm đó, tiếng nói của trợ giúp pháp lý có trong quá trình giải quyết rất nhiều vụ việc xảy ra, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với các bé gái, là điểm tựa công lý những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nơi các em sinh sống

Tuy nhiên, từ hiện thực đó, thiết nghĩ để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em và giảm thiểu nỗi đau cho các bé gái chúng ta cần: Giáo dục trẻ em, đặc biệt các bé gái phải nhận diện, cảnh giác đối với những hành vi bị xâm hại. Phải phòng tránh các hành vi, tình huống có thể xảy ra: như ở một mình với người lạ, tiếp xúc với người không tốt, có hành vi để ý, sờ soạng… Nếu họ có hành vi đó nên tâm sự, kể cho những ai. 

 Bên cạnh đó, gia đình phải có trách nhiệm chăm nom, quan tâm, quản lý để ý đến các cháu. Đối với các bé gái, sau khi sự việc xảy ra nên có thái độ quan tâm, nhẹ nhàng, động viên để trẻ vượt qua mặc cảm. Xã hội có cái nhìn khách quan hơn và tiến bộ hơn, thay vì bàn tán, trêu trọc, khắt khe đánh giá thì phải lên án chính đối tượng phạm tội.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cụ thể hơn các quy định nghiêm khắc của pháp luật về tội này đến người dân. Những vụ án xảy ra được xét xử nghiêm minh sẽ đủ sức răn đe và ngăn ngừa. Nếu như làm tốt công tác tuyên truyền hơn, người dân am hiểu luật hơn thì sẽ hạn chế nhiều vụ án xảy ra. 

Đọc thêm