Bay quanh núi Phú Sĩ với đôi cánh gắn động cơ

(PLO) - Bộ quần áo của Yves Rossy còn lâu mới giống như bộ giáp siêu phàm của nhân vật siêu nhân Người Sắt. Tuy nhiên nó vẫn mang vào đời thực một trong những khả năng quan trọng của bộ giáp: bay lượn.
Bay quanh núi Phú Sĩ với đôi cánh gắn động cơ

Cảm xúc khó tả

Yves Rossy, biệt danh "người bay", đã nhảy ra khỏi một chiếc máy bay trực thăng chở ông trong ngày 6/11, mang theo một đôi cánh gắn động cơ phản lực đặc biệt. Tiếp đó ông khởi động động cơ và bay vòng quanh núi Fuji (Phú Sĩ) ở Nhật Bản.
Trong chuyến bay kéo dài chừng 10 phút, Rossy cùng đôi cánh của mình đã bay cao tới 3.657 mét, trước khi nhảy dù trở lại mặt đất từ độ cao 800 mét.
Chuyến viếng thăm Nhật Bản chỉ là hoạt động mới nhất trong nỗ lực bay vòng quanh nhiều địa điểm nổi tiếng khác trên thế giới của Rossy."Được bay ở đây là giấc mơ của tôi" - Rossy nói trong một thông báo - "Tôi là gã may mắn đã có thể làm được việc này. Nhưng tôi còn hy vọng mình có thể thúc đẩy những con người có tư duy tiến lên thuộc thế hệ kế tiếp, làm được điều gì khác biệt, ngay cả khi dường như việc đó là bất khả thi".
Rossy, người đang là phi công của hãng Swiss International Air Line, hiện cũng là cá nhân duy nhất trên thế giới bay cùng một đôi cánh gắn động cơ phản lực. "Có một sự tương phản mạnh trong việc bay tự do với cánh trên lưng, so với việc bị nhốt kín trong khoang lái với tư cách một phi công hàng không" - ông nói - "Thật khó để mô tả cảm xúc của việc có một cơ hội như thế này. Nó đầy ắp trong tâm hồn. Cảm giác thật tuyệt khi có được đặc quyền trở thành một con muỗi nhỏ bay trước ngọn núi lớn đó".
Tình yêu với bầu trời
Là cựu phi công máy bay chiến đấu trước khi chuyển nghề làm phi công dân sự, Rossy đã luôn mơ ước có ngày được bay tự do như chim. Ông hiện thực hóa ước mơ bằng cách sản xuất ra đôi cánh riêng làm từ vật liệu sợi carbon, vốn rất cứng nhưng nhẹ.
Ông cùng đôi cánh đặc biệt của mình trước khi biểu diễn
 Ông cùng đôi cánh đặc biệt của mình trước khi biểu diễn
Mỗi bên cánh sẽ được lắp 2 động cơ phản lực Jet-Cat P200. Mỗi động cơ này có lực đẩy 52 cân Anh, sử dụng được xăng A1 của máy bay hoặc kerosene, với nhiệt thoát ra chỉ từ 580°C-690°C, hoàn toàn lý tưởng cho đôi cánh của Rossy.
Giới quan sát nói rằng chế tạo một đôi cánh như Rossy không phải việc đơn giản. Người ta phải trả lời vô số câu hỏi, đơn cử vấn đề áp lực của luồng không khí lên đôi cánh khi Rossy đảo hướng và biểu diễn động tác khó. Hay như việc phải làm sao để ông không bị sức nóng của động cơ phản lực thiêu cháy đôi chân khi bay.
Trong mấy thập kỷ qua, nhiều công ty đã nỗ lực sản xuất các thiết bị bay phản lực dành cho cá nhân đáng tin cậy, nhưng chúng hiện vẫn chưa ra đời. Vì thế, có thể thấy đôi cánh do Rossy tạo ra là vô cùng ấn tượng. Điểm yếu duy nhất có lẽ là bộ cánh không thể giúp ông tự cất cánh hoặc hạ cánh. Ngoài việc phải "cất cánh" bằng máy bay trực thăng, Rossy vẫn phải dựa vào dù để hạ cánh.
Tự do tuyệt đối
Tuy nhiên một khi đã ở trên trời, ông hoàn toàn tự do bay lượn. Hồi năm 2008, Rossy từng có lần chia sẻ với tờ Spiegel của Đức về những trải nghiệm cá nhân khi bay bằng đôi cánh do ông tạo ra: "Tôi không lái, mà tôi bay.
Tôi lắc vai sang bên trái là liệng về phía trái, tôi nghiêng sang bên phải là liệng sang hướng phải. Nếu muốn chúc xuống, tôi chỉ cần cúi đầu; muốn bay lên cao, tôi ngẩng đầu lên. Tất cả đều theo trực giác, giống như một đứa bé giang tay bắt chước bay như máy bay. Tôi bay hoàn toàn thoải mái, chẳng cần phải tốn nhiều sức lực".
Rossy bay lần đầu vào tháng 5/ 2008 cùng đôi cánh của mình và đã lượn vài vòng trên núi Alps trước khi hạ cánh gần hồ Geneva. Ông hiện đã có kế hoạch bay vòng quanh ngọn núi cao nhất và thiêng nhất ở Nhật Bản khoảng 9 lần trong vòng một tuần, kéo dài tới Chủ Nhật.
Trước đó Rossy từng bay ngang qua Hẻm Núi lớn và thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Tháng 11/2009, Rossy từng có chuyến bay mạo hiểm nhất khi bay xuyên lục địa, từ Morocco ở Bắc Phi sang Tây Ban Nha ở Nam Âu.
Ngoài các kỷ lục trên, ông cũng từng bay với những chiếc máy bay phản lực và cả một chiến đấu cơ Spitfire.

Đọc thêm