Bị hoạt động du lịch “lạm dụng”: Hàng ngàn di sản đồng loạt kêu cứu

(PLO) - Cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh, nhưng phần lớn đều bị xâm hại, nhẹ thì bởi nạn viết vẽ bậy, nặng thì bị biến dạng, thay thế hoặc xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Áp lực từ lượng khách quá tải ở Hội An làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan phố cổ, môi trường thiên nhiên.
Áp lực từ lượng khách quá tải ở Hội An làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan phố cổ, môi trường thiên nhiên.

Du lịch tăng trưởng, di sản “thua thiệt”

Thời gian qua, dư luận bày tỏ lo ngại trước sự phát triển du lịch ồ ạt, những công trình đồ sộ “không liên quan” bỗng xuất hiện ngay giữa lòng di sản, sự xuống cấp trầm trọng dẫn đến nguy cơ không thể phục hồi của rất nhiều di sản trên toàn quốc. 

Cùng việc Đình Lương Xá (xã Liên Bạt, Quốc Oai, Hà Nội) bị phá dỡ để xây mới hoàn toàn, thay thế cấu trúc gỗ truyền thống hàng trăm năm nay bằng bê tông cốt thép, nhiều di sản đình, đền, chùa, miếu vài trăm tuổi ở nhiều khu vực cũng lần lượt “kêu cứu” vì quá xuống cấp như chùa Một Mái, đình làng Hữu Bằng (Hà Nội), đình Do Nghĩa (Phú Thọ), chùa Đông Nam (Thanh Hóa), chùa Giác Viên (TP HCM)…

Ở một nơi khác, Di tích cấp Quốc gia Thành Tam Vạn (xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở đất liên tiếp xảy ra, hàng chục mét tường thành đã bị sạt lở nghiêm trọng. 

Tiêu biểu nhất chính Di sản thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã “biến dạng” quá nhiều khiến UNESCO phải “tuýt còi” về sự phát triển ồ ạt của các hạng mục kinh tế, du lịch làm ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan nơi đây.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày cảng Tuần Châu đón gần 10.000 lượt khách du lịch, những ngày cao điểm, con số này có thể lên tới gần 30.000 lượt. Lượng khách quá đông, tập trung cục bộ tại một số điểm, tuyến du lịch gây vượt ngưỡng chịu tải của các điểm tham quan tiêu biểu như: Động Thiên Cung, hang Ðầu Gỗ, Sửng Sốt…, làm ảnh hưởng vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của các hang động, thay đổi tập tính sinh hoạt của các loài vi sinh vật trong Vịnh, công tác bảo tồn di sản hầu như không thể bắt kịp để khắc phục tốc độ thay đổi chóng mặt này. 

Một di sản khác cũng đang “kêu cứu” chính là TP Di sản Hội An (Quảng Nam), từ một khu phố nhỏ nằm phía tả ngạn sông Thu Bồn, nay đã trở thành điểm đến của bốn triệu lượt du khách mỗi năm, trong khi dân số TP chỉ khoảng 92.000 người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu du khách ồ ạt đổ về, các công trình xây dựng tư nhân tăng nhanh, kèm hoạt động sửa chữa, cải tạo sơ sài để “đốt cháy giai đoạn”, nhằm nhanh chóng thương mại hóa du lịch, khiến Di sản Hội An dần biến dạng.

Đồng cảnh ngộ, Cố đô Huế từng nổi tiếng do sở hữu quỹ kiến trúc di sản giàu có bậc nhất, cũng đang phải đối mặt với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cao ốc hóa khu vực bờ nam sông Hương với nhiều khách sạn, trung tâm thương mại… làm biến chất cảnh quan khu đô thị cổ, cùng những lăng tẩm, miếu, đền dọc bờ sông. 

“Mòn mỏi” chờ đợi tu bổ

Trước thực trạng di sản đang bị xâm hại, biến tướng hoặc xuống cấp trầm trọng, vẫn đang “mòn mỏi” chờ thủ tục tu bổ, cơ quan quản lý đều biết nhưng lại “bó tay” vì nhiều lý do, trong đó “gai góc nhất” là thiếu kinh phí tu bổ. 

Sau khi Luật Thủ đô được ban hành, Hà Nội đã chủ động đa dạng các nguồn đầu tư (kinh phí cấp T.Ư, cấp TP, cấp huyện và huy động xã hội hóa) để bảo tồn kho tàng di sản lớn nhất cả nước nhưng vẫn có bất cập.

Trả lời báo chí gần đây, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho rằng: “Nguồn lực huy động xã hội hóa cho công tác tu bổ chỉ tập trung vào một vài di tích được thổi phồng yếu tố tâm linh. Đối với các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, đình, đền… vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư của ngân sách nhà nước. Nhưng nguồn đầu tư này có hạn, trong khi đó, quá nhiều di tích có thể sụp, đổ bất cứ lúc nào”.

Công ước quốc tế về du lịch văn hóa được ICOMOS - Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (thuộc UNESCO) thông qua năm 1999 đã đưa ra sáu nguyên tắc về quản lý du lịch ở những nơi có di sản quan trọng.

Trong Công ước đặc biệt nhấn mạnh, các dự án phát triển du lịch và xây dựng cấu trúc hạ tầng phải lưu ý đến phương diện thẩm mỹ, xã hội và văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đặc trưng đa dạng sinh học, ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương, phong cách kiến trúc địa phương, truyền thống bản xứ. Hơn nữa, các cộng đồng chủ nhà và dân chúng bản địa phải được tham gia vào việc lập kế hoạch bảo vệ và du lịch...

Lâu nay, du lịch và di sản luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ hai chiều: di sản là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện quảng bá, phục hồi, phát huy tốt hơn giá trị di sản. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động du lịch thời gian qua, dễ nhận thấy phần “thua thiệt” thường thuộc về di sản, nhất là tại những nơi du lịch phát triển “nóng”.

Mặc dù vậy, công tác bảo tồn ở Việt Nam vẫn còn ì ạch, lúng túng dẫn đến tình trạng hàng ngàn di tích di sản đã và đang “kêu cứu”, “hấp hối” hàng bao năm qua. Nhưng không biết vô tình hay cố ý, các cơ quan chức năng vẫn… phớt lờ hoặc chậm trễ hành động.