Chuyện về người biết làm mực tàu cuối cùng

(PLO) - “Tư Thế bút mực làm giàu”, đó là câu nói cửa miệng của người làng Vĩnh Thế, xã Trí Quả (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) từ bao đời nay. Nghề làm mực tầu ở đây giờ đã bị mai một cùng với quy luật phũ phàng của thời đại kinh tế thị trường. Hôm nay về mảnh đất này chúng ta  chỉ có thể nghe được câu chuyện làm mực từ  một đôi vợ chồng nghệ nhân già… còn sót lại theo thời gian.
Vợ chồng ông Đãi đang chỉ chỗ đặt lò đốt mực tầu của gia đình ngày xưa (nay là vườn cây)
Vợ chồng ông Đãi đang chỉ chỗ đặt lò đốt mực tầu của gia đình ngày xưa (nay là vườn cây)

Về Vĩnh Thế (giờ là thôn Tư Thế) hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận ra sự giầu có sung túc của người dân nơi đây. Thành quả có được đó phần lớn cũng là nhờ nghề làm mực tầu truyền thống. Nhưng cũng thật lạ, chẳng mấy ai ở làng này biết đến nghề này. Ngay đến ông bí thư chi bộ cũng chẳng nhớ. Phải vất vả tìm mãi chúng tôi gặp được đôi vợ chồng nghệ nhân già duy nhất còn biết đến nghề xưa của làng.  Đó là ông bà Ngô Văn Đãi (84 tuổi) và Phạm Thị Mơ  85 tuổi).  

Tuy tuổi đã bát thập cổ lai hy, nhưng cả hai ông bà vẫn còn khoẻ lắm, nói đâu ra đấy. Mới gặp chúng tôi, ông  Đãi đã tâm sự ngay: “ Tôi nghe ngày xưa các cụ nói nghề làm mực tầu đã có ở làng từ rất lâu rồi. Đó là bởi từ thế kỉ thứ 3 SCN, Sĩ Nhiếp - được người dân phong tước “Nam Giao Học Tổ” đã đến Luy Lâu (vùng đất Thuận Thành ngày nay) mở trường dậy học chữ Hán”. 

Lúc đầu nguyên liệu giấy mực phục vụ các Hán sinh không đáng là bao. Nhưng sau này khi nho sinh nhiều dần, nguyên liệu phục vụ học tập được lấy từ nơi khác. Đến đầu thế kỉ XVI danh sĩ Nguyễn Văn Hiến người làng Vĩnh Thế đã đỗ Hoàng giáp (năm 1502). Trong một chuyến đi xứ sang Trung Quốc vị Hoàng giáp này đã học được nghề làm mực rồi về truyền cho dân trong làng.

Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiến từng làm quan đến chức thượng thư, khi mất được dân làng thờ làm tổ nghề. Vào những năm 1946-1947 nghề mực ở tư thế chỉ còn đúng 5 gia đình làm đó là gia đình ông Đắc ( chính là bố đẻ của ông Đãi và là bố chồng của bà Mơ), ông Hách, ông Nghiêm, ông Nhị, ông Cầu. Tuy nắm được quy trình làm mực do người cha truyền lại, nhưng ông Đãi không phải trực tiếp làm. Bởi ông cho biết đến năm 1948 khi 15 tuổi ông đã đi tham gia kháng chiến. Mọi công việc làm mực ở nhà đã có bố, mẹ và người vợ là bà Mơ lo liệu.

Bà Mơ kể rằng “ Năm 1946 khi tôi mới 14 tuổi đã được gả cho ông Đãi và trở thành lao động chính trong gia đình. Cái nghề làm mực của gia đình tôi ngày xưa khổ nhọc, vất vả lắm, chân tay lấm lem suốt cả buổi...”. 

Nguyên liệu chính để làm mực ngày xưa chính là hổ phách ( nhựa thông). Bố ông Ngô Văn Đãi là cụ Ngô Văn Đắc có mối cất hàng quen thuộc ở huyện Lục Yên, Yên Bái. Hàng tuần cụ Đắc ngược Yên Bái một chuyến cất hàng, mỗi chuyến mua chừng 10 gánh nhựa thông( mỗi gánh khi ấy nặng khoảng 60-70kg bây giờ). Cụ theo tàu hoả về ga Yên Viên-Hà Nội. Đúng hẹn, người nhà đến ga gánh hàng về. Ông Đãi cho biết: “ nhựa thông phải được bảo quản trong những chiếc vại to và đậy cẩn thận. Trong nhà ông lúc nào cũng có hơn chục cái vại chứa nhựa để công việc không lúc nào bị gián đoạn”. 

Mực tầu được sử dụng để viết câu đối ngày Tết
Mực tầu được sử dụng để viết câu đối ngày Tết
Buổi sáng bà Mơ lo nhào trộn nhựa thông cho công việc ngày mới. Dùng gáo dừa múc nhựa loãng từ vại lớn đổ vào một cái phướng làm bằng gỗ rất to, chừng 20 kg, rồi trộn mùn cưa vào. Lấy một đoạn tre đặc to bằng cổ tay, dài chừng 100cm để xéo nhựa cho đều với mùn cưa. Khi nào nhựa nhuyễn dùng muỗng xúc ra thớt lăn thành nhiều mồi nhỏ bằng miếng bã trầu, vừa lăn vừa dùng cái dầm tiếp mồi vào lò, không để lò tắt. Dầm là dụng cụ tựa cái thuổng, lưỡi bằng sắt, cán bằng tre, dài chừng 3m. 

Trông chừng mồi sắt lụi thì tiếp mồi mới. Lò hình khum như tổ tò vò, chiều ngang chừng 3 m, cao 3 mét, dài 6 mét, chia làm 2 ngăn: lò và buồng lò. Lò là ngăn đốt chính, trát vách, trong có bệ lò cao chừng 60 cm, vừa tầm tay người ngồi ở ngoài tiếp mồi. Phía trên bệ lò treo 8 cái nồi đất to, cách bệ lò chừng 20cm. Mồi được đặt trên bệ lò dưới đáy 8 cái nồi này. Khói từ mồi toả ra đen đặc, bám vào đáy nồi, bao giờ “mực” sát mồi thì dừng đốt, dùng cái cót dỡ mực đổ vào thúng kế, một loại thúng cái cao, to hơn thúng cái bình thường. Đó là mực hoa, loại tốt nhất. Mỗi phướng nhựa xéo thu được 2 thúng kế mực hoa. Mực này bán cho làng Kiêu Kỵ ở Gia Lâm dùng trong việc dát quỳ. Việc này chỉ do bà mẹ chồng lo liệu nên bà Mơ không nắm được giá cả thế nào, chỉ biết rằng có làm mực thì mới có của ăn của để, khá giả hơn các nhà khác trong làng. 

Từ lò có cửa nhỏ thông sang buồng lò, nơi thoát khói cho lò đốt. Buồng lò che bằng gianh, bên trong treo nhiều giỏ đựng bòng bong. Vài tháng mới dỡ buồng lò một lần. Giũ cẩn thận từng liếp gianh, từng giỏ bòng bong để thu mực. Đây là loại mực thường, chuyên bán cho làng Đông Hồ để làm hàng mã. Năm 1952, cụ Đắc qua đời, ông Đãi thì đi hoạt động cách mạng, nhà không có người ngược Yên Bái mua nhựa thông, do đó làm hết mẻ nhựa cuối cùng thì gia đình nhà bà Mơ cũng “gác nghề” luôn. Rồi lò cũng phải phá đi lấy đất trồng rau, trồng cây ăn quả. Nghề làm mực Tàu của làng Tư Thế thất truyền từ đó.  

Hiện tại người biết làm mực cuối cùng của làng Tư Thế chỉ còn mỗi 2 vợ chồng ông Đãi, bà Mơ. Họ vẫn còn khoẻ, minh mẫn. Nhưng họ cũng khẳng định với chúng tôi ở cái tuổi gần đất xa trời này thì chẳng biết thế nào. Nếu họ ra đi thì chắc chắn nghề mực, bí kíp làm mực tầu truyền thống ở mảnh đất này cũng đi theo. 

Theo chúng tôi nghĩ, ngay bây giờ, các ban ngành chức năng của tỉnh Bắc Ninh có thể triển khai một dự án khôi phục để bảo tồn nghề làm mực truyền thống là điều rất đáng làm. Câu ca “Tư Thế bút mực làm giầu” sẽ không chỉ tồn tại trong tâm trí con người nữa.