“Điểm gãy” của thị trường âm nhạc Việt

(PLO) - “Bí kíp luyện Idol kiểu Hàn” đã được biết đến tại Việt Nam từ lâu, nhưng hiệu quả còn nhiều nghi vấn. Ví dụ, quán quân cuộc thi Ngôi sao Việt năm 2013, Thanh Tùng giành giải thưởng tới 7.5 tỷ đồng, ký hợp đồng với RBW Entertainment, được đào tạo và hoạt động tại Hàn Quốc. Đến nay, tên tuổi của anh không có gì đột phá ngoài hình ảnh “trắng trẻo, đáng yêu” như các mỹ nam xứ kim chi.
Những giọng ca trẻ thành công từ phong cách Hàn Quốc nhưng chưa truyền tải được văn hóa, bản sắc Việt
Những giọng ca trẻ thành công từ phong cách Hàn Quốc nhưng chưa truyền tải được văn hóa, bản sắc Việt

Những “ông lớn” giải trí Nhật, Hàn “đổ bộ” Việt Nam

Những năm gần đây, ngày càng thấy rõ sự quan tâm của  nhiều công ty giải trí âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản đối với nền âm nhạc Việt thông qua những cuộc thi, tuyển dụng tài năng trẻ với nhiều hứa hẹn đào tạo họ thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp trên đấu trường quốc tế.

Cụ thể, giữa tháng 5 vừa qua, “ông trùm”  ngành giải trí Hàn Quốc, Công ty SM Entertainment hợp tác lâu dài với Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) để tuyển dụng và thành lập nhóm nhạc tại Việt Nam. Ngoài SM, còn có liên doanh Việt – Hàn GMRB Management  và những công ty giải trí lớn của Hàn Quốc như JNU Entertainment, Cube Entertainment,  RBW Entertainment,  CJ E&M… đến Việt Nam tổ chức những cuộc thi tìm kiếm tài năng như Dream Star Audition, Ngôi sao Việt, STEP2FAME...

Điểm chung, đó là những giải thưởng hấp dẫn: thí sinh chiến thắng sẽ được đào tạo theo “công nghệ K-Pop”, giúp tài năng trẻ Việt “chạm chân” vào thị trường nhạc Hàn. Cũng trong tháng 5, Công ty Korea Mobile Society (KMS) của Hàn đã chính thức chọn Sơn Tùng M-TP làm gương mặt đại diện trong dự án âm nhạc kết hợp cùng Microsoft Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á. 

Ở Việt Nam, những giọng ca nổi bật lên nhờ tự định hướng theo phong cách Hàn Quốc có thể nói đến: 365 Daband, Erik, Min, Suni Hạ Linh, Uni5, Lip B… Còn từ phía đất nước Nhật Bản, mới đây, phân hiệu của AKB48, hệ thống nhóm nhạc nữ lớn nhất Nhật Bản, đã thông tin chính thức sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam với cái tên SGO48. Nhóm nhạc mới được tuyển sinh và thành lập vào tháng 7, 48 thành viên người Việt sẽ trải qua công nghệ đào tạo kiểu Nhật Bản, dự kiến ra mắt trên thị trường âm nhạc cuối năm nay.

Những hiện tượng trên là tín hiệu khởi sắc, đồng thời cũng cho thấy thị trường nhạc Việt ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Liệu những nghệ sĩ Vpop có thể hội nhập mà không đánh mất bản sắc riêng được không? Chúng ta đang quảng bá văn hóa Việt Nam trên quốc tế, hay ngược lại, quảng bá văn hóa các nước khác trên nền âm nhạc nước nhà?

Nguy cơ đánh mất bản sắc Việt, tại sao?

Hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ học theo văn hóa Kpop, từ hình ảnh, phong cách đến âm nhạc, ý tưởng MV đúng chuẩn Hàn Quốc, nhưng phần đông khán giả không chấp nhận bởi “khó thể coi đó là nhạc Việt”. Về vấn đề này, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã lên tiếng phản ánh. 

Nhạc sĩ Anh Quân, giám khảo cuộc thi Vietnam Idol mùa 5, cũng đồng tình việc các nghệ sĩ trẻ còn “loay hoay” với những lời ca bi thảm, phong cách không đột phá, cóp nhặt đây đó, một phần đến từ việc các bạn chưa biết cách phối hợp làm việc theo ekip. Nhạc sĩ cho biết: “Ở những bài hát nổi tiếng thế giới, không bao giờ có dưới 3 người tham gia sáng tác. Mỗi người một thế mạnh, sản phẩm sẽ tốt hơn. Quan trọng là cho ra đời tác phẩm có chất lượng tốt nhất cả về nhạc lẫn lời”.

Điều này cũng là nhận định của hai producer nổi tiếng của Kpop là Krazy Park và Eddy S Park khi nói về nghệ sĩ Vpop. Có thế mạnh ở tuổi trẻ, nhiệt huyết, và khả năng bắt kịp xu hướng nhanh, điểm yếu lớn nhất của Vpop là: những nghệ sĩ trẻ còn “hoạt động theo cá nhân”. “Ở Việt Nam, hệ thống vận hành còn đơn điệu, các ca sĩ trẻ có thể học nhanh nhưng sẽ thiếu độ sâu do không có sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ một ekip. Vì thế, nỗi sợ thất bại lớn hơn, các bạn trẻ e dè không dám thử thách ở lĩnh vực mới hay làm những việc khác người”, hai nhà sản xuất xứ Hàn chia sẻ.

Nói về một “điểm gãy” khác trong nền âm nhạc Việt, đó chính là sự “xa cách” giữa hai mô hình nổi tiếng “kiểu thần tượng – Idol” và “kiểu nghệ sĩ”. Theo nhạc sĩ Anh Quân, hai mô hình này đều phổ biến trên thế giới, nhưng họ tương tác với nhau, đối lập nhưng không đối đầu. Họ giằng co với nhau trong âm nhạc, cốt để phát triển song song. Ca sĩ Idol luôn tìm chất liệu từ giới nghệ sĩ để sáng tạo. Nghệ sĩ cũng học ở Idol cách đạt hiệu ứng tốt nhất về mặt khán giả. Đáng tiếc, điều này chưa nhiều ở Việt Nam.

Thách thức lớn của nhạc Việt là luôn bị ảnh hưởng từ nước ngoài, từ nhạc Hồng Kông, nhạc Hoa lời Việt, rồi nhạc Mỹ, nhạc Hàn, Nhật. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, giám khảo cuộc thi Sing my song, cho rằng: “Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, những ca sĩ như Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Mỹ Linh và đặc biệt là những nhạc sĩ như Dương Thụ, Thanh Tùng, Trần Tiến đã thành công đẩy lùi nhạc Hoa lời Việt.” Hiện nay, lớp trẻ sẽ phải đi tìm “tiếng nói riêng của âm nhạc Việt” để vượt qua ảnh hưởng của nhạc Hàn. Vì vậy, rất cần “những người trẻ giỏi nghề, có kỹ thuật, cập nhật tốt về công nghệ và lại rất Việt” kết hợp với sự dẫn dắt có tâm của những lớp nghệ sĩ đi trước.

Mặc dù không thể phủ nhận nghệ sĩ Việt đã biết cách tham chiếu từ những nền công nghiệp giải trí thành công như Trung, Nhật, Hàn, Mỹ, để áp dụng cho thị trường giải trí nước nhà. Câu hỏi lớn nhất là áp dụng như thế nào cho phù hợp,  để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khán giả, để bù lấp được khoảng trống chuyên môn của người nghệ sĩ mà không đánh mất bản sắc văn hóa riêng.

Tóm lại, thị trường nhạc Việt hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Chúng ta luôn có những nhân tố tốt, nhưng phải chăng chưa tìm ra cái riêng và có một chiến lược tổng thể để thể loại âm nhạc chất lượng, thuần Việt có thể thuyết phục được khán giả trong và ngoài nước?