Dùng 'quyền khán giả' để cứu nghệ thuật Việt

(PLO) - Trong ngành giải trí, nói đến nhân vật có quyền lực nhất, không phải các “sao” hạng A, diva hay “nữ hoàng”, “ông hoàng” giải trí mà chính là khán giả, những người có quyền quyết định tối cao cho số phận của các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật. Tiếc rằng, cái quyền ấy vẫn còn ít khi được sử dụng một cách hợp lý.
Bộ phim Song Lang được khán giả sử dụng “quyền” để kéo dài ngày công chiếu.
Bộ phim Song Lang được khán giả sử dụng “quyền” để kéo dài ngày công chiếu.

Chiến dịch “cho thêm một tuần nữa” 

Công chiếu chưa đầy một tháng, bộ phim điện ảnh về nghệ thuật cải lương được giới chuyên môn đánh giá tốt là Song Lang đã được thông báo sẽ rút sớm khỏi các cụm rạp vì lý do “ế vé”. Nhà sản xuất không công bố doanh thu cho phim, nhưng chỉ nhìn vào phản hồi của khán giả sau các suất chiếu là đủ thấy tình hình “thê thảm” cỡ nào: có suất chỉ ba bốn khán giả, có suất lèo tèo chục người, có suất phải ngừng chiếu vì không có khách.

Những con số này đặt bên cạnh những bộ phim Việt công chiếu cùng thời điểm với sự góp mặt của “sao phòng vé” như Chàng vợ của em, Hoán đổi... với doanh thu chục tỉ, rạp đông nghẹt, quả là xót xa cho một bộ phim nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu và mong muốn được tạo một hướng đi mới như Song Lang.

Trước quyết định dừng công chiếu của các cụm rạp, một nhóm khán giả điện ảnh tâm huyết với bộ phim đã sử dụng “quyền khán giả” của mình, phát động chiến dịch “Cho Song Lang thêm một tuần nữa”, nhằm giúp bộ phim không bị “chết yểu”, tạo điều kiện cho nhiều khán giả được thưởng thức phim.

Chiến dịch này lan rộng trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của người yêu điện ảnh và đem đến kết quả khả quan: bộ phim không bị gỡ khỏi các cụm rạp, được kéo dài lịch công chiếu, đến thời điểm này vẫn “trụ rạp”. Một kết quả đáng vui hơn là nhờ chiến dịch này, dư luận quan tâm hơn đến bộ phim, nhiều người bị thuyết phục bởi chiến dịch, hoặc tò mò cũng đã đến rạp xem phim. Nhiều buổi chiếu tại Hà Nội đã “cháy vé”.

Thực ra, đây không phải lần đầu khán giả dùng đến “quyền” của mình để cứu phim. Trước đó, bộ phim Tấm Cám sau khi nhà sản xuất có xích mích với cụm rạp CGV và không được công chiếu tại rạp lớn nhất nước này, phim có nguy cơ “thất thu”, khán giả cũng đã dùng quyền của mình để bày tỏ sự ủng hộ với phim. Kết quả bộ phim đã đạt con số doanh thu khá ấn tượng giúp nhà sản xuất không bị “ngã ngựa”. 

Khi công chiếu trùng thời điểm với phim “bom tấn” Hollywood Avenge, bộ phim Lật mặt của Lý Hải và 100 ngày bên em của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng có nguy cơ “chết yểu”, các nhà sản xuất đã kêu gọi khán giả ủng hộ phim Việt nhằm để các bộ phim được đầu tư nghiêm túc này không lỗ thê thảm. Nhờ sự ủng hộ của khán giả, hai bộ phim đã vượt qua được thời điểm khó khăn.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt cũng thường là đối tượng được khán giả dùng “quyền” để ủng hộ. Nhiều khán giả, nhiều cây bút phê bình phim có tiếng nói cũng luôn dành sự ưu ái khi đánh giá về phim Việt và khuyến khích khán giả đến rạp.

Dẫu biết rằng phim Việt vẫn chưa thể hoàn thiện, chưa sánh bằng các nước trong khu vực, nhưng việc khán giả dùng “quyền” của mình để bày tỏ sự khuyến khích, ủng hộ đối với phim Việt là hành động rất tích cực, chính là sự đồng hành, tiếp sức cho phim Việt ngày càng phát triển, đi lên.

Khán giả còn thờ ơ với “quyền” của mình

“Quyền khán giả” cũng đã được sử dụng ở nhiều lĩnh vực giải trí khác. Năm 2017, chương trình gameshow Siêu sao đoán chữ đã bị khán giả tẩy chay, đòi ngưng phát sóng sau sự việc nữ ca sĩ chuyển giới Hương Giang bất kính với nghệ sĩ lão làng Trung Dân, nhưng sau khi nghệ sĩ Trung Dân phản ứng, nhà sản xuất lại cắt chương trình của ông vì lý do đã kí hợp đồng với Hương Giang rồi.

Làn sóng phản ứng của khán giả đã khiến chương trình gặp khủng hoảng, Hương Giang phải cúi đầu xin lỗi. Một trường hợp khác, diễn viên hài Minh Béo giờ đây đã không còn đường quay lại làng giải trí vì khán giả đồng loạt tẩy chay sau khi xảy ra sự việc ấu dâm.

Chuyện xảy ra gần đây là chuyện Phạm Anh Khoa, trước áp lực từ khán giả, nam ca sĩ này đã phải cúi đầu nhận lỗi trước vũ công phạm Lịch và các nữ đồng nghiệp vì hành vi quấy rối mà anh ta đã gây ra, dù trước đó kiên quyết phủ nhận, đòi kiện ngược người tố cáo. Sau sự việc, đến nay Anh Khoa vẫn khó trở lại với khán giả khi đã bị quay lưng.

Có thể thấy, mỗi lần sử dụng đúng đắn quyền của mình, khán giả lại đem đến kết quả tích cực cho thị trường giải trí. Chỉ tiếc là “quyền” này còn chưa được phát huy nhiều cho lắm. Đơn cử, nhiều chương trình truyền hình thực tế nhảm nhí, mang tính câu khách rẻ tiền, thậm chí phản giáo dục vẫn được phát sóng trên các kênh truyền hình trung ương lẫn địa phương, tồn tại lâu nhưng chưa vấp phải phản ứng nhiều từ phía người xem, và còn người xem thì nhà sản xuất còn đẩy mạnh khai thác triệt để chương trình.

Nhiều trường hợp sao chép ý tưởng, “ăn cắp” chất xám trong làng nhạc, làng phim, hoặc bất tài, chỉ giỏi dùng chiêu trò để nổi tiếng... vẫn tồn tại nhiều năm trong làng giải trí và vẫn có chỗ đứng nhất định vì một số khán giả vẫn tiếp nhận họ, đó là nhiều trường hợp mà “quyền khán giả” chưa chạm tới được.

Khán giả đang cầm trên tay một thanh “bảo kiếm” giúp họ có quyền lực đủ để khiến thị trường giải trí trở nên sạch sẽ, chất lượng hơn, hy vọng rằng, càng về sau, thanh bảo kiếm ấy càng được phát huy đúng nghĩa.

Đọc thêm