Loạn danh hiệu nhan sắc - vì sao biết ảo vẫn lao vào?

(PLVN) - Trong những năm qua, mặc dù chịu không ít sự chỉ trích, nhưng các cuộc thi nhan sắc vẫn rầm rộ nổ ra với những cái tên rất kêu, ngược lại với chất lượng ngày càng đi xuống, tiêu chí lựa chọn dễ dãi...
Nữ hoàng và Nam vương đăng quang một cuộc thi nhan sắc.
Nữ hoàng và Nam vương đăng quang một cuộc thi nhan sắc.

Các cuộc thi "thùng rỗng kêu to"

Doanh nhân toàn năng châu Á là tên một cuộc thi vừa mới diễn ra, địa điểm tổ chức trao giải tại Singapore. Bên cạnh cái tên nghe đầy hoành tráng này, thí sinh tham gia cuộc thi còn có thể được bầu chọn vào những danh sách nghe rất hiển hách như Lãnh đạo toàn năng châu Á. Đáng nói là, những cái tên có vẻ rất quy mô, tầm quốc tế nhưng hầu hết thí sinh đoạt giải là người Việt, không được biết đến nhiều tại Việt Nam.

Cùng thời điểm này, một cuộc thi nhan sắc doanh nhân khác cùng vừa diễn ra tại Hàn Quốc với cái tên đầy sang chảnh là Nữ hoàng và Nam vương Doanh nhân châu Á. Nghe cũng tầm quy mô châu lục, thế nhưng thí sinh dự giải cũng hầu như là người Việt, đồng thời hai ngôi vị Nữ hoàng và Nam vương cũng đều là những doanh nhân Việt không mấy tên tuổi.

Thế nhưng, cuộc thi đã có màn PR khá rầm rộ khi cho một "đội quân fan hâm mộ" hàng trăm người ra chào đón nữ hoàng và nam vương với băng rôn, biểu ngữ làm náo loạn cả sân bay Tân Sơn Nhất.

Thời gian này, cư dân mạng cũng đang ồn ào với danh hiệu Nữ hoàng Văn hóa tâm linh từ một cuộc thi chưa rõ tung tích và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cũng khẳng định chưa hề cấp phép cho cuộc thi nào có danh hiệu thế này. Đáng nói, sau khi đăng quang, Nữ hoàng văn hóa tâm linh còn sắp đảm nhận vị trí Phó ban phát triển thương hiệu và chống hàng giả, một cái ban cũng... lạ hoắc với người tiêu dùng.

Chiêu trò PR?

Những năm vừa qua, các cuộc thi nhan sắc gán mác quốc tế xuất hiện rầm rộ. Nào là Hoa hậu Du lịch sinh thái thế giới, Hoa hậu người Việt Hoàn cầu, Hoa hậu thế giới doanh nhân... Nói là tầm quốc tế, nhưng dường như nó được sinh ra cho nhan sắc Việt, bởi toàn thấy người đẹp Việt tham gia và người đoạt giải cũng toàn người Việt.

Có trường hợp, cuộc thi chỉ sinh ra để dành riêng cho một công ty đào tạo người mẫu, như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2011 tổ chức ở Mỹ, đoạt giải Hoa hậu và Á hậu 1, 2 đều là người mẫu thuộc Công ty Venus của ông bầu Vũ Khắc Tiệp. Đồng thời, đây cũng là một cuộc thi thường lùm xùm tai tiếng mua giải.

Chỉ cần nhìn vào thí sinh đoạt vương miện cũng có thể đánh giá được chất lượng các cuộc thi này ở tầm quốc tế hay chỉ là ao làng: Thư Dung, Á hậu cuộc thi Hoa hậu Du lịch sinh thái thế giới tai tiếng vì ảnh khoe thân và nghi án bán dâm; Ngọc Trinh, Quế Vân, Hoa hậu các cuộc thi Hoa hậu người Việt Hoàn cầu tài năng thì ít mà thị phi thì nhiều... 

Cạnh đó, các danh xưng hoa hậu, nữ hoàng thuộc các cuộc thi nhan sắc Doanh nhân có vẻ quốc tế hầu như vô danh với giới doanh nhân trong nước, thậm chí có người hôm trước đoạt hoa hậu, hôm sau bị bắt vì nhập khẩu hàng lậu, bán kem trộn, mỹ phẩm giả... Bao nhiêu năm nay, nghi án mua bán giải thưởng cũng luôn lẩn quẩn quanh làng nhan sắc là vì thế.

Thậm chí, không ít người trong cuộc lên tiếng kiện cáo, vạch mặt, đưa ra những cái giá tỉ nay tỉ nọ cho các danh hiệu. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Như trường hợp Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh. Khi cô này đăng quang với gương mặt khá biến dạng và ứng xử kì quặc, thông tin về việc mua danh hiệu đã rầm rộ lên.

Thậm chí Cục Nghệ Thuật biệt diễn có công văn thu hồi danh hiệu. Thế nhưng, cơ quan quản lý nói gì thì nói, phía đơn vị tổ chức cuộc thi không chấp hành vẫn không chấp hành, sau đó tiếp tục đưa Lê Âu Ngân Anh đi tham gia các cuộc thi tại nước ngoài dù không được cấp phép. Nhiều người cũng ngầm hiểu, tiền trao thì cháo múc, đâu thể nói thu hồi là thu hồi được một khi thỏa thuận đã diễn ra...

Về nguyên nhân của những cuộc thi “thùng rỗng kêu to” mọc lên như nấm, ai cũng hiểu đây là câu chuyện "nhu cầu đôi bên". Ban tổ chức giải muốn có tiền, còn nhiều người đẹp muốn có giải. Giải thưởng, vương miện chính là tấm áo khoác lộng lẫy họ khoác lên người để đạt được nhiều mục đích khác. Còn với giới doanh nhân làng nhàng, số tiền có được giải thưởng chẳng qua là một chiêu trò PR, đánh bóng hình ảnh để dễ bề làm ăn.

Chính vì những cuộc thi, những danh hiệu như thế, vương miện hoa hậu, cuộc thi nhan sắc ngày càng rẻ rúng trong mắt công chúng. Có những người đạt vương miện và tổ chức quảng bá rầm rộ, nhưng công chúng thì chưa bao giờ chấp nhận, hoặc đơn giản là không hề để tâm.

Bao nhiêu giải thưởng hoa hậu, nữ hoàng doanh nhân, công chúng có hề nhớ nổi là ai. Hay Ngọc Trinh, Quế Vân, giờ đây, ai còn nhớ họ từng là Hoa hậu trong một cuộc thi làng nhàng mang danh quốc tế nào đó?