'Nữ hoàng Trang sức 2019' bỏ phần thi bikini: 'Phép thử' đo thị hiếu?

(PLVN) - “Nữ hoàng trang sức Việt Nam” 2019 là cuộc thi sắc đẹp lần đầu tiên không tổ chức phần thi áo tắm trên sân khấu trực tiếp mà chỉ cho các thí sinh trình diễn ngoài biển và ghi hình lại, chiếu trên sóng truyền hình trong đêm chung kết.
Top 3 cuộc thi Người mẫu Nữ hoàng trang sức Việt Nam 2017.
Top 3 cuộc thi Người mẫu Nữ hoàng trang sức Việt Nam 2017.

Không trình diễn bikini trên sân khấu

“Nữ hoàng trang sức Việt Nam” là cuộc thi “hai trong một”, vừa tôn vinh vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy của người phụ nữ Việt Nam, vừa gắn với những bộ trang sức tinh xảo, độc đáo, ấn tượng do các nghệ nhân của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam chế tác. Đặc biệt, mùa giải năm nay, “Nữ hoàng Trang sức Việt Nam” có nhiều nét mới.

TS. Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi “Nữ hoàng trang sức Việt Nam” đã chia sẻ nhiều nét độc đáo trong mùa giải năm nay.

Theo đó, “Nữ hoàng trang sức Việt Nam” là cuộc thi sắc đẹp lần đầu tiên  không tổ chức phần thi áo tắm trên sân khấu trực tiếp mà chỉ cho các thí sinh trình diễn ngoài biển và ghi hình lại, chiếu trên sóng truyền hình trong đêm chung kết.

 "Không thi trình diễn bikini trên sân khấu là xu hướng chung mà các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới đang hướng tới. Các nhà quản lý văn hóa Việt Nam cũng gợi ý chúng tôi nên đi theo xu hướng này. Vì vậy, chúng tôi quyết định trở thành đơn vị đầu tiên từ bỏ truyền thống thi trình diễn áo tắm trên sân khấu đêm chung kết" - ông Lê Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Giải thích về điều này, ông Lê Ngọc Dũng cho biết, mặc dù không có phần trình diễn áo tắm trên sân khấu đêm chung kết nhưng các thí sinh vẫn có phần trình diễn áo tắm ở bãi biển và buổi trình diễn này được ghi hình phát trong đêm chung kết để "thỏa mãn được nhu cầu được ngắm nhìn hình thể của các thí sinh của khán giả".

Bên cạnh đấy, bà Hà Chi - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cũng cho biết, điều được chú ý tại cuộc thi năm nay chính là tiêu chí vẻ đẹp hoàn mỹ, tự nhiên, không qua phẫu thuật. “Vẻ đẹp hoàn mỹ, đẹp tự nhiên thì tất nhiên bọc răng và tiêm chất làm đầy hoàn toàn không được. Chúng tôi trong kỳ thi lần này không chấp nhận bất cứ một hình thức chỉnh sửa nào hết” - bà Hà Chi khẳng định.

Vòng sơ tuyển cuộc thi sẽ diễn ra tại các tỉnh thành: Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Huế, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Kiên Giang… từ nay đến ngày 5/9/2019.

Vòng bán kết cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 14/9 tại TP HCM với sự tranh tài của 70 thí sinh được chọn từ vòng sơ khảo. Kết thúc vòng bán kết, 30 thí sinh chính thức và dự kiến 6 thí sinh dự khuyết sẽ được tham dự vòng chung kết tại Phú Quốc (Kiên Giang) vào đêm 19/10/2019.

Xu hướng mới cho các cuộc thi sắc đẹp?

Cách đây một năm, ngày 5/6/2018, Tổ chức Hoa hậu Mỹ (Miss America, phân biệt với cuộc thi khác là Miss USA) quyết định bỏ phần thi áo tắm, vốn là phần thi bị chỉ trích lâu nay tại sân chơi này. Quyết định trên nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt một truyền thống lâu năm nhưng cũng bị chỉ trích dữ dội tại đấu trường sắc đẹp. 

Trước đó, các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam đều có phần thi bikini. Đây cũng là phần thi truyền thống của các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới. Theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam thì chưa có quy định nào hạn chế thi bikini mà do Ban tổ chức các cuộc thi tùy vào tiêu chí, thể lệ của từng cuộc thi để có quy định cụ thể. Sau khi Mỹ bỏ phần thi áo tắm, Việt Nam đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra của dư luận, truyền thông khi bàn về việc nên bỏ hay tiếp tục phần thi áo tắm sân khấu trong các cuộc thi sắc đẹp. 

Có người cho rằng, không nhất thiết phải bỏ phần thi bikini, bởi vì thi hoa hậu trước hết thi về cái đẹp, đó là vẻ đẹp hình thể. Vẻ đẹp hình thể muốn thẩm định một cách chuẩn mực phải có phần thi bikini. Á hậu Nguyễn Thị Loan cho rằng xét về chuyên môn, đây là một trong những phần thi quan trọng để làm tiêu chí chấm điểm thí sinh. Đã là các cuộc thi nhan sắc thì trước tiên phải cho người ta thấy vẻ đẹp có thể nhìn bằng mắt thường, sau đấy mới là vẻ đẹp của trí tuệ, tâm hồn - những thứ khó nhìn thấy hơn.

Còn Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân thì ủng hộ việc bỏ đi phần thi áo tắm. Theo Ngọc Hân, các thí sinh đã trải qua vòng đo nhân trắc học với các nữ chuyên gia hàng đầu trong phòng kín. Phần thi này thường diễn ra ngay trong ngày sơ khảo của các cuộc thi hoa hậu và những số đo về hình thể của họ Ban tổ chức đều đã nắm được. 

Có chuyên gia văn hóa cho rằng, từ xưa tới nay, “Dung” của người phụ nữ được công nhận không phải bằng cách bắt cô gái phải gần như cởi sạch đồ trên cơ thể mới có thể đánh giá được. Mà “Dung” là ý chỉ người phụ nữ có dáng người hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân. Nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng đề cao sự biết tự chăm sóc và rèn luyện bản thân để có dung mạo khỏe mạnh, cân đối của các cuộc thi hoa hậu ngày nay.

Nhưng hoàn toàn không phải bằng việc phô bày thân thể. Bởi vì, quan điểm bỏ phần thi thiên về phô trương hình thể để tập trung đánh giá vẻ đẹp tâm hồn của phụ nữ là một yếu tố tích cực. Việc bỏ màn thi áo tắm đồng nghĩa với việc đề cao nhân phẩm của người phụ nữ trong các cuộc thi hoa hậu là điều nên làm.

Có thể thấy, việc tranh cãi nên hay không bỏ phần thi bikini trên sân khấu tại các cuộc thi sắc đẹp vẫn khó thể có hồi kết. Và, Ban tổ chức “Nữ hoàng Trang sức 2019” khá dũng cảm khi làm một “phép thử” đo thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả yêu cái đẹp, yêu những cuộc thi sắc đẹp Việt. 

Đọc thêm