Vụ tham nhũng lớn nhất nước Mỹ có cơ hội đạt giải Oscar?

(PLO) - Dựa trên vụ án tham nhũng lớn nhất lịch sử nước Mỹ, bộ phim Săn tiền kiểu Mỹ (American Hustle) đang là một trong hai ứng viên nặng ký nhất cho giải Oscar 2014. 
Mel Weinberg vào những năm 1980, trong vai Hoàng thân Karim Abdul Rahman
Mel Weinberg vào những năm 1980, trong vai Hoàng thân Karim Abdul Rahman
Mồi nhử
Là một vụ án chống tham nhũng lớn trong lịch sử nước Mỹ, Abscam đã tạo cảm hứng cho các nhà làm phim Săn tiền kiểu Mỹ. Từ khi lập quốc cho đến năm 1970, chỉ có 10 nghị sĩ Quốc hội liên bang Mỹ bị án tù về tội nhận hối lộ, nhưng chỉ riêng trong các phiên tòa xét xử vụ Abscam đã có 6 nghị sĩ (bao gồm một thượng nghị sĩ và 6 hạ nghị sĩ) lãnh án tù. 
Đây cũng là lần đầu tiên từ đầu thế kỷ 20 -  một thượng nghị sĩ Mỹ phải ngồi nhà đá, và nếu không kịp thời từ chức thì ông ta đã là thượng nghị sĩ đầu tiên bị bãi miễn kể từ sau cuộc Nội chiến giữa thế kỷ 19.
“Chìa khóa” để FBI phá được Abscam là Mel Weinberg, một tay lừa đảo chuyên nghiệp, có thâm niên. Sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái- Thụy Sĩ tại quận Bronx của New York, vào những năm 1970 Weinberg sống bằng cách dụ dỗ người khác ứng chi phí để hắn lo thu xếp cho họ mượn tiền mua nhà sau khi bị ngân hàng từ chối cho vay. 
Trước đó, ông ta từng bán kính mát dởm “sản xuất tại Ý” cho kiều dân Ý tại New York để kiếm tiền nuôi vợ, ba con và bao bồ nhí. 
“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, năm 1977 Weinberg bị bắt tại Pennsylvania. Một tay môi giới bất động sản đã đưa cho ông ta 3.500 USD để chờ nhận khoản vay 2 triệu USD. Tuy nhiên, trước khi Weinberg kịp đánh bài chuồn như mọi lần khác, nạn nhân đã kịp thời báo FBI. Ngay trước khi ra tòa, Weinberg bất ngờ đề nghị được hợp tác với FBI.
“Buồn ngủ gặp chiếu manh”, lúc này FBI nhận được tin rằng Angelo Errichetti, Thị trưởng thành phố nhỏ Camden thuộc bang New Jersey, đang tìm cách tiếp cận với các các chính trị  gia và tội phạm có tổ chức. FBI cho Weinberg giả làm một vị hoàng thân có tên Karim Abdul Rahman đến từ thế giới “Ngàn lẻ một đêm” và mở công ty Abdul Enterprises, Ltd.. Công ty này có nhiệm vụ làm “mồi nhử” các chính trị gia tham nhũng.
Mẻ lưới đầu tiên của FBI được nhằm vào Angelo Errichetti, người mà Weinberg sẽ tìm cách tiếp cận với đề nghị được mở sòng bạc và khách sạn. Trước cuộc gặp với Errichetti, Weinberg đề nghị FBI xuất tiền mua một con dao găm cổ để tặng ông thị trưởng – một cách “bày tỏ tình bạn theo kiểu Arab”. Sau nhiều ngày lùng sục ở các chợ  trời ở tận Hy Lạp, Weinberg đã cầm sẵn con dao quý. 
Máy quay bí mật của FBI cho thấy trong cuộc gặp gỡ vào trao quà giữa Weinberg và Errichetti. Ông thị trưởng đã chấp nhận bớt 25.000 USD cho khoản phí 400.000 USD liên quan tới các dự án mà Abdul Enterprises đang quan tâm ở New Jersey. Sau khi có quà, “Errichetti đề nghị với chúng tôi mọi thứ. Ông ta bảo sẽ chẳng có khu nghỉ dưỡng nào nhận được giấy phép trừ phi ông ấy OK”, Weinberg kể. 
Sau này Errichetti lãnh án 32 tháng tù vì tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, trước đó ông ta đã kịp giới thiệu Weinberg với 6 hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ và kết cục là cả bảy vị đều ăn cơm tù. 
Những viên đạn bọc đường
“Con cá to” nhất trong vụ Abscam là thượng nghị sĩ Pete Williams – người có thời được mệnh danh là “nghị sĩ suốt đời” vì ông ta là hạ nghị sĩ của bang New Jersey khóa 1953-1957 và sau đó là thượng nghĩ sĩ của bang này  trong thời gian 1959-1982. Ông Pete Williams bị cáo buộc 9 tội nhưng được trắng án 8 tội. Hôm 1/5/1981, sau 28 giờ thảo luận đoàn bồi thẩm kết luận ông nhận hối lộ để qua văn phòng của mình hỗ trợ cho chuyện làm ăn.  
Các băng ghi hình lưu lại được các cuộc thảo luận giữa “Hoàng thân” Abdul Rahman với vị thượng nghị sĩ gạo cội về một thỏa thuận trong đó thông qua luật sư của mình ông sẽ được hưởng 18% cổ phần của một công ty khai mỏ titan ở bang Virgina do việc dùng ảnh hưởng để can thiệp việc chính phủ bao tiêu sản phẩm của mỏ này. Còn ông chủ của Abdul Enterprises thì hứa sẽ đầu tư 100 triệu USD vào mỏ và nhà máy sàng lọc quặng để biến khu mỏ bỏ hoang này thành “mỏ vàng”.
Tại tòa, các luật sư ông Pete Williams cho rằng thân chủ của họ bị “trả thù” do ông Williams ủng hộ ứng cử viên Ted Kennedy và phản đối ứng cử viên Jimmy Carter (người sau này sẽ trở thành Tổng thống Mỹ) trong cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các bồi thẩm đã không chấp nhận ý kiến này và tuyên phạt ông  Pete Williams 3 năm tù. Sau này ông chống án với lý do các nhân chứng thiên vị và ông bị FBI gài bẫy trái luật nhưng không kết quả. 
Được thả sau khi thi hành 2/3 án, ông Williams luôn khẳng định mình vô tội và từng đề nghị Tổng thống Bill Clinton ân xá nhưng bị từ chối. Cho đến nay, vẫn có luồng ý kiến cho rằng ông William bị oan. 
Tờ New Yorker trong số ra tháng 6/2012 dẫn lời của chuyên gia ngôn ngữ Roger Shuy – người được coi là cha đẻ của ngành ngôn ngữ học tội phạm – cho rằng  vị thượng nghị sĩ bị oan. Theo phân tích của ông Shuy, khẩu hình của ông Williams khi thốt ra 4 từ đầu tiên để trả lời đề nghị “Tôi mong được biếu ông ít tiền để có nơi ở thường xuyên” của nhân viên FBI giả trang là “Không, không, không, không”. 
Mel Weinberg khi về già
Mel Weinberg khi về già 
Một  hạ nghị sĩ Dân chủ gạo cội khác cũng gục ngã vì viên đạn bọc đường của FBI là Frank Thomson. Ông này bị băng ghi hình của FBI tố cáo là đã nhận 45.000 USD hối lộ vào cuối năm 1979 từ tay “ông chủ”. Trong đoạn băng này, ông Thomson khoe khoang rằng với ảnh hưởng 23 năm giữ ghế hạ nghị sĩ, ông có thể tác động tới vị tân chủ tịch của Ủy ban kiểm soát Sòng bạc của bang New Jersey nhằm giúp các “người  bạn Arab” giành được giấy phép mở sòng bạc tại Atlanta City. 
Ban đầu, ông Thompson chối tất, và cho rằng ông nhận lời gặp vị “Hoàng thân” nọ là vì mong muốn có thêm công ăn việc làm cho người dân và tỏ ra thách thức FBI bằng quyết định ra tái tranh cử ghế hạ nghị sĩ. Nhiều người vẫn cho rằng ông bị FBI gài bẫy trái phép. Bản thân ông bỏ ra 24.000 USD cho một chiến dịch chống lại những cáo buộc, tuy nhiên các chứng cứ đã khiến ban bồi thẩm tuyên bố ông có tội và xử phạt ông 3 năm tù. Dĩ nhiên là tham vọng tiếp tục giữ ghế nghị sĩ của ông Thompson tiêu tan. 
Nhân vật “thành thật” nhất trong vụ Abscam là hạ nghị sĩ Michael "Ozzie" Myers. Bị báo chí cật vấn khi ra tòa hồi năm 1981, ông này tuyên bố lý do nhận hối lộ là vì mình nghèo : “Tôi nhận tiền là vì tôi thích tiền. Tôi thấy mình không làm gì sai trái và nếu có ai đề nghị tôi 25.000 USD ngay tối nay thì tôi sẽ nhận liền”. 
Vị hạ nghị sĩ xuất thân là công nhân bốc xếp bến cảng và từng đấm vỡ mặt một kẻ mà ông ta cho là không cung kính đúng mực với một nghị sĩ, bị án 3 năm tù về tội nhận  hối lộ 50.000 USD từ tay “người bạn Arab”. Trước đó, ông Myers đã bị bãi miễn ghế hạ nghị sĩ và mang tiếng là hạ nghị sĩ Mỹ đầu tiên bị phế truất kể từ năm 1861. 
Tuy nhiên, vụ Abscam làm cho một số chính trị gia trở nên thanh thế hơn, chẳng hạn thượng nghị sĩ Larry Pressler. Ông này thậm chí được coi là “anh hùng” khi trả lời đề nghị biếu tiền rằng : “Khoan đã, ông đang đề nghị tôi một việc phi pháp đấy”. Ông không hứa gì về việc “hỗ trợ” cho hai người Arab xin nhập cư để đổi lấy 50.000 USD và báo ngay thông tin cho FBI. Sau này, khi người dẫn chương trình truyền hình Walter Cronkite khen ông ta là “anh hùng”, Larry Pressler đáp : “Tôi không nghĩ mình là anh hùng... Chúng ta sẽ ra sao nếu cho việc từ chối hối lộ là anh hùng?”. Sau 18 năm giữ ghế ở thượng viện, Larry Pressler thất cử năm 1996, nhưng đang có ý định ra tranh cử lại vào năm 2014 khi ở vào tuổi ... 71.
Tuy là một chiến dịch thành công, dùng 400.000 USD để dụ hối lộ và tìm ra nhiều nhân vật cao cấp “dính chàm” nhưng FBI cũng bị nhiều chỉ trích về việc “nhử mồi”, nhất là việc sử dụng một người có quá khứ quá “dày án” như Weinberg. 
Cũng vì thế ngay khi chiến dịch Abscam chấm dứt, đầu năm 1981 Bộ Tư pháp Mỹ đã phải ban bố ngay Hướng dẫn về các chiến dịch cài bẫy. Đây là bản hướng dẫn đầu tiên chính thức quy định thủ tục để thực hiện một chiến dịch tương tự. Cho đến năm 2001, đã có thêm 3 hướng dẫn khác bổ sung cho các thủ tục này. 
Riêng về phần Weinberg, ông ta không phiền hà gì về chuyện tiền nong, FBI trả lương cho ông, mua được nhà mà chẳng cần vay nợ. Gần đây nhất, ông còn thu được 250.000 USD sau khi bán bàn quyền chuyện đời mình cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, vợ của Weinberg sau khi ly dị chồng đã treo cổ tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh “Tội lỗi của tôi là muốn yêu và được yêu chứ chẳng có gì khác”. Mặc dù luật sư của bà không tin thân chủ của mình tự sát, nhưng FBI vẫn bỏ qua ý kiến này. 

Đọc thêm