Xướng ca vô loài và những trò mua danh bẩn

(PLO)   Showbiz - một thế giới mà nhiều người ao ước tiến thân bằng mọi giá, kể cả sự dơ bẩn nhất, đó là thế giới được che đậy bằng sân khấu rực rỡ, tung hô, nhưng “khi cánh màn nhung" khép lại, đó là thế giới thực dụng với những trò mua danh 'bẩn' được phơi bày khốc liệt.
Chuyện 'pr bẩn' trong giới giải trí bây giờ quá bình thường.
Chuyện 'pr bẩn' trong giới giải trí bây giờ quá bình thường.

Mới đây, câu chuyện giữa học trò của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là Phan Ngọc Luân đã cho ta thấy thế giới ca hát bây giờ nó quá “chợ búa” và những sự đánh đổi danh vọng đến khủng khiếp. Những giá trị nghệ thuật, cống hiến, học tập, hi sinh, đã chìm khuất và dành chỗ cho sự hào nhoáng giả tạo, một thứ phồn hoa chóng tàn sau những cuộc mua vui.

Phan Ngọc Luân là ai? Chả ai biết anh ta, một giọng ca tầm thường, hát những bài tầm thường, và con đường để anh ta tiến thân là nương tựa vào bóng dáng của những người thành công. Đàm Vĩnh Hưng là thứ để anh ta bấu víu.

Ở Đàm Vĩnh Hưng có những thứ Phan Ngọc Luân cần. Một giọng ca đang được mến mộ, âm nhạc bình dân thu hút số đông công chúng. Ở Đàm Vĩnh Hưng có quyền lực có thể đẩy một ca sĩ bình dân như Phan Ngọc Luân thành một giọng hát đáng chú ý trong cộng đồng.

Từng là học trò của Đàm Vĩnh Hưng trong cuộc thi The Voice, Phan Ngọc Luận đã không ngại ngần tung thông tin từng ái ân với Đàm Vĩnh Hưng và dĩ nhiên thông tin đó thành một chủ đề hot được tìm kiếm, bài hát mới của Luân cũng sẽ đồng hành được công chúng nghe xem nó ra sao?

Một kiểu 'pr bẩn' đang thịnh hành trong giới giải trí, một thứ bất chấp “nhục mặt” để vươn lên bằng mọi giá. Một thứ mà từ lâu trong giới ca hát đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Một thứ mà công chúng vừa kỳ thị nhưng cũng do  sự tò  mò, hiếu kỳ mà vô tình chấp nhận, thậm chí cổ vũ.

Vì sao vậy? Lỗi đầu tiên phải thuộc về công chúng, công chúng thưởng thức văn nghệ bây giờ quá dễ dãi. Họ đắm chìm trong ngôn tình, trong những câu chuyện yêu đương mộng tưởng, giả tạo. Một bộ phận đa số công chúng đi theo xu hướng của vẻ bóng bẩy, hào nhoáng, dễ dãi, không thích những thứ quá sâu sắc, những thứ mà muốn thấy cái hay cái đẹp của nó phải nhức nhối tâm can.

Tiểu thuyết ngôn tình lên ngôi, ca khúc yêu đương hờn giận lên ngôi. Có nhà phê bình văn nghệ nào đặt câu hỏi về giá trị các tác phẩm đó không? Có thực sự họ đang yêu để viết nên những tác phẩm đó hay là thứ “cảm xúc giả tạo”, “cảm xúc thời thượng”.

Chúng ta đang nghe và xem gì? Có bao giờ tự bản thân công chúng tự đặt câu hỏi cho nhu cầu của mình? Phải chăng chúng ta quá dễ dãi trong nhu cầu thưởng thức văn nghệ khi coi những chuyện pr bẩn của giới giải trí là chuyện bình thường và vẫn chào đón họ ở sân khấu.

Ca hát bây giờ là thời thượng, là thị hiếu và tổng cộng lại là món hàng để bán có giá. Vậy là ok rồi, họ không quan tâm ca khúc đó sống lâu được bao năm, giá trị nghệ thuật sao?

Ví như ca khúc của Sơn Tùng, ra mắt hàng triệu người nghe, chỉ 1 tháng sau nó biến mất và không ai thèm đoái hoài. Nhu cầu giải trí đó đáng báo động hay chấp nhận được khi cách nghe nhạc của chúng ta theo kiểu a dua?.

Nhu cầu nghe nhạc nó thể hiện sự văn minh của tâm hồn con người. Nhìn vào những ca khúc bây giờ đến quá nhanh, nỗi quá khủng khiếp và ra đi trong bẽ bàng để thấy rằng tâm hồn người nghe bây giờ quá hời hợt. Sự sâu sắc, thấm đẫm và cách hiểu âm nhạc đang rất kém cho dù đời sống của cộng đồng đang khá lên.

Những kẻ mua danh như Phan Ngọc Luân hay nhiều người nữa sẽ “sống lâu”, bám víu, nương nhờ trong giới hát hò, vì một điều đơn giản: Công chúng dễ dãi, sự giả dối lên ngôi.

Tại sao khi công chúng sẽ gọi Phan Ngọc Luân là “xướng ca vô loài”, nhưng vẫn chào đón anh ta ở sân khấu, thậm chí tung hô? Vậy thì trò vui này còn kéo dài mãi, kéo theo sự bê tha trong cách giải trí: công chúng cũng như người biểu diễn.

Nên mọi chuyện bây giờ nó chỉ dừng lại mua vui trong một nhu cầu cảm xúc tức thời, nói như cụ Nguyễn Du “chỉ một vài trống canh”. Có lẽ quá lâu nữa chúng ta mới có được một không gian âm nhạc thực thụ./.