Âm mưu sản xuất tiền giả của Hitler trong chiến tranh thế giới thứ 2

(PLO) -Năm 1967, các chuyên gia về đàn ooc-gan đã mở một cây đàn ooc-gan cũ tại nhà thờ San Valentino ở Merano (Ý) để tìm những vết nứt nhằm sửa chữa nó. Thay vì chỉnh sửa đàn, thì các chuyên gia đã tìm thấy khoảng 5 triệu bảng Anh tiền mặt nằm bên trong, và từ đây đã làm hé lộ một chiến dịch tuyệt mật của Đức Quốc xã (ĐQX). 
Trại tập trung Sachsenhausen ở Đức nơi từng diễn ra chiến dịch làm tiền giả quy mô lớn Bernhard của ĐQX
Trại tập trung Sachsenhausen ở Đức nơi từng diễn ra chiến dịch làm tiền giả quy mô lớn Bernhard của ĐQX

Các ngân hàng sau đó đã kiểm tra số tiền và phát hiện, đó là tiền giả - một sản phẩm của thời chiến mà ĐQX muốn dùng để phá hoại nền kinh tế Anh. 

Được đặt tên là “Chiến dịch Bernhard”, ĐQX đã in hàng triệu tờ tiền giấy Anh giả mạo, dựa trên số tiền thu được qua các hoạt động tình báo. Mặc dù “chiến dịch Bernhard” đã kết thúc sau Đại chiến thế giới hai, nhưng các quan chức của quân đội Đồng minh và những người săn lùng kho báu nghiệp dư vẫn thỉnh thoảng tìm ra những tàn tích về trang thiết bị, nhân sự và những món đồ do ĐQX cướp được trong hàng thập niên sau đó. 

Âm mưu làm tiền

“Chiến dịch Bernhard” được lấy từ tên của Bernhard Kruger - thiếu tá SS, người thay mặt cho Văn phòng an ninh của ĐQX (RSHA). Kruger cùng với một thiếu tá SS khác có tên là Alfred Naujocks, đã nhen nhóm ý định về một chiến dịch tiền giả hồi năm 1939. Ban đầu, chỉ huy SS là Heinrich Himmler muốn in các đồng bảng Anh giả để thả bên trên lãnh thổ Anh.

Theo suy nghĩ của Himler, một cơn mưa tiền giả trên đầu dân chúng Anh sẽ làm khuấy động cuộc sống đang túng bấn vì chiến tranh của họ, họ sẽ sớm đưa số tiền giả này vào lưu thông, làm gia tăng lạm pháp và khiến nền kinh tế Anh suy yếu.

Tuy nhiên, năm 1942, ĐQX đã tìm ra một kế sách thực tiễn hơn cho chiến dịch tiền giả hiểm độc của mình. Đó là, RSHA sẽ làm giả các tờ bạc Anh và dùng để mua những tài sản có giá trị thay vì đổ tiền xuống đầu dân Anh. Năm 1943, viên chức SS trong “Chiến dịch Bernhard” bắt đầu nghiên cứu số seri các đồng bảng Anh và mua nguyên vật liệu thô để chuẩn bị sản xuất đại trà tiền giả.

Nhân sự đưa vào “chiến dịch Bernhard” đến từ lực lượng lao động nô lệ vốn là tù nhân Do Thái trong các trại tập trung của ĐQX. Các sĩ quan RSHA chọn ra trong số tù nhân một đội ngũ chuyên gia in ấn, nghệ thuật, in thạch bản và các kỹ năng tương tự. Ông Avraham Sonnenfeld, một trong số 143 tù nhân Do Thái bị ép tham gia vào kế hoạch sản xuất tiền giả, đã kể lại những gì mắt thấy tai nghe trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Mishpacha. Ông Sonnenfeld từng sống ở Hungary vào năm 1944, nơi tên tướng SS-Obersturmbannführer là Adolf Eichmann đã ra lệnh tàn sát dân Do Thái ở Hungary.

ĐQX đã trục xuất Sonnenfeld, gia đình ông và khoảng 424.000 người Do Thái Hungary đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau như là một phần của kế hoạch diệt chủng. Gia đình ông Sonnenfeld từng làm chủ một doanh nghiệp in ấn ở Hungary. Sự tiếp xúc có hạn của Sonnenfeld với các loại máy móc in ấn khi còn nhỏ đã cứu sống ông khi các sĩ quan của “Chiến dịch Bernhard” đến trại Auschwitz nhằm tuyển thợ có tay nghề nhằm phục vụ cho mưu đồ của chúng.

Sonnenfeld và các tù nhân khác đã may mắn vượt qua một cuộc kiểm tra, thoát khỏi cửa tử khi in ra những tấm thiệp sinh nhật trong tầm mắt giám sát của các viên chức SS. ĐQX cũng gật đầu cho Adolf Burger - một người đánh máy Do Thái – làm việc. Sau này trong hồi ký của mình, ông Burger tả đã bị bắt giữ vì tội giả mạo giấy tờ, bị đày đến trại Auschwitz, nhưng lại được trọng dụng vào chiến dịch in ấn tiền giả quy mô lớn. 

Các ông Sonnenfeld, Burger và những người khác được chuyển đến một địa điểm bí mật ở trại tập trung Sachsenhausen (nằm gần Berlin) để bắt tay vào in ấn tiền giả. Các chủ ngân hàng sau này đã xác định rằng đã có 2 chiến dịch làm giả tiền Anh tại Sachsenhausen trong “Chiến dịch Bernhard”.

Lần đầu, các tờ bạc được làm một cách nghiệp dư, vì thế cánh thương nhân nhìn là biết ngay tiền giả. Nhưng lần thứ hai thì các tờ bạc giả đã được in ấn với chất lượng cao hơn, mở rộng sang làm giả cả đồng đô la Mỹ. Một tội phạm làm bạc giả tên là Solly Smolianoff được phân công sao chép đô la Mỹ.

Hồ Toplitz (Áo) nơi tìm thấy số tiền giả Đại tá SS-Friedrich Schwend chôn dưới đáy hồ
Hồ Toplitz (Áo) nơi tìm thấy số tiền giả Đại tá SS-Friedrich Schwend chôn dưới đáy hồ

Vung tiền giả làm rối ren Châu Âu

Theo Bộ Tài chính Mỹ, nhân sự của “Chiến dịch Bernhard” cho rằng quá khó để sao chép giấy tờ, mực in và các bản khắc dùng để tạo ra tờ tiền Mỹ vào thời điểm đó. Một khi tờ bạc giả được sản xuất ra, Đại tá Friedrich Schwend của “Chiến dịch Bernhard” sẽ dùng để mua hàng hóa và phân phát tờ bạc trên khắp châu Âu ngay từ trụ sở của ông ta ở Ý.

Tình báo Mỹ đánh giá Schwend là “một tên xỏ lá lắm mưu, nhiều quỷ kế”, đã bí mật làm việc thông qua một chuỗi các đối tượng môi giới. Sau này, Schwend nói rằng tình báo Mỹ biết ông có một mạng lưới gồm 5 điệp viên hoạt động ở Bỉ, Ý, Hà Lan, Thụy Sỹ và Nam Tư, những người này dùng tiền giả mua đồ trang sức và các loại hàng hóa đắt giá khác – những sản phẩm không có sẵn - cho khách hàng dưới nền Đệ tam ĐQX. Tình báo Đức cũng sử dụng tiền giả để trả lương cho các điệp viên khác để mua tin. 

Các hồ sơ của tình báo Quân đội Mỹ cũng cho thấy, Schwend điều hành chiến dịch như một nghiệp đoàn mafia. Một trong các điệp viên của Schwend là Theopic Kamber, đã cuỗm đi một lượng lớn tờ bạc Anh giả mạo, Schwend liền hạ lệnh cho điệp viên Alois Glavan phải thủ tiêu để bịt miệng. Tướng SS-Himmler cũng tung ra những con tem giả nằm hướng dư luận tin rằng Vương quốc Anh là một chư hầu của Liên Xô. Với Himmler, mạng lưới làm giả của “Chiến dịch Bernhard” được xem là nơi để phân phối tem tuyên truyền, nhưng viên tướng SS này không bao giờ đưa các con tem của ông ta vào lưu hành được. 

Cả “chiến dịch Bernhard” và kho tiền giả của Schwend đều dừng hoạt động sau khi Đại chiến kết thúc, nhưng người ta vẫn lo ngại rằng trên thực tế kho tiền giả của Bernhard có thể dùng cho các nỗ lực chống lại chính quyền lâm thời. Văn phòng dịch vụ chiến lược (OSS) là cơ quan tiền thân của CIA đã lên phương án đối phó. Một tài xế tại Đại sứ quán Hungary ở Thụy Sỹ đã khai, Schwend đã cho anh ta tiền Mỹ và tiền Anh nếu người tài xế này có thể xin được việc tại cơ sở ngoại giao của 2 nước này.

Ngay sau chiến tranh, một điệp viên đã từng dùng tiền giả của Bernhard cũng mật báo về Schwend cho OSS. Các tờ bạc Anh tự nó đã làm hé lộ một chiến dịch làm tiền giả khổng lồ. Khi kết thúc Đại chiến thế giới thứ hai, các nhà chức trách đã thu được 25 triệu bảng Anh tờ bạc giấy.

Đại tá Friedrich Schwend chạy đến Merano sau chiến tranh, nơi mà 2 thập niên sau đó chiếc đàn ooc-gan vô tình được mở ra. Cơ quan chống phản gián của Quân đội Mỹ cũng nhanh chóng bắt giữ Schwend, bắt Schwend phải khai thông tin, truy ra những cá nhân đang giữ tiền giả cùng trang thiết bị từ “Chiến dịch Bernhard” nhằm chắc chắn rằng ĐQX không thể ngóc đầu dậy lần nữa. 

Thiếu tá SS-Alfred Naujocks là người đứng đầu chiến dịch làm tiền giả mạo, mang mã danh “Andreas”
Thiếu tá SS-Alfred Naujocks là người đứng đầu chiến dịch làm tiền giả mạo, mang mã danh “Andreas”

Chiến đấu với tàn dư tiền giả

Giống như nhiều tội phạm chiến tranh ĐQX, Schwend đào tẩu sang Mỹ Latinh sau chiến tranh. Ở Peru, hắn ta làm quản lý trong một nhà chứa xe của hãng Volkswagen, nhưng vẫn nhúng tay vào “thị trường chợ đen”. Schwend cố gắng giấu mình trong thế giới ngầm như một đại lý vũ khí, bắt tay với một người môi giới Hong Kong để tung ra các thương vụ vũ khí bí ẩn. Mặt khác, Schwend còn cung cấp tin cho Tình báo Peru.

Khoảng cuối năm 1963, CIA và cơ quan mật vụ vẫn lo lắng chiến dịch tiền giả có nguy cơ quay trở lại. Hai cơ quan này muốn biết chuyện gì đang xảy ra với những thuộc hạ của Hitler có ý đồ sử dụng đồng bảng Anh giả và có hay không việc Schwend quay lại việc sản xuất tiền giả. Nhiều tháng sau đó, Schwend tiếp cận tình báo Anh ở Lima, bán thông tin về nơi giấu kho vàng của ĐQX.

Nhưng với sự cảnh giác, người Anh không bắt tay với Schwend. Schwend nói với tình báo Mỹ rằng hắn ta đã chôn 2.500 bảng Anh giả mạo tại hồ Toplitz gần Salzburg (Áo) vào cuối chiến tranh. Ngày hôm nay, số tiền giả của “Chiến dịch Bernhard” đang nằm trong tay các nhà sưu tập. Một tờ bạc 20 bảng Anh giả hiện có giá 600 USD tại một buổi bán đấu giá với sự tham gia của những người khao khát muốn có tờ tiền giả mạo của ĐQX…/.

Đọc thêm