Ba Lan đàm phán thương vụ tên lửa triệu đô với Mỹ, nhằm đối phó Nga

(PLVN) - Hồi đầu tuần qua, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 20 hệ thống phóng rocket di động HIMARS của Mỹ, cùng một số quân dụng với tổng trị giá 414 triệu USD. Toàn bộ đơn hàng sẽ do tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin sản xuất. 
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt tay Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt tay Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda

Động thái này diễn ra khi Ba Lan đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ trong bối cảnh lo ngại về một nước Nga đang trỗi dậy, đồng thời nhằm “tăng cường sức mạnh cho quân đội Ba Lan”. 

Mua 20 hệ thống phóng rocket trị giá 414 triệu USD 

Lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Vacsava của Ba Lan dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, đang có chuyến công du dự hội nghị các vấn đề an ninh Trung Đông diễn ra từ ngày 13-14/2, tại Warsaw, Ba Lan. 

Phát biểu sau lễ ký, Tổng thống  Ba Lan Andrzej Duda đánh giá thương vụ này vừa có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của Ba Lan, vừa giúp cải thiện an ninh tại châu Âu. Trong khi đó, về phần mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng bày tỏ vui mừng vì Ba Lan hướng tới Mỹ để tìm nguồn cung ứng khí đốt cũng như là để được bảo vệ về mặt quân sự. Đồng thời  nhấn mạnh Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Ba Lan, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bàn giao đơn hàng cho phía Ba Lan vào năm 2023. Đây là hợp đồng nằm trong khuôn khổ dự án lớn hơn nhằm hiện đại hóa các lực lượng quân đội Ba Lan. Được biết, hệ thống HIMARS có thể phóng 6 tên lửa dẫn đường với tầm bắn 70km (37 dặm), hoặc một tên lửa đơn nhất với tầm bắn 300km. Hệ thống này đã được 19 quốc gia sử dụng và đã được triển khai ở Iraq và Syria để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo IS. Hệ thống HIMARS cho phép quân đội Mỹ có khả năng tấn công chính xác ngay cả trong thời tiết xấu khi các cuộc tấn công trên không bị cản trở. Trước đó, hồi tháng 3/2018, Ba Lan cũng đã ký một hợp đồng trị giá 4,75 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

Muốn Mỹ thành lập căn cứ quân sự vĩnh viễn

Tại cuộc gặp sau đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng song phương. Phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp, Tổng thống Duda cho biết sẽ sớm có quyết định về việc để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân đội tại Ba Lan, nhưng ông không nói rõ liệu đó có phải là quyết định thành lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan hay không.

Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cũng ca ngợi quan hệ Ba Lan-Mỹ, “Tôi muốn cảm ơn sự phục vụ của binh sĩ Mỹ trên đất Ba Lan. Nhờ họ, chúng tôi cảm thấy được an toàn hơn trong đất nước mình. Hai nước đã bàn về kế hoạch phát triển, củng cố sự có mặt của Mỹ tại Ba Lan. Đó chính là một trong những mục tiêu của Ba Lan khi tổ chức hội nghị quốc tế về Trung Đông theo đề nghị của Mỹ. Vacxava hy vọng có được một căn cứ quân sự Mỹ đóng thường trực trên đất Ba Lan. Washington sẽ quyết định về vấn đề này trong tháng tới”. 

Hiện Mỹ đang có 4.000 binh sĩ đồn trú tại Ba Lan trong khuôn khổ luân phiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ nhiều tháng qua, Ba Lan đã tìm cách vận động Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn trên lãnh thổ nhằm đối phó với mối đe dọa mà họ cho là từ phía Nga, đặc biệt kể từ sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Duda cho biết Ba Lan sẵn sàng chi 2 tỷ USD để thúc đẩy việc hình thành căn cứ này. 

Mục đích của Ba Lan với đề nghị này là răn đe Nga chứ không phải đe doạ Nga. Ngoài ra, Ba Lan còn đồng thời theo đuổi một mưu tính chiến lược khác nữa là gây dựng vị thế đặc biệt trong chiến lược và chính sách của Mỹ đối với châu Âu, đối với NATO và đối với Nga. Ba Lan kỳ vọng từ đó sẽ có được vị thế khác hẳn trong EU, NATO và ở châu Âu. Hay nói cách khác, Ba Lan muốn nhờ vào Mỹ và dựa vào Mỹ để tăng giá trị của mình trong quan hệ với tất cả các đối tác, bất kể là với đồng minh hay đối thủ.

Ban đầu theo phát biểu trước thềm một hội nghị an ninh cấp cao tại Ba Lan, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher ngày 13/2 thông báo, Mỹ có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Ba Lan. Bà Mosbacher nhấn mạnh đây sẽ là một đợt tăng quân quy mô lớn của Mỹ tại Ba Lan, song không cho biết thêm thời gian biểu cho hoạt động này.

Tuy nhiên cùng ngày, Lầu Năm Góc lại bác thông tin, rằng Mỹ và Ba Lan vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc tăng số lượng quân đội. Ông nhấn mạnh những tin đồn về việc Mỹ tăng quân tại Ba Lan “ở thời điểm này là chưa có căn cứ”, và kết quả các cuộc đàm phán sẽ được thông báo vào “thời điểm thích hợp”.

Trước đó, vào tháng 9/2018, người đứng đầu lục quân Mỹ cũng cho biết rằng, Ba Lan có thể chưa sẵn sàng cho một căn cứ quân sự lâu dài việc không gian để đáp ứng các yêu cầu huấn luyện lính Mỹ.

Trong khi đó, theo trang tin tức Rzeczpospono, mục đích chuyến công du Trung Âu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là nhằm mở rộng các mối quan hệ của Mỹ với các đối tác trong khu vực để  chống lại các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc hay quốc gia đang chịu trừng phạt của Mỹ như Iran. Do vậy khi Ba Lan đề nghị Mỹ thành lập căn cứ quân sự, ông Pompeo đã nhấn mạnh về việc Ba Lan nên từ chối hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Iran. Có thể thấy, Mỹ đang tìm mọi cách để hạn chế các nước châu Âu chống lại Trung Quốc nhưng ẩn danh dưới các hoạt động bình thường. Đơn cử như Ba Lan là ra điều kiện về lập căn cứ quân sự. 

Đọc thêm