“Biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc” trong xã hội Nhật Bản

(PLVN) - Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 1/4 tuyên bố triều đại mới của nước Nhật được đặt tên là Reiwa, đánh dấu một trong những bước cuối cùng cho lễ đăng quang kế nhiệm hoàng đế đầu tiên sau ba thập niên.
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko hồi tháng 4/2011 tới thăm thị trấn Minamisanriku, tỉnh Miyagi, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì động đất, sóng thần
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko hồi tháng 4/2011 tới thăm thị trấn Minamisanriku, tỉnh Miyagi, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì động đất, sóng thần

Triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa) sẽ bắt đầu vào 1/5, khi Thái tử Naruhito lên ngôi sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào 30/4. Ông Suga cho hay tên của triều đại mới lấy từ một bài thơ trong Vạn Diệp Tập, tuyển tập thơ cổ nhất và lớn nhất của Nhật Bản, trong đó "Rei" là may mắn, "Wa" là hòa bình, hòa hợp.

Một hội đồng chín thành viên, bao gồm một người giành giải thưởng Nobel, đã đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau. Tên của triều đại mới phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt như phải bao gồm hai ký tự tiếng Hán, dễ đọc, dễ viết, không được giống tên hoặc trùng ký tự của bốn triều đại gần nhất là Heisei, Showa, Taisho và Meiji.

Reiwa đánh dấu sự kết thúc của triều đại Heisei (đạt được hoà bình) kéo dài 30 năm, bắt đầu từ 8/1/1989. Đây sẽ là triều đại thứ 248 trong lịch sử Nhật Bản.

Điều khác biệt của triều đại mới so với bốn triều đại trước là chính phủ công bố tên của nó khi hoàng đế trị vì vẫn còn sống. Nguyên nhân là Nhật hoàng Akihito năm 2016 tuyên bố muốn thoái vị vì tuổi cao sức yếu, trái với truyền thống của những người tiền nhiệm là tại vị tới khi qua đời, đồng thời khởi động việc chuẩn bị cho lễ thoái vị đầu tiên của chế độ quân chủ Nhật Bản trong khoảng 200 năm.

Vương triều Nhật Bản bắt đầu từ năm 660, khi hoàng đế Jimmu lên ngôi, trở thành nhà vua đầu tiên của đất nước. Nhà vua Akihito là hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản. Ông lên ngôi ngày 7/1/1989 sau khi Nhà vua Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) qua đời.

Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua Akihito cùng với Hoàng hậu Michiko đã thực hiện nhiều công việc mang ý nghĩa như một "biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc".

Theo hiến pháp, Nhật hoàng không có quyền lực chính trị nhưng ông vẫn giữ một số nhiệm vụ có liên quan tới  bối cảnh chính trị của quốc gia, như ký văn bản phê chuẩn đề cử thủ tướng, các thành viên chính phủ hay thẩm phán Tòa án Tối cao.

Nhật hoàng có vai trò quan trọng trong các vấn đề mang tính nghi thức, bao gồm khai mạc các phiên họp quốc hội, công bố các đạo luật, hiệp ước mới, trao tặng huân chương hay nhận quốc thư từ các đại sứ.

Nhật hoàng mỗi năm ký khoảng 1.000 văn bản và ông luôn nghiên cứu kỹ nội dung của từng văn bản. Những chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài tới Nhật Bản sẽ không được xếp vào cấp nhà nước nếu họ không hội kiến Nhật hoàng và dự tiệc chiêu đãi tại cung điện.

Thái tử Naruhito (giữa) và Thái tử phi Masako trò chuyện với người sống sót thảm họa động đất và sóng thần ở Miyagi tháng 6/2011
Thái tử Naruhito (giữa) và Thái tử phi Masako trò chuyện với người sống sót thảm họa động đất và sóng thần ở Miyagi tháng 6/2011

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tham gia hoặc chủ trì hàng trăm nghi lễ, tiệc chiêu đãi, sự kiện biểu diễn liên tục được tổ chức trong năm và tiếp đón những vị khách đến thăm cung điện, như chính trị gia, doanh nhân thế giới hay các nhà hoạt động xã hội.

Các thành viên trong hoàng gia Nhật Bản luôn phải cẩn thận trong từng lời nói bởi họ bị cấm nêu ý kiến có thể được coi là can thiệp vào bối cảnh chính trị.

Nhật hoàng còn đóng vai trò quan trọng trong những nghi lễ Thần đạo, tôn giáo bản địa của người Nhật, trong đó có cầu nguyện cho tổ tiên hay cầu mùa màng bội thu.

Nhật hoàng và Hoàng hậu thường tới thăm các địa điểm chịu thiên tai, thảm họa trên khắp đất nước để gặp gỡ, chia sẻ với những người sống sót. Năm 2011, Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu trước quốc gia vài ngày sau thảm họa sóng thần nhằm trấn an dân chúng. Liên tiếp bốn năm liền từ 2012 đến 2016, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tổ chức lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa.

Nhật hoàng và Hoàng hậu cũng tới thăm hàng trăm cơ sở phúc lợi cho trẻ em, người già và người tàn tật trên cả nước.

Mỗi năm, họ lại chủ trì một số lễ hội quốc gia để quảng bá thể thao và thúc đẩy bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, Nhật hoàng và Hoàng hậu vẫn có các chuyến công du nước ngoài dù ít hơn nhiều so với những năm còn trẻ. Nhật hoàng giờ đây giao lại nhiệm vụ này cho các thành viên khác trong hoàng gia.

Cả Nhà vua và Hoàng hậu đều thích sáng tác "waka", một loại thơ truyền thống của Nhật Bản gắn liền với hoàng gia.

Tháng Một hàng năm, Nhật hoàng tổ chức đọc thơ mừng năm mới truyền thống tại cung điện. Các bài thơ do Nhà vua và Hoàng hậu cũng như của người dân bình thường được đọc trước hoàng gia và phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Thái tử Naruhito phát biểu trước Liên Hợp Quốc tháng 11/2015 ở New York
Thái tử Naruhito phát biểu trước Liên Hợp Quốc tháng 11/2015 ở New York

Giống như cha mình, Nhật hoàng Akihito hàng năm đều trồng và thu hoạch lúa tại một cánh đồng trong khuôn viên cung điện hoàng gia. Ông còn là một nhà khoa học đam mê sinh vật biển và từng viết nhiều bài báo.

Nhật hoàng Akihito phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ (khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970) và đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên) năm 1974.

Hoàng hậu Michiko là một nghệ sĩ piano, đồng thời rất yêu thích âm nhạc. Bà còn nuôi tằm để lấy nguyên liệu dệt vải.

Một ngày bình thường của Nhật hoàng Akihito bắt đầu vào 6h30. Sau khi thức dậy, ông xem tin tức rồi dạo quanh hoàng cung ở Tokyo cùng Hoàng hậu Michiko.

Nếu thời tiết không thuận lợi, Nhật hoàng sẽ đi dạo trên chiếc xe Honda Integra hơn 15 năm tuổi. Nhật hoàng tuân thủ mọi luật lệ giao thông ngay cả khi những con đường bên trong Hoàng cung đều cấm các phương tiện bên ngoài.

Giữa ngày, Nhật hoàng bận rộn với các công việc nhà nước hay dành thời gian nghiên cứu sinh học.

Hầu hết các buổi tối, Nhật hoàng thường tham dự tiệc chiêu đãi. Ngoài ra, Nhật hoàng và Hoàng hậu còn thích xem những chương trình về tự nhiên trên tivi và đọc một số tạp chí Nhật Bản.

Cuối tuần, Nhà vua và Hoàng hậu có thể chơi môn thể thao cả hai cùng yêu thích là tennis.

Đọc thêm