Con số báo động 5,6 triệu hộ gia đình 1 người tại Hàn Quốc

(PLVN) - Theo thống kê của chính phủ nước này, năm 2017 có 5,6 triệu hộ gia đình một người, chiếm 29% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc. Năm 2000, tỷ lệ số hộ gia đình một nhân khẩu là 15,5%, con số này ước tính sẽ chạm mức 36% vào năm 2045.
Con số báo động 5,6 triệu hộ gia đình 1 người tại Hàn Quốc

Vấn nạn cô đơn ở Hàn Quốc trầm trọng tới mức chính quyền nhiều thành phố phải can thiệp để giúp người dân cải thiện sức khỏe tâm thần. 

Xu hướng “một mình”

12 năm trước, Park Ki-woong, khi đó 20 tuổi, rời gia đình ở thành phố Busan chuyển đến thủ đô Seoul làm việc. Kể từ đó, người đàn ông 32 tuổi này sống một mình. Sau thời gian đầu chật vật thích nghi, Park đã quen với nó. Tuy vậy, "quen" không đồng nghĩa với cảm giác thoải mái.

"Với tôi, ăn uống một mình, ngủ một mình, xem TV một mình giờ đã dễ hơn nhiều so với trước kia, nhưng thời gian trôi đi, cảm giác cô đơn xâm chiếm tôi ngày một thường xuyên hơn và vào những lúc không ngờ đến", Park chia sẻ. "Ví dụ khi tôi về nhà sau một ngày dài làm việc và bật đèn trong căn hộ nhỏ của mình, tôi đột nhiên có cảm giác như tôi là người duy nhất trên thế giới này".

Cảm giác cô đơn cuối cùng biến thành trầm cảm. Người đàn ông làm công việc văn phòng này hiện phải đi gặp chuyên gia trị liệu tâm lý một tuần một lần để cải thiện sức khỏe tâm thần. "Tôi bị trầm cảm vì nhiều nguyên nhân, nhưng nghĩ rằng có thể vượt qua nó nếu có ai đó để trò chuyện và chia sẻ những thứ xảy ra hàng ngày".

Park không phải là người Hàn Quốc duy nhất sống một mình. Theo thống kê của chính phủ nước này, năm 2017 có 5,6 triệu hộ gia đình một người, chiếm 29% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc. Năm 2000, tỷ lệ số hộ gia đình một nhân khẩu là 15,5%, con số này ước tính sẽ chạm mức 36% vào năm 2045.

Một khảo sát được Viện Hankook tiến hành với 1.000 người trưởng thành ở Hàn Quốc vào tháng 4/2018 cho thấy 46% những người sống một mình "luôn luôn" hoặc "thường xuyên" cảm thấy cô đơn, 44% "đôi khi" có cảm giác như vậy. Kết quả chỉ ra 90% những người sống một mình tham gia khảo sát đều cảm thấy cô đơn ở mức độ nào đó.

Lee Ji-soo là một sinh viên đại học đã sống một mình ở thủ đô Seoul 6 năm nay. Cô ghét phải ngồi ăn một mình trong căn bếp trống trơn. "Tôi nghĩ có nhiều người thuộc thế hệ tôi đối mặt với tình cảnh khó khăn tương tự - ăn tối một mình", Lee nói. "Tôi muốn ngồi ăn chung bàn với những người cũng có cảm giác cô đơn như tôi. Vì vậy tôi đã tập hợp được một nhóm bạn cùng nhau đi chợ và nấu nướng".

Lee tổ chức bữa ăn tối tập thể đầu tiên với hàng xóm vào năm 2017 và bữa ăn đó đã giúp cô nảy ra ý tưởng kinh doanh. Lee đang điều hành một nhóm tập hợp những người sống ở Seoul muốn có bạn cùng ăn tối.

Thông qua các trang mạng xã hội, Lee tập hợp được 10-12 người mỗi tháng, họ đi chợ, nấu nướng và chia sẻ bữa ăn với nhau. Thực đơn đa dạng nhưng Lee ưu tiên những món ăn không quá phức tạp để một người có thể tự chế biến ở nhà.

Cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, mọi người nhanh chóng kết bạn và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống mà một người độc thân phải đối mặt. "Một người đến tham gia trong 5 tuần liên tục nói rằng giờ anh ấy cảm thấy thiếu vắng thứ gì đó mỗi khi ăn một mình vào buổi tối".

Tại Hàn Quốc, có nhiều hoạt động tương tự như "ăn chung" được tổ chức trên toàn quốc để giúp đỡ những người sống độc thân. Xu thế này cũng lan đến các chương trình truyền hình, các đài sản xuất các show giải trí như "Everyone’s Kitchen" (Bếp cho mọi người) mời các nghệ sĩ nổi tiếng cùng tham gia nấu nướng và trò chuyện. Theo các chuyên gia, những hoạt động như thế này giúp những người sống một mình cải thiện sức khỏe tâm thần.

"Con người sinh ra vốn đã muốn gắn kết với người khác, do vậy những người sống một mình ở thành phố cần được sự hỗ trợ của cộng đồng", Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại đại học quốc gia Seoul, nói. "Khi ta căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống hàng ngày, những cảm giác tiêu cực đó có thể giảm đi rất nhiều chỉ bằng cách đơn giản là nói chuyện với bạn thân hoặc gia đình. Với những người sống một mình, những hoạt động kết nối làm quen như ăn chung hoặc gặp gỡ có thể là lựa chọn tốt thay thế bạn bè và người thân".

Nỗ lực cải thiện “chỉ số cô đơn”

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chính quyền thành phố Seoul khởi động hàng loạt chương trình để giúp đỡ những hộ gia đình một người. Năm ngoái, Seoul giới thiệu 12 chương trình nhằm giúp những người sống một mình mở rộng các mối quan hệ cá nhân thông qua các hoạt động như làm đồ thủ công, du lịch, tập thể dục hoặc nấu ăn.

Chương trình "Hãy cùng nhảy cha cha cha" ở quận Seodaemun-gu được nhiều người yêu thích. Trong chương trình, 20 người tuổi từ 40 đến 60 gặp nhau vào thứ bảy hàng tuần để cùng nấu nướng và làm đồ thủ công trong vòng ba tháng.

Ông Lee, hơn 60 tuổi, là một cư dân sống một mình trong quận Seodaemun-gu. Ông tham gia chương trình này hồi năm ngoái sau khi đọc được tờ rơi quảng cáo trên xe bus. Bất chấp khoảng cách tuổi tác giữa các thành viên, ông Lee đã tìm thấy được một số người bạn thân thiết nhờ chương trình này. "Tôi đợi đến thứ bảy hàng tuần để thấy bớt cô đơn khi được ăn tối với mọi người", ông Lee nói.

Dù chương trình đã kết thúc, các thành viên vẫn tụ tập ít nhất mỗi tháng một lần. Ông Lee cũng hy vọng chính quyền tiếp tục tổ chức chương trình trong năm nay. Chính quyền Seoul đã chi 300 triệu won (264.300 USD) cho các chương trình kết nối người độc thân trong năm 2019. Chi tiết các chương trình sẽ được công bố trong tháng 4.

Park Min-sung, quan chức làm việc ở hội đồng thành phố Busan, cho biết thành phố cảng này coi "cô đơn" là một vấn đề nghiêm trọng và đang soạn thảo các quy định để đối phó với vấn nạn này. Theo ông Park, hộ gia đình một người chiếm tới 34% tổng số hộ gia đình ở thành phố. Tỷ lệ này cao hơn 40% ở 78 quận trong số 206 quận ở Busan.

Trong dự thảo, chính quyền Busan xây dựng một "bản đồ những người sống độc thân" ở Busan, căn cứ vào "chỉ số cô đơn" ở từng khu vực mà chính quyền thành lập các trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần.

"Mức độ cô đơn có thể được xác định dựa trên các chỉ số, chẳng hạn như tỷ lệ số hộ độc thân, tỷ lệ tự sát hoặc tỷ lệ người chết một mình trong khu vực. Nếu quy định được ban hành, chính quyền thành phố Busan có thể phân tích dữ liệu định kỳ và cung cấp các dịch vụ phù hợp cho từng quận dựa trên kết quả đó", ông Park giải thích và cho biết có thể đệ trình dự thảo này lên hội đồng thành phố vào tháng 5.

Ngay khi ông Park nhen nhóm ý tưởng về các biện pháp đối phó với tình trạng cô đơn của người dân, chính quyền các thành phố khác cũng lập tức tỏ ra quan tâm. "Điều này cho thấy vấn nạn cô đơn của người độc thân không phải của riêng Busan, mà còn là vấn đề phổ biến trên cả nước", ông Park nói.

Số liệu thống kê cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc, có một người sống độc thân. Ngay lập tức, các ngành bán lẻ ở Hàn Quốc nhanh nhạy bắt kịp xu hướng mới, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này.

Một dịch vụ giải trí khác cũng rất phổ biến Hàn Quốc là các quán cafe truyện tranh mở cửa thâu đêm suốt sáng. Với một khoản phí nhỏ, khách hàng có thể thu mình trong một góc riêng tư và chìm đắm vào thế giới truyện tranh.

Ảnh hưởng của "nền kinh tế độc thân" thể hiện rõ nhất trong ngành bán lẻ. Chuỗi siêu thị Emart tung ra hàng loạt sản phẩm thực phẩm đóng trong khẩu phần nhỏ, phù hợp cho một người ăn. Các cửa hàng tiện dụng cũng bày bán sẵn các suất cơm dành cho một người.

Theo thống kê của Hiệp hội các cửa hàng bán lẻ Hàn Quốc, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành này năm 2016 tăng 18,6% so với năm trước đó lên gần 17 tỷ USD.

Phó giáo sư xã hội học Paul Chang giải thích rằng người Hàn Quốc ngày nay không còn bị ám ảnh bởi "tâm lý bầy đàn" hay chủ nghĩa tập thể, họ mạnh dạn theo đuổi tự do và hạnh phúc cá nhân đồng thời bứt phá khỏi sự ràng buộc và áp lực của xã hội.

Làn sóng đi ăn cơm hay uống rượu một mình, được người Hàn Quốc gọi là "honbap" và "honsul", trỗi dậy trong những năm gần đây, đi ngược lại với quan niệm truyền thống cho rằng những người đi ăn hay uống một mình thuộc dạng bất thường.

Số hộ gia đình ở Hàn Quốc chỉ có một người tăng nhanh trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân bao gồm tỉ lệ kết hôn giảm, các trường hợp ly hôn gia tăng nhanh chóng và tỉ lệ sinh chững lại. Theo thống kê của chính phủ, năm 2015, số lượng hộ gia đình độc thân chiếm tới 27% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc. Trong khi đó, mới chỉ một thập kỷ trước, đa số các hộ gia đình ở xứ sở kim chi có tới 4 nhân khẩu. 

Viện xã hội và sức khỏe Hàn Quốc cho biết năm 2015, có 5,06 triệu hộ gia đình độc thân, tăng gần 8 lần so với năm 1985 và ước tính đến năm 2035, kiểu hộ gia đình này sẽ chiếm số lượng áp đảo. 

Những người sống một mình ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc tham gia lớp làm đồ thủ công như là cách để tăng cường giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ.