Đại danh họa Picasso từng bị thẩm vấn khi nàng Mona Lisa “mất tích”

(PLO) - Ngày 21/8/1911, một cựu nhân viên Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) đã trộm kiệt tác Mona Lisa. Hàng chục nghi phạm bị thẩm vấn, trong đó có cả danh họa Pablo Picasso. Có nhiều đánh giá cho rằng, nhờ vụ trộm táo tợn này mà bức họa Mona Lisa mới được cả thế giới biết đến.

Bức họa với nhiều bí ẩn 

Mona Lisa (còn gọi là La Gioconda hay La Joconde, Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo) là một bức chân dung được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence vào thế kỷ XVI bởi thiên tài người Ý Leonardo da Vinci. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) với tên gọi “Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo”.

Tranh là một bức chân dung nửa người, miêu tả một phụ nữ có những nét thể hiện trên khuôn mặt rất bí ẩn. Sự mơ hồ của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, sự huyền ảo là những tính chất góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh. Có lẽ nó là bức tranh nổi tiếng nhất từng bị đánh cắp và được thu hồi của bảo tàng Louvre.

Bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà phân tích, từ nghệ thuật tới khoa học, từ phân tích quang học tới phân tích tâm lý học, hình thành hình ảnh “nụ cười Mona Lisa” trong văn học, đại diện cho một cái gì đó rất bí ẩn nhưng thật sâu xa, khuôn mặt nàng không biết nàng đang cười hay đang khóc, đấy là một bí mật chưa ai có câu trả lời.

Bức họa Mona Lisa
Bức họa Mona Lisa

Nhìn riêng đôi mắt, bạn sẽ thấy ánh lên rất nhiều ý vui, ý lạc quan, yêu đời. Nhưng nhìn thấp xuống khoé miệng, đôi môi, ta lại thấy nàng nghiêm nghị đến kỳ lạ. Trong cái miệng đó, ta lại thấy rõ sự hồi hộp, lo lắng trong cái nhếch mép cười. Bộ mặt Mona vừa cười, vừa nghiêm nghị đã trở thành đề tài bàn cãi trong rất nhiều các cuộc khẩu chiến và bút chiến.

Phi vụ trộm tranh thế kỷ 

Vốn là một người Italia di cư sang Pháp, Vincenzo Peruggia, 30 tuổi, làm việc ở bảo tàng Louvre từ tháng 10/1910 đến tháng 1/1911 trong vai thợ đóng khung kính nên rất rành mọi ngóc ngách trong bảo tàng. 

Buổi tối ngày 20/8/1911, người đàn ông nhỏ bé, có ria mép Vincenzo Peruggia đã đột nhập vào Bảo tàng Louvre ở Paris rồi đi đến Salon Carré, nơi trưng bày Mona Lisa và nhiều kiệt tác khác. An ninh bảo tàng khá lỏng lẻo, anh ta dễ dàng giấu bức tranh vào một tủ lưu trữ cho đến ngày hôm sau.  

7 giờ sáng ngày 21/8/1911, Vincenzo Peruggia vào bảo tàng qua một cửa nhỏ bên phía sông Seine. Đóng giả làm nhân viên bảo tàng, mặc áo khoác trắng đã ăn cắp trước đó, ông ta thoải mái đi khắp nơi mà không sợ bị phát hiện.

Khi đến nơi cất bức tranh Mona Lisa, ông ta giả vờ làm công việc tại đó, chờ người khác ra ngoài hết rồi tháo bức tranh khỏi khung, cuộn tranh vào áo khoác và bình thản đi ra ngoài. 

Rắc rối duy nhất trong kế hoạch là cánh cửa dẫn từ cầu thang xuống sân đã bị khóa. Ông ta đặt nàng Mona Lisa xuống đất và cố gắng tháo tay nắm cửa. Một thợ sửa ống nước xuất hiện nhưng thay vì bắt giữ tên trộm, người này cho rằng đồng nghiệp của mình đang bị mắc kẹt nên đã giúp anh ta mở cửa. Sau lời cảm ơn, vài phút sau, tên trộm Vincenzo Peruggia đã thoát khỏi Bảo tàng Lourve, mang theo một trong những bức tranh giá trị nhất thế giới.

Hơn một ngày trôi qua, nhân viên bảo tàng vẫn chưa phát hiện Mona Lisa bị đánh cắp. Nguyên nhân là bởi các bức tranh vẫn thường được gỡ xuống để vệ sinh và chụp ảnh, vì thế những người đi qua ít để ý đến khoảng trống trên tường. 

Mãi đến trưa ngày 22/8/1911, họa sĩ Louis Béroud đi vào bảo tàng Louvre và tiến hành kiểm tra bức tranh Mona Lisa thì mới phát hiện nơi bức Mona Lisa đáng phải có mặt, chỉ thấy bốn chiếc móc thép. Béroud ngay lập tức liên hệ với người chỉ huy đội canh gác, ông này cho rằng bức tranh đang được đưa đi chụp ảnh hay cho các mục đích marketing.

Vài giờ sau, Béroud kiểm tra lại với người chịu trách nhiệm khu vực đó của bảo tàng thì được xác nhận bức Mona Lisa không ở chỗ những nhà nhiếp ảnh. Lúc này, bảo tàng Louvre mới gọi cho cảnh sát và bắt đầu một cuộc tìm kiếm điên cuồng.

Tối cùng ngày, một quan chức của bảo tàng đã thông báo vụ trộm cho toàn thế giới. “Bức tranh Mona Lisa đã biến mất. Hiện tại, chúng tôi chưa có bất kỳ đầu mối nào cũng như danh tính tên tội phạm”, ông nói. Bảo tàng cũng bị đóng cửa một tuần để trợ giúp việc điều tra vụ trộm”.

Trọn cả tháng “vụ Mona Lisa” trở thành tiêu điểm trên các tờ báo ấn hành tại Pháp và châu Âu, còn công chúng hiếu kỳ lũ lượt kéo nhau đến tòa Bảo tàng Louvre mục kích khoảng trống vốn là nơi trưng bày bức tranh. 

Để gỡ thể diện, ban lãnh đạo mới của Viện bảo tàng Louvre đã quyết định treo bức chân dung của Balthasar Castiglione (1478-1529), vị cận thần danh tiếng người Italia dưới thời Phục hưng do danh họa Raphael vẽ, một kiệt tác được cho là ảnh hưởng rõ nét từ phong cách hội họa của Da Vinci thế vào chỗ bức “Mona Lisa” từng hiện hữu. Riêng giới xuất bản và cánh lái buôn nghệ thuật tận dụng cơ hội tung ra đủ kiểu bưu thiếp có in hình nàng Mona Lisa kiều diễm.

Tin tức về vụ trộm lan truyền khắp nước pháp. Một đội quân thám tử đổ về Bảo tàng Louvre để tìm các dấu vân tay, tra hỏi nhân chứng. Ô tô, hành khách đi tàu, người đi bộ bị kiểm tra khi đi qua trạm kiểm soát. Cảnh sát bắt đầu phát những tờ “truy nã” có hình nàng Mona Lisa với nụ cười bí ẩn.

Hàng chục người bị tình nghi đã được cảnh sát thẩm vấn, trong đó có cả họa sĩ cự phách người Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) đang sinh sống tại Paris, cũng như thi sĩ Pháp nổi tiếng Guillaume Apollinaire (1880-1918) bởi ông này từng kêu gọi qua những vần thơ đòi “thiêu rụi Bảo tàng Louvre”...

Ăn trộm tranh vì… “yêu nước”

Trong thực tế, suốt 2 năm sau đó bức tranh được kẻ đạo chích cất trong một chiếc vali 2 đáy, giấu tại căn hộ của hắn ở quận 10 ngay trung tâm Paris. Mãi tới tháng 12/1913, Vincenzo Peruggia mới thử bán “kho báu”.

Ông ta dùng tên giả “Leonardo” để gửi thư cho một nhà buôn tranh tên là Alfredo Geri ở Florence, thừa nhận đánh cắp Mona Lisa. Perugia giải thích với Geri rằng hắn ăn cắp Mona Lisa vì muốn bức tranh trở về với quê hương thật sự. Hành động này hoàn toàn là tình yêu nước.

Vincenzo Perugia, kẻ đã đánh cắp bức họa nổi tiếng Mona Lisa.
Vincenzo Perugia, kẻ đã đánh cắp bức họa nổi tiếng Mona Lisa.

Sau khi nhận được thông tin và trao đổi với Giovanni Poggi, Giám đốc Phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi, Geri đã mời Peruggia tới Florence và đồng ý xem qua bức tranh. Khi nhìn thấy bức họa Mona Lisa, tự tay kiểm tra các dấu vết riêng ở mặt sau bức tranh và số sêri phù hợp với bảo niêm của Bảo tàng Louvre, Geri khẳng định đây là hàng thật. 

Quá choáng váng, Geri đã thuyết phục Perugia để bức tranh lại xưởng của mình. Không một chút nghi ngờ, Perugia làm theo yêu cầu. Tuy nhiên, Geri đã ngầm báo cảnh sát và kẻ trộm tranh bị tóm cổ tại trận. Sau đó, tòa án ở Florence đã xử Peruggia 1 năm tù giam.

Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Perugia sang Pháp, kết hôn có một con gái. Tháng 10/1923, Perugia qua đời. Sau khi đổi tên, rất ít người biết rằng Perugia từng dính dáng đến một vụ trộm lịch sử thế giới.

Sau khi được trả lại bảo tàng Louvre, bức họa Mona Lisa càng nổi tiếng hơn bao giờ hết, thậm chí có thể coi là tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Khi bị lấy cắp, bức ảnh Mona Lisa tràn ngập khắp các trang báo trên toàn thế giới.

Người người hàng ngày đều nhìn thấy nụ cười bí ẩn trên bức tranh. Họ đặt câu hỏi, họ nghiên cứu nụ cười đó. Có thể nói, Perugia là nguyên nhân chính khiến bức tranh nổi tiếng nhanh chóng.

Động cơ thực sự của Perugia, đến nay vẫn không ai biết. Nhưng có một điều chắc chắn là thời thế đã thay đổi, hiện giờ Mona Lisa đã được bảo vệ bên trong lớp kính chống đạn, được trang bị các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Đọc thêm