Đội quân quyền lực Vệ binh Cách mạng ở Iran

(PLVN) - Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo không chỉ bảo vệ an ninh mà còn tham gia vào nhiều lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Iran. 
Các binh sĩ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran diễu hành trong một lễ kỷ niệm hồi năm ngoái. Ảnh: AFP
Các binh sĩ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran diễu hành trong một lễ kỷ niệm hồi năm ngoái. Ảnh: AFP

Theo giới chuyên gia, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng an ninh và quân sự quyền lực nhất Iran, đóng vai trò trụ cột, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế, chính trị cũng như chính sách quân sự nước này.

Ra đời sau cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, IRGC ban đầu là một lực lượng quân sự có nhiệm vụ bảo vệ chính phủ mới được thành lập lúc bấy giờ của Iran và lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini. IRGC sau đó nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và trở thành một trong ba lực lượng chính của lực lượng vũ trang Iran, bên cạnh quân đội và cảnh sát.

IRGC thề trung thành với Lãnh tụ Tối cao Iran và có hơn 125.000 binh sĩ, đồng thời kiểm soát một lực lượng bán quân sự mang tên Basij, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở ở Anh. Basij thường được sử dụng để đối phó với những thế lực chống chính phủ. IRGC cũng có nhiều chuyên gia về công nghệ tên lửa đạn đạo và chiến tranh bất đối xứng, cùng lực lượng không quân, hải quân và tình báo riêng.

Trong khi quân đội chính quy có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Iran, IRGC được lập ra để chống lại các cuộc nổi dậy và những mối đe dọa ở cả trong và ngoài nước. Thành viên IRGC tự coi mình là người giữ "ngọn lửa cách mạng Iran".

IRGC nổi tiếng về khả năng mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài Iran thông qua huấn luyện lực lượng dân quân ở nước ngoài hay tham gia vào các chiến dịch quân sự như sứ mệnh chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

IRGC còn khác biệt với các nhánh khác trong lực lượng vũ trang ở tầm ảnh hưởng mạnh mẽ mà họ mang lại cho giới lãnh đạo chính trị. IRGC kiểm soát trực tiếp và gián tiếp hàng tỷ USD hợp đồng về xây dựng, điện năng, kỹ thuật và các lĩnh vực khác như viễn thông hay truyền thông. Nhiều công ty lớn của Iran đều có liên hệ với các thành viên cấp cao của IRGC hoặc do cựu thành viên IRGC điều hành.

Lãnh đạo cao nhất của IRGC là tướng Mohammad Ali Jafari, người lên nắm quyền tư lệnh từ năm 2007. Người có quyền lực tương đương là tướng Qassim Suleimani, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Quds chuyên tiến hành các chiến dịch tình báo và chiến tranh phi truyền thống. Ông được tôn vinh là người hùng ở Iran và có khả năng trở thành người lãnh đạo đất nước trong tương lai.

Tướng Suleimani hoạt động tích cực ở Iraq từ năm 2014 khi quân đội Iraq bị áp đảo trước sự trỗi dậy của IS. Ông tập hợp các chiến binh trẻ tuổi người Shitte tham gia cuộc chiến chống IS và cuối cùng, với sự trợ giúp hỏa lực từ không quân và lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đã giúp Iraq giành lại lãnh thổ từ tay phiến quân.

Tuy nhiên, Mỹ từ lâu coi tướng Suleimani là mối đe dọa nguy hiểm. Ông cũng không ngần ngại lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các thành viên ưu tú nhất của IRGC đa phần đều thuộc Lực lượng đặc nhiệm Quds hoạt động chủ yếu bên ngoài Iran, được cho là có nhiệm vụ thực hiện những nhiệm vụ bí mật như ám sát. IRGC đã huấn luyện các nhóm dân quân tại nhiều nơi như Hamas trên lãnh thổ Palestine, Hezbollah ở Lebanon hay dân quân người Shiite ở Syria và Iraq. Bộ Tài chính Mỹ hơn 10 năm trước đã coi Quds là lực lượng hậu thuẫn các tổ chức khủng bố.

Tại Iran, IRGC đang ngày càng gia tăng phạm vi ảnh hưởng thông qua các doanh nghiệp và cơ quan tuyên truyền của mình. Dù liên quan tới tất cả các lĩnh vực kinh doanh, thành viên IRGC chủ yếu tập trung vào những khía cạnh có ý nghĩa chiến lược, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London cho hay.

Đọc thêm