Luật vừa cổ vừa lạ

(PLO) - Một bộ luật có hiệu lực từ năm 1897 thì rất xứng đáng được coi là cổ. Nó còn rất xứng đáng được coi là lạ khi nội dung của nó phân biệt rất rõ ràng và cụ thể giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sở hữu cây trồng trên đó...
Một góc cung điện Habsburg. Ảnh: All-free-photo
Một góc cung điện Habsburg. Ảnh: All-free-photo

... Mà đã là quyền sở hữu thì đương nhiên liên quan đến chuyện thừa kế, chuyển nhượng, tặng cho và mua bán. Nếu cả đất và cây đều được quy về một chủ sở hữu duy nhất thì chuyện chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng nếu chủ sở hữu đất và chủ sở hữu cây trồng trên đất ấy không cùng người thì chuyện lại trở nên rất phức tạp về pháp lý.

Chuyện này và luật này có ở bang Tirol của nước Áo, xem ra chỉ có ở mỗi nơi này. Nghe cứ như chuyện đùa, nhưng trước toà với sự xuất trình của mọi giấy tờ chứng nhận cần thiết liên quan thì gần như tất cả đều ngã ngửa là chuyện có thật. Ở bang này của nước Áo có luật đó thật và cả sau hai lần đã tiến hành cải cách tư pháp mà luật này vẫn tồn tại như khi nó bắt đầu có hiệu lực chính thức vào năm 1897.

Theo luật đó, chủ sở hữu đất không có nghĩa là tự khắc được là chủ sở hữu của cây trồng trên đất đó. Người chủ sở hữu cây trên đất ấy không chỉ sở hữu cây mà còn có quyền tiếp cận cây, có nghĩa là được đi vào đất ấy để thăm cây và chăm sóc cây. Quyền này của người này chỉ mất khi những cái cây ấy bị chết. Quyền này có thể được cho thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc tặng cho hay chuyển nhượng. Luật này thậm chí còn có quy định cho phép người chủ sở hữu của cây trồng cây khác thay thế đúng vào chỗ ấy khi cây bị chết.

Luật cổ với nội dung như thế không thể không bị coi là lạ. Nó gây ra rất nhiều phiền toái trong mối quan hệ giữa các chủ sở hữu liên quan và khi kiện tụng nhau trước tòa. Điều còn đáng được coi là lạ lùng hơn là sao sau bao nhiêu năm nó vẫn có hiệu lực.

Đọc thêm