Nga sản xuất hàng loạt siêu tên lửa Sarmat từ năm 2021

(PLO) - Việc sản xuất hàng loạt thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat sẽ được Nga bắt tay vào thực hiện từ năm 2021, hãng tin TASS dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này cho hay.
Tên lửa RS-28 Sarmat của Nga
Tên lửa RS-28 Sarmat của Nga

Theo nguồn tin trên, hạn chót để các đơn vị của Nga hoàn tất quá trình bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat và đảm bảo để các tên lửa đó có thể được đưa vào biên chế là năm 2021. “Việc sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ bắt đầu cùng năm. Trung đoàn tên lửa Sarmat đầu tiên với 2 hầm chứa tên lửa và đài chỉ huy cũng sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2021”, nguồn tin cho hay.

Các tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga do Cục thiết kế tên lửa Makeyev ở Miass phát triển nhằm thay thế các tên lửa R-36M2 vốn được sản xuất ở Nhà máy cơ khí Yuzhny ở Ukraine từ đầu những năm 1990. Việc thay thế dự kiến sẽ diễn ra vào giữa những năm 2020. Những tên lửa Sarmat đầu tiên dự kiến sẽ được cấp cho Sư đoàn tên lửa của Nga ở Uzhur, thuộc vùng lãnh thổ Krasnoyarsk.

Sau đó, dự kiến sẽ có tổng cộng 6 tên lửa như vậy được điều động đến sư đoàn này. Tổng cộng dự kiến sẽ có 7 trung đoàn với tổng cộng 46 tên lửa RS-28 được triển khai, chia thành 2 đơn vị tên lửa đóng tại các khu vực Dombarovskiy và Uzhur trong thời gian tới. Tên lửa Sarmat được sản xuất hàng loạt ở nhà máy Krasnoyarsk – đơn vị sản xuất tên lửa cho tàu ngầm hàng đầu của Nga thời Liên Xô. 

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với Quốc hội Nga về việc tên lửa Sarmat đã bước vào giai đoạn phóng thử. Theo kế hoạch ban đầu, tên lửa RS-28 đầu tiên của Nga sẽ được bàn giao cho Lực lượng tên lửa chiến lược của nước này vào năm 2015. Tuy nhiên, thời gian qua, chương trình phát triển tên lửa RS-28 của Nga đã nhiều lần bị trì hoãn trong đó có một số lần thử nghiệm với thiết bị đẩy. Đến tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa sẽ đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra.

RS-28 Sarmat là mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Nga. Các nguồn tin cho hay, tên lửa này có khối lượng phóng gần 110 tấn, được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Một quan chức Nga giấu tên cho biết Sarmat có tầm bắn trên 11.000 km, mang được từ 10 đến 15 đầu đạn hạt nhân với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, cùng nhiều thiết bị mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương. Các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.

Trước đó, theo The Diplomat, hồi tháng 5 vừa qua, Nga đã tiến hành thử nghiệm thứ 3 và cũng là thử nghiệm cuối cùng đối với tầng đẩy sơ cấp của tên lửa Sarmat tại Trung tâm không gian Plesetsk ở vùng Arkhangelsk Oblast, cách thủ đô Moscow của Nga khoảng 800km về phía Bắc. Cuộc thử nghiệm này diễn ra sau 2 cuộc thử nghiệm tương tự được tiến hành trong tháng 12/2017 và tháng 3/2018. Động cơ đẩy của tên lửa được cho là PDU-99 – một phiên bản cải tiến của động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng RD-274 được sử dụng ở mẫu tên lửa RS-36M2 Voyevoda. Nga dự kiến thử nghiệm bay hết tầm cho dòng tên lửa mới vào đầu năm 2019, trước khi tiến hành các thử nghiệm cấp quốc gia để chính thức đưa Sarmat vào biên chế Lực lượng Tên lửa Chiến lược.