Ông Trump đối mặt “rừng” đơn kiện khi ban bố tình trạng khẩn cấp

(PLVN) - Các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ, các bang và các bên khác đang cân nhắc thực hiện các biện pháp pháp lý nhằm thách thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mà Tổng thống Donald Trump đã ban bố để có ngân sách xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Reuters, tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Mỹ đã chính thức dùng quyền hành pháp để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm xây dựng bức tường biên giới. 

Việc viện dẫn các quyền hạn khẩn cấp được trao cho tổng thống theo một đạo luật được thông qua năm 1976 cho phép ông Trump bỏ qua các nhà lập pháp và tiếp cận khoản ngân sách khoảng 8 tỉ USD từ các bộ ngành để có được kinh phí phục vụ việc xây dựng bức tường.

Lần này, ông Trump tuyên bố rằng vấn đề nhập cư trái phép và buôn bán ma túy xuyên biên giới là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

Vài giờ sau tuyên bố của ông Trump, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ đã khởi động cuộc điều tra về tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống. 

Chưởng lý bang New York Letitia James cho biết văn phòng của bà cũng sẽ kiện ông Trump ra tòa. Thống đốc bang California Gavin Newsom cũng đã tuyên bố sẽ đệ đơn kiện động thái của Tổng thống.

Cùng với đó, ít nhất một nhóm vận động cũng nói rằng sẽ đưa ông Trump ra tòa vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định về việc sử dụng tiền đóng thuế và hoạch định chính sách là do lưỡng viện ở Quốc hội ban bố. Tuy nhiên, Đạo luật về Tình trạng khẩn cấp quốc gia năm 1976 cho phép tổng thống có thể sử dụng nguồn quỹ mà không cần sự đồng thuận của Quốc hội.

Đạo luật này đã được các tổng thống của Mỹ viện dẫn hàng chục lần nhưng chưa đến nay chưa từng có đơn kiện nào thành công trong việc phản đối tuyên bố tình trạng khẩn cấp bởi Quốc hội Mỹ không nêu rõ khái niệm “trường hợp khẩn cấp quốc gia” trong luật. 

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump có thể bị thách thức ở 2 mặt trận. Trong đó, mặt trận đầu tiên có thể cho rằng không hề có tình trạng khẩn cấp trong trường hợp hiện nay và luồng thứ 2 cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực bởi vì theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội mới có thẩm quyền phân bổ ngân sách liên bang chứ không phải tổng thống.

Dù vậy nhưng ông Peter Shane – một giáo sư tại Trường luật Moritz thuộc trường Đại học bang Ohio – cho rằng các đơn kiện thách thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump có thể kết thúc tương tự cuộc chiến chống lại lệnh hạn chế nhập cảnh với công dân từ nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi được ông Trump ban bố.

Tòa án Tối cao Mỹ hồi năm ngoái đã ra phán quyết giữ nguyên lệnh hạn chế nhập cảnh dù các tòa án cấp thấp liên tiếp ra phán quyết chống lại sắc lệnh của ông Trump.

“Các tòa án thường không muốn phán xét tổng thống về vấn đề an ninh quốc gia”, ông Shane nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, những đơn kiện từ các bên có thể khiến ông Trump không thể sử dụng ngay khoản ngân sách mong muốn mà số tiền đó có thể sẽ bị “giam” lại nhiều năm cho đến khi việc kiện tụng chấm dứt.

Trump sẽ tái tranh cử vào năm tới. Trong trường hợp ông không giành chiến thắng, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ kết thúc vào tháng 1/2021. Có thể cuộc chiến pháp lý về tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể không được giải quyết trước thời điểm này.

"Tôi đoán là tiền sẽ không được giải ngân trước cuộc bầu cử năm 2020”, Giáo sư Trường Luật Harvard Mark Tushnet nói.