Qatar phản hồi yêu cầu của khối Ả Rập

(PLO) - Các quan chức Qatar ngày 4/7 cho biết, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã có chuyến thăm đến Kuwait- nước đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này– và mang theo thông điệp phản hồi chính thức cho bản yêu sách 13 điểm từ các quốc gia vùng Vịnh. 
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani

Theo AFP, đây là động thái mới nhất trong cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Qatar và 4 nước quốc gia Ả Rập vùng Vịnh sau khi các nước này gia hạn thời gian đáp ứng bản yêu sách trên thêm 48 giờ sau thời hạn 10 ngày đưa ra trước đó.

Qatar nhún nhường

Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về nội dung của bức thông điệp phản hồi, nhưng một quan chức vùng Vịnh nói với AFP rằng, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã chuyển tới Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah “thông điệp phản hồi” liên quan đến bản yêu sách của các nước Arab và vùng Vịnh. 

Có thể nói Qatar cũng đã có sự nhún nhường. Mới đây, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cũng có cuộc gặp với các thành viên Hội đồng Bảo an để thảo luận về sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Qatar với 4 nước khu vực (gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain, Ai Cập). Đồng thời đề nghị các thành viên Hội đồng Bảo an hối thúc các nước vùng Vịnh bãi bỏ các lệnh cấm vận hàng không và các kết nối giao thông khác với Qatar.

Trước đó vào ngày 3/7, các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã tuyên bố gia hạn thời gian cho Qatar đáp ứng 13 yêu cầu mà họ đưa ra ngày 22/6. Các yêu cầu bao gồm việc chính quyền Doha chấm dứt tài trợ cho nhóm Anh Em Hồi giáo (MB), đóng cửa đài truyền hình al-Jazeera, giảm quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này...

Ông Qatar Sheikh Mohammed ngày 3/7 cũng nói rằng Qatar sẽ bị buộc phải từ chối các yêu cầu trên và luật sư người Anh của Qatar cũng đã cáo buộc rằng yêu cầu này là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir đã bày tỏ hy vọng về “một phản ứng tích cực để giải quyết cuộc khủng hoảng”. 

Các nước Arab cũng bắt đầu “xuống nước”

Sau khi diễn ra nhiều diễn biến căng thẳng, tại thời điểm này, Chính quyền Doha từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán để kết thúc cuộc khủng hoảng. Trong khi đó Kuwait đang dẫn đầu các nỗ lực trung gian để dàn xếp khủng hoảng. Quốc vương Qatar Sheikh Tamin bin Hamad al-Thani cũng dự tính sẽ đến Paris “trước khi kết thúc mùa hè này” để bàn về cuộc khủng hoảng vùng Vịnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ai Cập cũng cho biết sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Ả Rập, Bahrain và UAE vào ngày 5/7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Đức Gabriel cũng sẽ đến thăm UAE, Qatar và Kuwait để kêu gọi “một cuộc đối thoại quan trọng” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Có thể nói, hiện cả Qatar và các nước Arab đều không muốn căng thẳng leo thang. Mặc dù khẳng định tối hậu thư là không thể đàm phán, nhưng rõ ràng 4 quốc gia là Saudi Arbia, UAE, Bahrain và Ai Cập đều nhận thấy một thực tế rằng, khủng hoảng ngoại giao kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến du lịch, nhập khẩu thực phẩm, mà còn làm gia tăng căng thẳng tại Vùng Vịnh và không tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Điều đáng lo ngại nữa là có thể đẩy Qatar tiến gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.