Thắng lợi pháp lý đầu tiên từ khi nhậm chức của Tổng thống Trump

(PLO) - Tòa án Tối cao Mỹ ngày 26/6 đồng ý xem xét vụ kiện liên quan đến sắc lệnh nhập cảnh sửa đổi của Tổng thống Donald Trump vào tháng 10 và ra phán quyết cho phép duy trì quyết định cấm người tị nạn đến Mỹ trong vòng 120 ngày. Đối tượng áp dụng là người tị nạn "không có liên hệ thực sự nào với cá nhân hoặc tổ chức ở Mỹ".
Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh năm 2017
Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh năm 2017

1. Giới chuyên gia nhận định phán quyết từ tòa đã trao cho ông Trump một chiến thắng vang dội. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi đây là một thắng lợi vì "an ninh quốc gia", cho phép ông sử dụng "một công cụ quan trọng để bảo vệ đất nước" và chắc chắn nó sẽ "có tác dụng rất lớn".

"Wow!" là chữ duy nhất trong dòng tweet được Tổng thống Mỹ Donald Trump viết ngay sau khi nhận được tin Tòa án Tối cao ra phán quyết ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước của ông.

Dòng tweet ngắn gọn hết mức có thể này phản ánh niềm vui sướng của Trump trước thắng lợi mà Tòa án Tối cao trao cho ông, khi phán quyết rằng Tổng thống Mỹ có thẩm quyền bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách giới hạn những người có thể đến nước này.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh được Trump ký vào tháng 9/2017, cấm công dân các nước Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria, và Yemen vào Mỹ trong 90 ngày, đồng thời dừng chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày. Nó lập tức gây tranh cãi vì bị cho là nhắm vào người Hồi giáo, đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay Mỹ.

Những tranh cãi này được chấm dứt với việc 5 trên 9 thẩm phán Tòa án Tối cao cho phép Tổng thống Trump duy trì hiệu lực của sắc lệnh, cũng như bổ sung thêm nhiều quốc gia vào danh sách bị cấm.

Các trợ lý cho biết Trump cảm thấy "được bênh vực" sau khi phán quyết được đưa ra đúng vào thời điểm nhập cư đang trở thành vấn đề nóng bỏng ở Mỹ, liên quan đến phản ứng gay gắt của dư luận về tình cảnh trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ ở biên giới. Dòng tweet "Wow!" được Trump viết từ phòng nghỉ ở tầng ba của Nhà Trắng, nơi ông đang xem bản tin về phán quyết trên truyền hình.

Sau khi được các trợ lý báo cáo về phán quyết, Trump ra tuyên bố rằng đây là "một thành công lớn lao, một chiến thắng vang dội cho người Mỹ và hiến pháp Mỹ".

"Chúng ta phải cứng rắn, phải được an toàn và được đảm bảo an ninh, tối thiểu là phải xác minh được những người tới nước Mỹ", ông viết. "Phán quyết cho thấy những công kích trên truyền thông và các chính trị gia đảng Dân chủ là sai trái, hóa ra họ đã rất sai".

Theo một chuyên gia, quyết định liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cảnh cho thấy quyền lực to lớn mà tòa án trao cho tổng thống Mỹ về khía cạnh an ninh quốc gia.

Các thẩm phán nêu rõ chính phủ cần phải thực hiện những biện pháp để bảo đảm an ninh và khả năng đóng cửa biên giới dựa trên đánh giá về những mối đe dọa tiềm ẩn từ nước ngoài là một phần trong đó, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Khác với các thẩm phán ở tòa cấp thấp, thẩm phán Tòa án Tối cao đã gạt sang một bên những chỉ trích cho rằng sắc lệnh cấm nhập cảnh phân biệt đối xử với các cá nhân vì tín ngưỡng hay tôn giáo mà họ theo đuổi khi chỉ tập trung vào những quốc gia Hồi giáo chiếm đa số.

Phán quyết từ Tòa án Tối cao thể hiện cách lý giải luật hiện hành của các thẩm phán, đồng thời là sự tái khẳng định những thẩm quyền trong tay tổng thống Mỹ, chuyên gia trên đánh giá.

Theo giới quan sát, dù không hoàn hảo nhưng quyết định Tòa án Tối cao đưa ra thực sự là một tin tốt đối với Trump sau 157 ngày lãnh đạo đất nước, đặc biệt trước bối cảnh mức tín nhiệm của ông liên tục lao dốc, xuống mức thấp kỷ lục. Nó còn là niềm hi vọng cho những cử tri cốt lõi ủng hộ Tổng thống Mỹ.

Theo một cuộc thăm dò do CBS News thực hiện hồi cuối tháng 4, khoảng 53% số người được hỏi phản đối "việc tạm thời ngăn công dân đến từ các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh vào Mỹ". Tuy nhiên, gần 3/4 người tự nhận thuộc phe Cộng hòa nói họ ủng hộ lệnh cấm.

Vậy nên quyết định từ tòa là lý do ăn mừng tuyệt vời với những người ủng hộ chủ chốt của ông Trump, một cây bút đánh giá. Các thành viên Cộng hòa ở quốc hội Mỹ, lâu nay vẫn lo lắng về triển vọng chính trị của ông Trump, cũng nhờ thế mà có thể thở phào nhẹ nhõm.

2. Tuy nhiên, một bình luận viên cho rằng phán quyết này không đồng nghĩa với việc Tòa án Tối cao ủng hộ quan điểm được Trump đưa ra trong giai đoạn vận động tranh cử năm 2015, rằng nước Mỹ cần phải "cấm cửa hoàn toàn người Hồi giáo nhập cảnh". Các thẩm phán cũng không chấp thuận cách diễn giải ban đầu của lệnh cấm, vốn đã gây ra nhiều tình cảnh rối loạn trên khắp nước Mỹ trong những tuần đầu tiên được áp dụng.

Thay vào đó, Tòa án Tối cao chỉ chấp thuận một phiên bản "giảm nhẹ và được điều chỉnh về chính trị" của lệnh cấm nhập cảnh, từng bị Trump phản đối gay gắt. Hai phiên bản điều chỉnh của lệnh cấm trước đó đã bị các thẩm phán bác bỏ vì không đáp ứng được tiêu chí này.

Phiên bản thứ ba của lệnh cấm được chấp thuận sau nhiều tháng được các chuyên gia của Bộ Tư pháp nghiên cứu, điều chỉnh. Họ bổ sung hai quốc gia không có dân số theo đạo Hồi chiếm đa số là Triều Tiên và Venezuela vào danh sách, đồng thời sử dụng một cách chặt chẽ các lập luận bảo vệ an ninh quốc gia làm cơ sở cho lệnh cấm.

Đây là điều kiện để 5/9 thẩm phán Tòa án Tối cao, trong đó có thẩm phán Neil Gorsuch được Trump đề cử, chấp thuận rằng lệnh cấm thuộc thẩm quyền của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, ngay cả khi ủng hộ lệnh cấm, các thẩm phán Tòa án Tối cao cũng thể hiện nỗi lo lắng ngày càng lớn đối với chương trình nghị sự của Trump.

Chánh án John G. Roberts Jr. và thẩm phán Anthony Kennedy là hai trong số 5 người tại Tòa án Tối cao ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của Trump, nhưng chính họ cũng đưa ra những lời lẽ thể hiện sự bất an với Tổng thống.

Trong bài viết trên website của Tòa án Tối cao sau phán quyết, chánh án Roberts dẫn tuyên bố của các tổng thống Mỹ trước đây như George Washington, Dwright D. Eisenhower hay George W. Bush để cho thấy người đứng đầu nước Mỹ luôn tôn trọng các nguyên tắc về tự do và bao dung tôn giáo.

"Các Tổng thống trước đây đã phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện những tuyên bố đầy cảm hứng này", Roberts viết. Ông dẫn lại lập luận của những người kiện sắc lệnh cấm nhập cảnh rằng "lời lẽ của Tổng thống Trump vi phạm nguyên tắc tự do và bao dung này, do đó vi phạm hiến pháp của Mỹ".

Tuy nhiên, chánh án này cho rằng khi xem xét một vấn đề thuộc quyền hành pháp của tổng thống, các thẩm phán "không chỉ cân nhắc tuyên bố của một tổng thống mà còn phải tính đến thẩm quyền của người đứng đầu nước Mỹ nói chung".

"Những tiền lệ chúng ta tạo ra trong thời kỳ Trump sẽ tồn tại sau cả nhiệm kỳ của ông ấy, chúng ta cần thận trọng để mối lo ngại, sự giận dữ hay khinh bỉ ảnh hưởng đến nhận định của mình và khiến chúng ta có những hành động, kết luận đáng tiếc", ông viết thêm.

Bình luận viên Ruth Marcus cho rằng bài viết của Roberts, chánh án được đảng Cộng hòa ủng hộ, không trực tiếp nhắm đến Trump, nhưng những lời lẽ trong đó thể hiện nỗi lo ngại về quan điểm của Tổng thống đối với vấn đề nhập cư và tôn giáo của nước Mỹ.

Kennedy, một thẩm phán Tòa án Tối cao được tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Ronald Reagan đề cử năm 1987, thậm chí còn thể hiện nỗi bức xúc với Trump còn rõ ràng hơn Roberts. Ông viết một bài nhận định khác thường với giọng điệu giống như sự pha trộn giữa lời tự bào chữa vì bị đổ lỗi cho hậu quả do hành động của Trump gây ra với lời kêu gọi cá nhân để Tổng thống chú ý hơn vào hiến pháp mà ông đã tuyên thệ sẽ duy trì, bảo vệ.

"Các công chức nhất thiết phải trung thành với những cam kết và nghĩa vụ được hiến pháp quy định trong mọi hành động của mình, ngay cả trong lĩnh vực đối ngoại", Kennedy viết. "Thế giới đang âu lo bên ngoài cần biết rằng chính phủ Mỹ vẫn luôn cam kết với các quyền tự do được Hiến pháp duy trì và bảo vệ".

Những lời lẽ này cho thấy thẩm phán Kennedy có thể dễ dàng can thiệp để điều chỉnh các sắc lệnh của Trump nếu Tổng thống tiếp tục có những tuyên bố bị coi là xâm phạm đến các quyền tự do được hiến pháp bảo vệ, trong đó có quyền tự do tôn giáo. "Tuyên bố của Kennedy có thể làm thế giới bớt lo âu, nhưng một thực tế vẫn tồn tại và các thẩm phán đều biết rõ: Mọi người đang lo lắng và Trump là lý do", bình luận viên Ruth Marcus nhận định.