Thực tế không như mơ của một số người Triều Tiên vượt biên

(PLO) - Nhiều người Triều Tiên đào thoát khỏi quê hương mong cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng lại vật lộn trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt ở Hàn Quốc.
Ông Kwon Chol-nam, người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2014, giương tấm biển với hàng chữ "Tôi là công dân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tôi muốn trở về nhà"
Ông Kwon Chol-nam, người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2014, giương tấm biển với hàng chữ "Tôi là công dân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tôi muốn trở về nhà"

Khó khăn hòa nhập

Khi binh sĩ Triều Tiên Joo Seung-hyeon chọn ngả đường đào thoát sang Hàn Quốc qua khu vực phi quân sự giữa hai miền, anh đã chấp nhận bỏ mạng ở các bãi mìn và sẵn sàng tâm thế bị quân lính trên các tháp canh biên giới phát hiện. Lúc đó, Joo chỉ có một ý nghĩ duy nhất: cuộc sống mới hạnh phúc đang đón chờ phía trước. Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn vậy nhiều. 

Trong mắt người Hàn Quốc, Joo cho biết mình như người anh em họ Triều Tiên "đói nghèo, lạc hậu và mọi rợ". Trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc làm, ngay khi vừa mở miệng nói, anh đã để lộ giọng miền Bắc đặc sệt.

Và kết quả là anh liên tục bị từ chối kể cả những công việc chân tay đơn giản với thu nhập thấp. Đôi khi có cửa hàng đồng ý thuê Joo nhưng chỉ trả mức tiền công bằng một nửa so với người Hàn Quốc, Joo nhớ lại những năm tháng cơ cực. 

Bất chấp muôn vàn khó khăn khi hòa nhập với xã hội Hàn Quốc, Joo kiên trì vươn lên. Anh tập nói giọng miền Nam bằng cách bắt chước theo đài phát thanh. Tranh thủ thời gian rỗi, Joo đi học đại học. Hiện nay với bằng tiến sĩ nghiên cứu về vấn đề thống nhất hai miền, Joo là người Triều Tiên đào tẩu đầu tiên có học vị cao như vậy ở Hàn Quốc. 

Bán đảo Triều Tiên chia cắt kể từ năm 1953 sau cuộc chiến tranh kéo dài ba năm. Theo thống kê, kể từ những năm 1990, hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn chạy sang miền Nam. Những người đào tẩu Triều Tiên trong những năm 1970 và 1980 được truyền thông Hàn Quốc tung hô như "những anh hùng" khao khát tự do. Nhưng thái độ nồng nhiệt đó thay đổi 180 độ sau nạn đói đầu những năm 1990 ở Triều Tiên tạo ra làn sóng hàng trăm người tị nạn tìm cách đào thoát khỏi quê hương. 

Người Hàn Quốc tỏ ra khó chịu, thậm chí nghi ngờ những người Triều Tiên đào tẩu. Do thiếu kiến thức và trình độ, những người Triều Tiên trốn chạy sang Hàn Quốc đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tìm việc và kết bạn. Tỉ lệ thất nghiệp của họ lên tới 7%, gần gấp đôi so với tỉ lệ thất nghiệp trung bình ở Hàn Quốc. Trong khi đó, thu nhập hàng tháng của họ chỉ bằng khoảng một nửa so với mức lương trung bình ở miền Nam. 

Hối tiếc

Cựu binh sĩ Triều Tiên Joo đào thoát vào năm 2002 sau khi nghe về "cuộc sống tự do và thịnh vượng" ở Hàn Quốc qua dàn loa phóng thanh phát thông tin tuyên truyền với công suất lớn lắp đặt tại khu vực biên giới giữa hai miền.

Trong một lần làm nhiệm vụ, Joo quyết định bỏ chốt gác. Sau 30 phút bò trườn dưới đám hàng rào thép gai điện và vượt qua các bãi mình rải rác khu vực phi quân sự liên Triều, Joo đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc. 

Nhưng đó chưa phải là phần khó khăn nhất. Xã hội áp lực của Hàn Quốc mới là cú sốc lớn nhất đối với Joo. "Đột nhiên tôi bị ném vào một thế giới cạnh tranh siêu khốc liệt mà ở đó chỉ những kẻ thích ứng được mới sống sót," Joo viết trong cuốn sách kể về cuộc sống của người Triều Tiên đào tẩu. "Thực tế cuộc sống ở đây còn lạnh lẽo hơn cả cái đêm đông mà tôi cô độc vượt biên".

Sau khi hơn 100 đơn xin việc bị từ chối, Joo lược bỏ thông tin mình là người Triều Tiên đào tẩu trong hồ sơ tìm việc và thay đổi giọng nói để che giấu xuất thân thật. Và anh bắt đầu nhận được một vài lời mời phỏng vấn và thậm chí xin việc thành công ở một số công ty. Năm nay gần 40 tuổi, Joo hiện giảng dạy ở nhiều trường đại học. Nhưng anh vẫn cho rằng bản thân là "một trường hợp may mắn hiếm có". 

Joo là một trong số 9 binh lính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc kể từ năm 2000, trong đó trường hợp gần đây nhất mới xảy ra vào tháng 11/2017. "Nhiều binh sĩ đào thoát nói rằng họ hối tiếc vì đã đến miền Nam", Joo cho biết.

Trên thực tế, không phải ai cũng thành công như Joo, hiện hai người khác đang ngồi tù vì sử dụng ma túy hoặc cố ý gây án mạng, người thứ ba nghiện rượu và đã chết vì ung thư gan, người thứ tư bị ôtô đâm khi đang phát tờ rơi quảng cáo cho một câu lạc bộ ban đêm và đang sống lay lắt trong tình trạng thương tật. 

Theo một cuộc điều tra của chính phủ, gần 1/4 người Triều Tiên ở Hàn Quốc ít nhất từng một lần suy nghĩ đến việc quay trở về quê hương vì nỗi nhớ nhà giày vò. "Tôi chưa bao giờ đồng ý với nhận định rằng xã hội Hàn Quốc như địa ngục", Joo nói. "Nhưng trái tim tôi tan vỡ khi chứng kiến những người liều mạng đào thoát đến Hàn Quốc rồi chỉ để tự kết liễu cuộc đời mình ở đây hoặc tìm kiếm cuộc sống ở nơi khác do không chịu nổi áp lực kỳ thị và định kiến xã hội". 

Trong cuốn sách của mình, Joo kể lại những câu chuyện đau lòng về những người Triều Tiên tự tử vì không thể hòa nhập với xã hội Hàn Quốc, số khác chật vật kiếm miếng ăn dù đã nỗ lực học tập để có bằng cử nhân. Hay một người đàn ông Triều Tiên quyết định di cư sang quốc gia khác sau khi các phụ huynh tại trường mà con ông theo học tổ chức biểu tình vì không muốn con cái họ học chung với người Triều Tiên. 

 Trường hợp bi kịch bậc nhất

Trong hơn 30.000 người đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc, Lee Soo-keun là một trong những người nổi bật và bi thảm nhất. Lee, 44 tuổi, đào tẩu vào ngày 22/3/1967 tại Panmunjom, nơi chia tách hai miền bán đảo Triều Tiên.

Với tư cách phó chủ tịch của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên, Lee đến đây để đưa tin về cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu. Ông bí mật xin các quan chức Mỹ giúp ông đào tẩu.

Ông Lee Soo-keun
Ông Lee Soo-keun 

Họ đồng ý và Lee chạy lên chiếc xe của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc. Hai lính canh Triều Tiên chạy đến và cố kéo ông ta ra. "Khi đó, tôi lao ra huých hai người đó ngã", đại úy Thomas F. Bair của quân đội Mỹ cho biết sau cuộc đào tẩu.

Chiếc xe được điều khiển bởi quân nhân Mỹ lao qua hàng rào bằng gỗ tại một trạm kiểm soát Triều Tiên ở Panmunjom. Các lính canh đã bắn hơn 40 phát nhưng họ trốn thoát mà không bị thương.

Cuộc đào tẩu kịch tính của Lee đã trở thành chiến dịch tuyên truyền cho Hàn Quốc và ông được chào đón long trọng như một người hùng. 50.000 người đổ ra đường chào mừng tại Seoul. Ông được tặng một ngôi nhà, một chiếc xe hơi, tiền mặt và những món quà khác. Chính phủ đã giúp Lee, người bỏ lại vợ và ba đứa con ở Triều Tiên, kết hôn với một giảng viên đại học từng học tại Mỹ.

Nhưng Lee cũng không tìm thấy hạnh phúc ở Hàn Quốc. Ông bị theo dõi liên tục. Tháng 1/1969, Lee đội tóc giả và gắn ria mép, dùng hộ chiếu giả lên máy bay để trốn sang Campuchia với sự giúp đỡ của Pae Kyung-ok, cháu của người vợ ở Triều Tiên. Tuy nhiên, Lee đã bị các điệp viên Hàn Quốc bắt lại.

Lee được đưa trở lại Hàn Quốc trên một máy bay quân sự và cơ quan gián điệp Hàn Quốc tuyên bố rằng vụ đào tẩu khỏi Triều Tiên của Lee là giả, nhằm giúp ông làm gián điệp ở Hàn Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc gọi phát hiện này là "sốc" và "đáng khinh bỉ". Lee bị treo cổ vào tháng 7/1969, chưa đầy hai tháng sau khi bị kết tội gián điệp. Khi đối mặt với thòng lọng treo cổ, Lee đã xin lỗi vợ con ở Triều Tiên và người vợ ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà báo và sử gia đặt câu hỏi về vụ án. Năm 2007, Ủy ban Sự thật và Hòa giải, cơ quan điều tra vi phạm nhân quyền của các chính phủ Hàn Quốc tiền nhiệm, nói rằng Lee đã bị tra tấn nhiều lần. Họ đề nghị vụ này được đem ra xử lại.

Gần nửa thế kỷ sau vụ hành hình, tòa án ở Seoul đã xóa tội gián điệp cho Lee. Họ cho rằng ông bị xử tử dựa trên cáo buộc sai và ép cung bằng tra tấn. Theo tòa, không có bằng chứng cho thấy Lee là gián điệp hay vụ đào tẩu của ông này là một âm mưu. Lee đơn giản là đã chán nản với cả chính phủ Hàn Quốc lẫn Triều Tiên nên muốn định cư ở một nước khác.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 22/11/2018 loan báo, lần đầu tiên kể từ 14 năm qua, hai nước Triều Tiên được nối kết bằng đường bộ tại khu vực biên giới. Đây là động thái hòa giải mới nhất giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Con đường đất nện rộng 12m không chạy ra khỏi vùng phi quân sự (DMZ) chia đôi hai miền Nam Bắc, hai nước Triều Tiên mỗi bên làm một đoạn đường tại Cheonrwon trong khu vực này. Dự kiến sang năm con đường mới sẽ phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm hài cốt các nạn nhân cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Các công sự tại khu vực Bàn Môn Điếm cũng được phá hủy. 

Đây là một trong những cam kết giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018. 

Đọc thêm