Tiền lương toàn cầu tăng thấp nhất kể từ năm 2008 ​

(PLO) - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong báo cáo vừa công bố cho biết, trong năm 2017, mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu đã giảm xuống ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiền lương tăng chậm hơn so với năng suất 

Theo Báo cáo lương toàn cầu 2018-2019 vừa được ILO công bố, trong năm 2017, mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu thực tế, tức đã điều chỉnh theo lạm phát, đã giảm từ mức 2,4% trong năm 2016 xuống còn 1,8%. Tuy nhiên, phân tích tăng trưởng tiền lương cho thấy, các nước đang phát triển vẫn có tốc độ tăng trưởng tiền lương cao hơn so với các nước phát triển.

Cụ thể, theo báo cáo, các nước thuộc nhóm G20 nền kinh tế phát triển có mức tăng trưởng lương thực tế trong năm 2017 giảm 0,4%. Ngược lại, ở nhóm G20 nền kinh tế đang trỗi dậy và đang phát triển, tăng trưởng lương thực tế tăng khoảng 4,5% ở năm 2017 và 4,9% ở năm 2016. “Thật khó hiểu là các nền kinh tế phát triển có sự phục hồi tăng trưởng GDP và tỉ lệ thất nghiệp giảm nhưng tốc độ tăng trưởng tiền lương lại chậm”, ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO – cho hay.

Theo báo cáo, trong 20 năm qua, mức lương thực tế trung bình ở các nước đang phát triển và mới nổi thuộc nhóm G20 đã tăng gần 3 lần nhưng mức tăng ở nhóm G20 các nước phát triển chỉ đạt 9%. Mặc dù vậy nhưng báo cáo cũng đánh giá tiền lương ở nhiều nước có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp vẫn còn quá thấp. Sự bất bình đẳng về lương còn cao và lương thường không đủ để đáp ứng nhu cầu của người lao động và gia đình họ. 

Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh tiền lương vẫn tăng chậm hơn rất nhiều so với năng suất. “Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy tăng trưởng lương thấp sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2018. Việc trì trệ tăng lượng như vậy là trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống. Các nước cần cùng với các đối tác xã hội tìm kiếm những giải pháp để đạt được sự tăng trưởng lương bền vững cả về mặt kinh tế lẫn xã hội”, ông Ryder nói. Kết quả được ILO công bố dựa trên dữ liệu từ 136 quốc gia.

Chênh lệch giới về lương vẫn ở mức cao

Trong báo cáo năm nay, ILO cũng tính toán khoảng cách trả lương theo giới theo những cách thức sáng tạo và chính xác hơn, sử dụng dữ liệu từ 70 nước và khoảng 80% người lao động được trả lương trên phạm vi toàn thế giới. Kết quả phân tích được nêu trong báo cáo cho biết, nữ giới vẫn tiếp tục bị trả lương thấp hơn khoảng 20% so với nam giới. Vẫn theo báo cáo, ở các nước thu nhập cao, khoảng cách trả lương theo giới lớn hơn ở những nhóm lao động có mức lương cao nhất còn ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, khoảng cách trả lương theo giới giữa các nhóm lao động được trả lương thấp là lớn hơn so với các nhóm còn lại.

Bằng cách sử dụng những bằng chứng thực nghiệm, báo cáo chỉ ra rằng những cách lý giải truyền thống, ví dụ như cách giải thích rằng sự khác biệt về mức độ giáo dục giữa nam và nữ sẽ ảnh hưởng đến việc trả lương, không thể biện minh được cho khoảng cách trả lương theo giới. “Ở nhiều nước, phụ nữ học cao hơn nam giới nhưng mức lương mà họ nhận được vẫn thấp hơn, kể cả trong trường hợp họ làm việc trong cùng một nhóm nghề nghiệp”, bà Rosalia Vazquez-Alvarez – chuyên gia về kinh tế và lương của ILO cũng là tác giả của báo cáo – chỉ rõ. Bà Vazquez-Alvarez cũng cho hay, mức lương của cả nam và nữ đều có xu hướng thấp hơn ở các doanh nghiệp hay các nghề nghiệp mà phụ nữ chiếm đa số lực lượng lao động. “Vì vậy, để giảm khoảng cách giới trong trả lương, để đảm bảo đàn ông và phụ nữ được trả lương bình đẳng thì cần nhấn mạnh hơn vào việc xử lý tình trạng đánh giá thấp những công việc mà phụ nữ đảm nhiệm”, bà nói.

Một yếu tố khác được cho là khiến khoảng cách trả lương theo giới cao hơn là việc làm mẹ. Báo cáo chỉ ra rằng những bà mẹ thường có xu hướng được trả lương thấp hơn so với những người không làm mẹ. Điều này có thể liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có việc bị gián đoạn việc làm, giảm thời gian làm việc, việc đảm nhận những công việc có thể giúp xoay xở công việc gia đình thường được trả lương thấp hơn, hay sự ảnh hưởng đến các quyết định thăng cấp ở công sở…

Theo báo cáo, việc chia sẻ một cách công bằng hơn các nghĩa vụ gia đình giữa đàn ông và nữ giới trong nhiều trường hợp sẽ giúp phụ nữ có nhiều lựa chọn công việc hơn. Báo cáo cũng phát hiện ra rằng ngay cả trước khi phụ nữ làm mẹ, khoảng cách về lương giữa nam giới và nữ giới cũng đã xuất hiện. Tác giả của báo cáo cho rằng, điều này cho thấy sự cần thiết phải chống lại những khuôn mẫu và sự phân biệt đối xử ngay ở thời điểm lao động gia nhập thị trường lao động.

Theo ông Ryder, khoảng cách trả lương theo giới như vậy là đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau, cũng là mục tiêu đã được cộng đồng quốc tế đồng thuận hướng tới đạt được vào năm 2030 theo Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. “Khoảng cách trả lương theo giới là một trong những biểu hiện lớn nhất của tình trạng bất công trong xã hội ở thời đại hiện nay và tất cả các nước đều cần phải tìm hiểu nguyên nhân đằng sau xu hướng này, đồng thời đẩy nhanh các tiến bộ nhằm hướng tới bình đẳng giới”, ông nói.

Đọc thêm