Tương lai nào cho Syria?

(PLO) - Giới phân tích cho rằng cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria mới đây có dấu hiệu kết thúc sau nhiều nỗ lực về chính trị nhằm hướng tới một tuyên bố mang tính khả thi song đất nước này vẫn đang phải đứng trước tương lai mờ mịt.
Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria đã để lại vô vàn đau thương, tang tóc trên đất nước này
Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria đã để lại vô vàn đau thương, tang tóc trên đất nước này

Sau sự thất bại của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Abu Kamal - cứ điểm cuối cùng của tổ chức này ở Syria, các hoạt động quân sự đều được hạn chế trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng liên minh của chính phủ và các nhóm phiến quân. Lực lượng phiến quân đã trở nên đơn độc và mất dần lợi thế. 

Những dấu hiệu lạc quan

Trong bối cảnh đó, Nga đã hối thúc quân đội để tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột ở Syria. Cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad ở thành phố Sochi vào ngày 20/11 vừa qua đã đưa ra những phác thảo mở rộng về triển vọng mới cho tiến trình hòa bình ở Syria mặc dù nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh đến việc không có sự can thiệp của nước ngoài. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Saudi Arabia và Israel, ông Putin đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22/11 và ra thông báo chung về việc triệu tập một hội nghị về hòa bình cho Syria ở Sochi để tạo ra một khuôn khổ cho sự hòa giải dân tộc. 

Cùng với những sáng kiến của Nga, một cuộc gặp kéo dài hai ngày dưới sự tài trợ của Saudi Arabia diễn ra ở Riyadh với sự tham dự của 140 phiến quân Syria (kết thúc hôm 24/11) đã đạt được thỏa thuận thành lập một phái đoàn thống nhất tham gia các cuộc hội đàm ở Geneva. Họ cũng được cho là đã giảm nhẹ yêu cầu kiên định buộc Tổng thống Assad phải ra đi để có thể tháo gỡ những bế tắc trong đàm phán. 

Chướng ngại còn tồn tại

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định trong vấn đề Syria hiện vẫn còn tồn tại nhiều chướng ngại lớn. Trước hết, sự đổ máu và can thiệp của bên ngoài đã tạo ra những vật cản khó vượt qua trước khi các cuộc đàm phán thực thụ có thể được khởi động. Thứ hai, mục tiêu can dự của các nước đôi khi lại nhằm các mục tiêu khác nhau. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu phải lật đổ Tổng thống Assad và coi lực lượng người Kurd là khủng bố thì Nga và Iran lại có quan điểm ngược lại. Mặc dù cả Nga và Mỹ đều cam kết sẽ triệt tiêu hoàn toàn IS nhưng họ lại có quan điểm trái ngược trong việc duy trì chính quyền của Tổng thống Assad. 

Tương tự, mặc dù Israel và Saudi Arabia có sự khác biệt rõ rệt nhưng cả hai đều nhận thức rõ được rằng Iran đang có được lợi thế ở Trung Đông. Thứ ba, ngay cả khi cần một thể chế mới ở Syria được thừa nhận rộng rãi, các quy định cho một chính thể tương lai với sự tiếp nối từ chủ nghĩa dân tộc Ba’ath của Arập đến Khilafat của người Sunni, từ một thể chế cộng hòa thống nhất đến một liên bang vẫn còn lỏng lẻo. 

Ở một cấp độ khác, do Syria là quốc gia đầu tiên mà Nga can thiệp quân sự kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nên Moskva cũng muốn thổi bùng lên những đồn đoán rằng ông Putin muốn thể hiện sức mạnh quân sự không chỉ ở khu vực mà cả trên toàn cầu. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là bất cứ một nền hòa bình nào cũng cần đến nguồn tiền lớn để tái thiết. Nếu viễn cảnh hòa bình không sớm được định hình thì việc Syria trở lại tình trạng hỗn loạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Đi tìm dung hòa

Sự suy tàn của IS tại Syria sẽ không tự mở đường cho giải pháp đối với cuộc xung đột ở đây. Trên thực tế, việc loại bỏ được kẻ thù chung thậm chí còn có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa các bên và điều này chỉ càng đảm bảo rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra không chắc tạo ra được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào cho hòa bình. 

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đối mặt với một nhiệm vụ nặng nề, đó là phải dung hòa được các quan điểm khác nhau của ba nước này trong tiến trình mang lại hòa bình cho đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá. 

Trong một cuộc họp mang tính biểu tượng ngày 22/11 ở Sochi, lãnh đạo ba nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với "một cuộc đối thoại liên Syria quy mô lớn", bao gồm mọi thành phần trong xã hội Syria, đồng thời kêu gọi các đại diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập tham gia Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria với tinh thần xây dựng và tích cực. Tuy nhiên, theo bà Elena Suponina, cố vấn của Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, tuyên bố chung nói trên mặc dù "đã đặt nền móng thực tiễn cơ bản" cho việc khởi động tiến trình chính trị ở Syria nhưng rất khó để ba nước có thể thống nhất quan điểm với nhau. Nhiều người không tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán và đồng thuận về vấn đề nào đó, chứ chưa nói đến việc bắt đầu một công việc thực tế. 

Theo các nhà quan sát, nhiệm vụ chính hiện giờ, và cũng là khó khăn, thử thách chính, là phải phối hợp các nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ với các nỗ lực của các quốc gia Arập ở Vịnh Persia và Mỹ trong tiến trình chính trị, bởi chỉ riêng vấn đề người Kurd cũng có thể đặt ra vô vàn thách thức, chứ chưa nói đến các nhóm cấp tiến ở Syria. Bên cạnh đó, tình hình hiện nay vô cùng mong manh bởi mọi việc phụ thuộc vào ý chí chính trị không chỉ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn của các nước cũng có ảnh hưởng khác ở Syria...