Ukraine tuyên bố 'không cần quan hệ ngoại giao với Nga'

(PLO) - Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin trong phát biểu ngày 26/11 tuyên bố không cần ngoại giao với Nga nhưng cũng nói rằng Kiev vẫn chưa sẵn sàng để cắt đứt mối quan hệ này. 
Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin.
Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin.

“Chúng tôi không cần những mối quan hệ với Nga nhưng chúng tôi vẫn cần tìm cách giúp đỡ và chăm sóc khoảng 2,5 triệu người Ukraine vẫn còn ở Liên bang Nga cũng như những công việc mà các lãnh sự của chúng tôi đang làm”, ông Klimkin tuyên bố khi trả lời câu hỏi liệu Kiev sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga hay không.

Theo hãng tin Sputnik, quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Liên bang Nga được thành lập vào năm 1992. 

Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố không ủng hộ ý tưởng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga, vì điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến người dân Ukraine.

Phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Ukraine được đưa ra sau khi Nga ngày 25/11 đã bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine tại Eo biển Kerch - một vùng biển hẹp nối biển Azov với Biển Đen – vì cáo buộc 3 tàu này đã vượt qua biên giới biển của Nga một cách bất hợp pháp. 

Các tàu này cũng bị cáo buộc không tuân theo các yêu cầu của lực lượng chấp pháp Nga, dẫn tới việc phía Nga quyết định sử dụng vũ khí. 

Theo phía Nga, 3 quân nhân của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị thương trong vụ việc nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Nga cho rằng những hành động của Hải quân Ukraine ở Eo biển Kerch là sự khiêu khích, vi phạm các quy định quan trọng của luật pháp quốc tế, rất nguy hiểm và đe dọa sự di chuyển của tàu thuyền.

Vụ việc đã đẩy căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Hải quân Ukraine cáo buộc tàu bảo vệ bờ biển Nga đã đâm vào một tàu kéo của nước này trước khi nổ súng vào các tàu này và bắt giữ chúng. Chính quyền Kiev thông báo có 6 trong số 23 binh sĩ bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng.

Quốc hội Ukraine ngày 26/11 đã thông qua lệnh thiết quân luật trong 30 ngày, từ ngày 28/11 tại các vùng giáp biên giới Nga hoặc gần nơi binh sĩ Nga đóng quân nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước “nguy cơ bị tấn công”. 

Đây là lần đầu tiên biện pháp này được áp dụng từ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát vào năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Đọc thêm